6 khuyến nghị của Liên hiệp quốc để tránh thiếu điện

Thứ sáu, 4/1/2008 | 10:25 GMT+7

Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) vừa đưa ra bản khuyến nghị nhằm phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo của cơ quan này, nếu Việt Nam áp dụng những biện pháp được khuyến nghị thì có thể hi vọng luồng vốn FDI từ các nhà đầu tư cấp 1 sẽ chiếm khoảng 1/3 công suất phát điện bổ sung cần thiết mỗi năm.

Theo bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, để đáp ứng nhu cầu tăng GDP 8,5%-9%/năm giai đoạn 2006-2010 và cao hơn, thì nhu cầu điện của Việt Nam được dự báo sẽ phải tăng ở mức 17%/năm đến 20%/năm. Vì vậy sẽ phải xây dựng mới ở giai đoạn này khoảng 14.600 MW và ở giai đoạn tiếp theo khoảng 34.000 MW nguồn điện.

Để đảm bảo thành công, các chuyên gia của UNCTAD đã đưa ra các đề xuất về khung thị trường và 6 đề xuất cụ thể: Tách biệt hoạt động phát điện, chuyển tải điện và phân phối điện. Ba hoạt động này phải được thực hiện bởi các doanh nghiệp tách biệt về pháp lý, không sở hữu chéo cổ phiếu của nhau.

Điện lực Việt Nam không nên tiếp tục là một công ty điện lực hợp nhất theo chiều dọc. Tách chức năng đơn vị mua duy nhất khỏi EVN. Đơn vị mua duy nhất hướng tới một thị trường bán buôn phải thuộc công ty chuyển tải điện độc quyền, bao gồm cả Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia.

Chuyển giao quyền sở hữu EVN và các doanh nghiệp nhà nước khác trong lĩnh vực điện lực từ Bộ Công nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC).Chuyển giao Viện năng lượng cho một công ty chuyển tải điện độc lập.Tăng cường năng lực của Cục Điều tiết điện lực (ERAV) và từng bước tăng quyền hạn và tính độc lập của Cục này.

Liên quan đến vấn đề vận hành, chuyên gia của UNCTAD cũng đưa ra 6 khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, rút dần bảo lãnh chính phủ bằng cách xây dựng một thị trường cạnh tranh cấp bán buôn và có thể chấm dứt quy chế bảo lãnh chính phủ sau khi đã chấm dứt hoàn toàn cơ chế này.

Thứ hai, soạn thảo các hợp đồng mua bán điện tiêu chuẩn.

Thứ ba, đấu thầu cạnh tranh cho tất cả các dự án phát điện trong Quy hoạch tổng thể, mở rộng cho các công ty nhà nước và tư nhân tham gia.

Thứ tư, quy định EVN-VPC là nhà thầu cuối cùng và được yêu cầu bỏ thầu tất cả các dự án phát điện.

Thứ năm, cho phép các IPP phục vụ cho một khu vực cụ thể, miễn là chúng thuộc chương trình phát triển có chi phí thấp nhất.

Thứ sáu, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong các công ty điện đã được cổ phần hoá. 

Theo TBKTVN