Sự kiện

Xung quanh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp tới hộ dân nông thôn: Hướng nào cho sức ép nhân lực?

Thứ năm, 10/9/2009 | 09:28 GMT+7

Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của các công ty điện lực khi triển khai tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn là sức ép về nguồn nhân lực. Sức ép này đang ngày càng tăng lên do khối lượng công việc trong và sau quá trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại các đơn vị đang ngày một lớn. Vậy, đâu là hướng giải quyết khó khăn này?

 
 Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn ở Hải Dương 
Đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã có 8.845/9.082 xã đã có điện (đạt 97,74%), trong đó các điện lực đã bán điện trực tiếp đến khoảng 4.711 xã (chiếm 53,26% số xã có điện). Còn khoảng 4.250 xã với khoảng 5 triệu hộ sử dụng điện ở nông thôn đang mua điện qua 7.033 tổ chức quản lý kinh doanh điện tại các địa phương. Theo kế hoạch năm 2009, 07 công ty điện lực (gồm các Công ty Điện lực 1, 2, 3; Công ty Điện lực Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương) sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp (TNLĐHA) tại 2.930 xã với 14.594 công tơ tổng.

 “Quá tải” công việc

Thực tế, công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp (TNLĐHANT) cho thấy, các công ty điện lực đã, đang và tiếp tục tiếp nhận một khối lượng lớn tài sản, quy mô quản lý kinh doanh ngày càng mở rộng với hàng triệu khách hàng mới, kéo theo khối lượng công việc bình quân của mỗi người lao động hiện có của các đơn vị tăng lên. Trước đây, nhiều chi nhánh bình quân mỗi CBCNV phụ trách quản lý 350 công tơ. Sau khi TNLĐHA, con số này đã tăng lên là trên 500 công tơ/người.

Chi nhánh điện Đông Triều (Điện lực Quảng Ninh) là một trong những chi nhánh có khối lượng tiếp nhận lớn nhất của toàn Công ty Điện lực 1 với 18 xã. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Phạm Đức Tâm – Trưởng Chi nhánh chia sẻ: Chi nhánh hiện chỉ có 63 CBCNV, nếu tiếp nhận xong, số lượng công tơ quản lý sẽ là 45.000 chiếc. Như vậy, bình quân mỗi lao động quản lý tới trên 700 công tơ. Đó là chưa kể người lao động trong đơn vị còn phải làm những công việc khác như quản lý vận hành, sửa chữa đường dây, thu tiền điện… Với khối lượng công việc lớn như vậy, số lao động hiện có sẽ bị “quá tải” công việc.

Theo tính toán của Công ty Điện lực 1 - đơn vị có khối lượng tiếp nhận lớn nhất cả nước với 3.279 xã,  trong năm 2009, Công ty sẽ tiếp nhận 2.000 xã, nếu căn cứ theo định mức lao động hiện hành, thì phải bổ sung hơn 5.000 người. Còn theo phương án phát huy tối đa mọi nguồn lực, mỗi xã tiếp nhận cũng cần tối thiểu 1 nhân viên điện lực và một người làm đại lý dịch vụ bán lẻ. Như vậy, sẽ phải bổ sung 2.000 lao động chính quy và 2.000 nhân viên dịch vụ. Còn theo ông Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, nếu các công ty điện lực TNLĐHANT và bán điện trực tiếp tới 100% xã trên cả nước (trung bình mỗi xã phải có 2 người làm công tác quản lý lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn), số lao động phải tăng lên trên 18.000 người.

Bố trí hợp lý, nâng cao năng suất

Trước thực tế trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khẳng định: Việc bổ sung lao động để quản lý kỹ thuật và kinh doanh, đặc biệt là với các công ty điện lực có khối lượng tiếp nhận lớn như Công ty Điện lực 1, 3; Công ty Điện lực Hà Nội, Hải Phòng đang là đòi hỏi hết sức cấp bách. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí và nhân lực, trước mắt, các đơn vị ưu tiên thực hiện các công việc tối thiểu: Chốt chỉ số công tơ; ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng mới; xử lý các yêu cầu tối thiểu về an toàn lưới điện; đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình TNLĐHANT.

