Sự kiện

Nguyên nhân thiếu điện: Cần nhìn khách quan

Thứ tư, 7/7/2010 | 08:50 GMT+7

Những ngày tháng 6 vừa qua, nắng nóng và khô hạn cực điểm, đã phá vỡ kỷ lục của hàng trăm năm trở lại đây thì cũng là lúc người dân cả nước thấm thía hơn bao giờ hết cái nỗi cơ cực của cơn “khát” nước và khát “điện’.

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, trong cơn “nước sôi, lửa bỏng” này bình tâm, hướng đến một cái nhìn khách quan hơn về tình trạng thiếu điện hiện nay. Từ một cách nhìn đúng, hành động đúng sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những “cơn khát” trong tương lai.

Tại sao “100% các dự án nhiệt điện than lại chậm tiến độ”?

Hạn hán khốc liệt, các hồ thủy điện trên cả nước đều “lập lờ” gần mực nước chết, niềm hy vọng của mùa khô 2010 này đều đổ dồn vào các dự án nhiệt điện. Đó là gần 1.000 MW công suất của nhiệt điện Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Sơn Động, Cẩm Phả 1 được coi như là cánh kéo, sẽ gánh đỡ cho các nhà máy thủy điện đang hoạt động cầm chừng do thiếu nước từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, niềm hy vọng đã thực sự trở thành “nỗi thất vọng” bởi tình trạng thiếu ổn định của các nhà máy này ngay khi mới đi vào vận hành, mà nói một cách sâu xa thì nguyên nhân chính là do chậm tiến độ.

Nhưng trước khi “quy kết” cho việc các dự án này chậm tiến độ đã gây ra thiếu điện hãy tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này. Trong một công bố “gây sốc” mới đây của Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)  - Hoàng Tiến Dũng trên báo Thanh niên ngày 25/6/2010 thì “100% các dự án nhiệt điện than bị chậm tiến độ”. Thực ra, công bố này cũng không phải mới, bởi tại một hội thảo cách đây chưa lâu do Bộ Công thương tổ chức vào tháng 3/2010 với chủ đề tìm giải pháp đảm bảo tiến độ các dự án nhiệt điện than, các đại biểu tham dự cũng đồng nhất với quan điểm hầu hết các dự án nhiệt điện than đều chậm tiến độ, có dự án chậm đến 4-5 năm. Và như vậy thì việc các dự án Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Sơn Động, Cẩm Phả 1 bị chậm tiến độ là điều đáng chê trách, nhưng nghịch lý, tại sao “100% các dự án nhiệt điện than lại chậm tiến độ” cũng là điều rất đáng băn khoăn. Điều đó, cũng nhằm khẳng định, nguyên nhân của sự chậm chạp này không phải chỉ do mỗi trách nhiệm của chủ đầu tư mà còn rất nhiều vấn đề đáng bàn quanh một dự án nhiệt điện than.

Nguyên nhân ở đây chính là sự chậm trễ, chồng chéo trong công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở giữa các ngành, lĩnh vực khiến nhiều dự án nhiệt điện phải chờ đợi. Sự chồng chéo, rườm rà trong thủ tục pháp lý cũng là nguyên do đáng kể khiến giai đoạn chuẩn bị dự án kéo dài. Hay như vấn đề giải phóng mặt bằng từ lâu đã trở thành “nỗi khiếp hãi” của các chủ đầu tư do không thể dàn xếp nổi đối với nhiều hộ dân trong khu vực triển khai dự án, trong khi đó chính quyền địa phương tại nhiều nơi lại chưa thực sự kiên quyết, chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn này... Không chỉ dừng lại tại đó, vòng luẩn quẩn vốn, giá thành, tiến độ đã trở thành bài toán “đau đầu” cho bất cứ chủ đầu tư dự án nhiệt điện than nào. Từ việc giá bán điện rất thấp so với suất đầu tư khiến chủ đầu tư buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC và nhà thầu “giá rẻ”. Giá bán điện thấp cũng khiến cho EVN không thể chấp nhận việc mua điện với giá cao hơn giá bán (giá bán điện hiện vẫn do nhà nước khống chế) trong khi nhà đầu tư ngoài EVN lại mong muốn có mức giá cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Và như vậy, vòng luẩn quẩn giá điện thấp, vốn ít, chi phí rẻ đồng nghĩa với thời gian thi công kéo dài là đương nhiên và không thể có lời giải thực sự xác đáng khi chưa có sự đồng nhất về quan điểm, sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện cũng như người tiêu dùng điện.

Thiếu điện không nên chỉ đổ lỗi cho một mình ngành Điện

Gần 14 năm (từ năm 1995 đến 2008), tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của Việt Nam đạt khoảng 15,06% (tương ứng với GDP bình quân 7,49%) được coi mức tăng trưởng điện vào diện là cao bậc nhất khu vực và thế giới, đây rõ ràng là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và ngành Điện trong việc đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, ông già ôZôn - Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa đã rất có lý khi cho rằng những nỗ lực xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam sẽ “chẳng bao giờ đủ” để có thể đáp ứng cho một xã hội sử dụng điện thiếu tiết kiệm và thiếu hiệu quả như ở Việt Nam hiện nay. Đáng lý ra GDP tăng đều hàng năm nhưng tỷ lệ tăng trưởng điện thương phẩm so với GDP phải giảm đi thì mới chứng tỏ các biện pháp khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao. Nhưng thực tế đang trái ngược với mong muốn này. Hệ số tăng trưởng 1% GDP tương ứng với trên 2% tăng trưởng điện thương phẩm không hề có dấu hiệu giảm xuống trong những năm gần đây là minh chứng cho nhận định này.