Cùng với đó, EVN đã đề nghị các đơn vị cần chủ động sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn nhân lực hiện có phục vụ công tác quản lý vận hành, kinh doanh đối với lưới điện mới tiếp nhận. Các công ty điện lực cần bố trí, giao khu vực quản lý cho nhân viên điện lực gắn với địa bàn tiếp nhận. Đồng thời, cần hướng dẫn và giao cho đơn vị cấp dưới chỉ tiêu tuyển chọn nhân viên quản lý điện nông thôn của các tổ chức cũ tại địa phương làm dịch vụ bán lẻ điện năng. Qua đó, kịp thời san sẻ gánh nặng công việc cho nhân viên điện lực trong công tác bàn giao lưới điện và quản lý kinh doanh trên địa bàn mới tiếp nhận. Tuy nhiên, EVN cũng lưu ý các đơn vị cần chú ý nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng khoán trắng việc quản lý lưới điện hạ áp cho tổ chức dịch vụ bán lẻ điện nông thôn. 

Theo quan điểm chỉ đạo của EVN, các công ty điện lực không thể tách riêng công tác TNLĐHANT để kiến nghị, xem xét giải quyết vấn đề bổ sung nhân lực, mà cần được đặt chung trong tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn đơn vị căn cứ trên các yêu cầu đặt ra hiện nay là bố trí sắp xếp lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.

Lãnh đạo Tập đoàn hiện đã giao các ban chuyên môn của EVN khẩn trương nghiên cứu, tính toán xây dựng định mức, đơn giá tiền lương và năng suất lao động mới sao cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của ngành sau khi tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân nông thôn và sẽ trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Tính đến hết tháng 6/2009, ngành Điện đã hoàn thành TNLĐHA tại 1.346 xã, với trên 1,4 triệu khách hàng.

 

* Ông Nguyễn Văn Báu -Trưởng Chi nhánh điện Thạch Thất (Hà Nội): Quá tải trước áp lực công việc

Trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân ở Thạch Thất, vấn đề nhân sự là nổi cộm nhất. Bởi, nếu không thực hiện tốt việc bổ sung đủ nhân sự ngay sau tiếp nhận thì sẽ không đảm bảo được công tác quản lý, vận hành lưới điện. Thực tế, đa số tổ dịch vụ, hợp tác xã quản lý điện năng của các xã đều muốn “bàn giao” hết nhân sự cho Chi nhánh, với số lượng từ 5 - 7 người, song Chi nhánh chỉ được ký hợp đồng dịch vụ với 2 hoặc 3 người, dù khối lượng công việc sau tiếp nhận rất lớn. Với lực lượng nhân lực được bổ sung “mỏng” như vậy, khối lượng tiếp nhận càng nhiều thì áp lực công việc sẽ quá tải đối với CBCNV Chi nhánh.

* Ông Lê Minh Đức, Phó giám đốc, Công ty Điện lực Ninh Bình: Đề nghị EVN điều chỉnh định mức lao động

Đến hết tháng 7/2009, Công ty Điện lực Ninh Bình đã tiếp nhận được 106/125 xã, bán điện trực tiếp tới gần 200 nghìn khách hàng. Trong khi lực lượng lao động không được tăng lên tương ứng với khối lượng công việc. Mặc dù, Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ với các HTX điện nông thôn, nhưng đội ngũ này chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác kỹ thuật, an toàn, kinh doanh điện nên chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho các đơn vị.

Từ năm 2008, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động làm việc với UBND các địa phương xin cấp đất hoặc thuê đất dài hạn để xây dựng một địa điểm giao dịch điện nông thôn/1xã. Tại đây, sẽ bố trí 1-2 nhân viên của điện lực trực tiếp làm công tác quản lý lưới điện nông thôn, kinh doanh điện và tiếp nhận thông tin yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, Công ty đang gặp nhiều khó khăn do định biên lao động không được phép tăng lên. Công ty đề nghị EVN tính toán điều chỉnh định mức lao động phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm bớt khó khăn cho đơn vị trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.

Theo: Tạp chí Điện lực