Thống kê cũng cho thấy, so với các nước đang phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Philippin thì hiệu quả sử dụng điện tại Việt Nam rõ ràng thấp hơn rất nhiều. Bởi với các quốc gia này để làm ra 1 đồng GDP sẽ cần tiêu hao khoảng 1 đồng điện còn Việt Nam thì gấp hơn hai lần. Với các nước phát triển, hệ số này còn thấp hơn nhiều, 1 đồng GDP sẽ tương ứng với 0,7 đến 0,8% đồng điện.

Nguyên do của tình trạng sử dụng điện kém hiệu quả này xuất phát từ sự chậm trễ, thiếu kiên quyết trong việc xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ, sự chậm chạp vào cuộc của các cơ quan giáo dục trong việc phổ cập các kiến thức về tiết kiệm điện cho trẻ em. Và các cơ quan truyền thông cũng không phải “vô can” trong chuyện này khi mà ý thức tự giác về tuyên truyền tiết kiệm điện chưa được nâng cao, công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện chưa thật sự hiệu quả.

Lãng phí điện ở góc độ “vĩ mô” thì như vậy nhưng ở góc độ “vi mô” thì sao?. Rất nhiều các nhà máy tại Việt Nam thiết bị máy móc còn lạc hậu. Giá điện thấp khiến nhiều doanh nghiệp chây ỳ trong đổi mới công nghệ cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện. Trong nhân dân thì tình trạng lãng phí điện cũng không hề thua kém, thiết bị điện được trang bị vô tội vạ nhưng công năng hữu ích hay hướng dẫn sử dụng tiết kiệm điện chẳng mấy được quan tâm. Còn tình trạng lãng phí điện tại các công sở thì đã được báo chí nói nhiều, bởi “cha chung không ai khóc” nên công chức về nhà mà quên tắt điều hòa, tắt đèn tại cơ quan, cứ tổ chức họp (bất kể cuộc họp là quan trọng hay không quan trọng) là đóng kín cửa, bật thật nhiều đèn trong khi ánh sáng tự nhiên không thiếu là chuyện không khó gặp ở các cơ quan nhà nước hiện nay. Bởi bức xúc vì tình trạng quá lãng phí điện, một nhà báo đã phải thốt lên rằng “Trong khi mà cả thế giới đang kiếm tìm những nguồn năng lượng hiệu quả, ngay các nước phát triển giàu có hơn chúng ta hàng trăm lần cũng đang tích cực tiết kiệm năng lượng thì tại sao ở Việt Nam – một đất nước còn nằm trong danh sách quốc gia nghèo trên thế giới lại thờ ơ với tiết kiệm điện đến vậy!”.

Từ thực tế của việc sử dụng điện chưa hiệu quả quay trở lại với vấn đề thiếu điện hiện nay sẽ thấy rất rõ nguyên nhân của tình trạng thiếu điện là do đâu. Chắc chắn, ngành Điện không thể “ngoài cuộc” trong nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu điện hiện nay, bởi trọng trách của những người làm điện là phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho xã hội. Tuy nhiên, nếu các chính sách, và việc thực thi chính sách tiết kiệm điện được thực hiện nghiêm túc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn và chắc chắn cơn khát “điện” sẽ không căng thẳng đến thế. Điều này cũng nhằm khẳng định tình trạng thiếu điện sẽ được giải quyết khi và chỉ khi cả xã hội ý thức rõ “tiết kiệm điện chính là trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi người, vì sự phát triển của đất nước và thế hệ tương lai của chính đất nước này”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Để thực hiện Quy hoạch điện VI, trong vòng 20 năm (2006-2025) Việt Nam cần lượng vốn đầu tư cho lĩnh vực điện năng là khoảng 80 tỉ đô la Mỹ (trung bình phải có 4 tỉ đô la Mỹ/năm). Còn với mục tiêu vào năm 2020, khi Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa thì nhu cầu về điện phải là 2.000- 3.000 kWh/người và lượng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ điện năng đến 2025 – 2030 sẽ lên hàng trăm tỷ USD nên việc chỉ huy động nguồn vốn trong nước là bất khả thi nên phải tính đến đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì trong hơn 20 năm thu hút FDI, tính đến tháng cuối năm 2009, các dự án FDI vào điện mới chỉ có 1,1 tỷ USD vốn đăng ký. Cho đến cuối năm 2009, mới có 2 dự án điện 100% vốn FDI được xem là thành công đó là Nhà máy Phú Mỹ 3 (720MW) do Tập đoàn Dầu khí BP của Anh làm chủ đầu tư, vốn 421,5 triệu USD và Phú Mỹ 2.2 (714MW), do tổ hợp Tổng Công ty Điện lực Pháp và hai tập đoàn Sumitomo và TEPCO của Nhật làm chủ đầu tư với số vốn 480 triệu USD. Cả 2 dự án này đều được đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và khánh thành lần lượt vào năm 2004 và 2005. Nguyên nhân của tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với lĩnh vực điện năng, chính là những rào cản do giá điện thấp cũng như cơ chế đấu thầu hiện còn phức tạp.

Theo: CôngThương