Giá truyền tải điện: Cần đảm bảo minh bạch và phù hợp thị trường điện Việt Nam

Thứ hai, 17/12/2007 | 10:06 GMT+7

Trong khuôn khổ các dự án Hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 9/2007, tư vấn quốc tế của WB đã giúp Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) thực hiện dự án Xây dựng phương pháp lập phí truyền tải điện.

          

Một trong các điều kiện để phát triển thị trường điện ở các cấp độ là các đơn vị hoạt động điện lực phải có quyền sử dụng lưới điện truyền tải một cách bình đẳng. Do đó, việc tách biệt hoạt động sản xuất kinh doanh của khâu truyền tải ra khỏi các khâu phát điện và phân phối điện là việc cần thiết, cũng như phải có một phương pháp xây dựng giá truyền tải điện phù hợp với cơ cấu ngành Điện ở từng cấp độ phát triển của thị trường điện. Nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu ngành Điện, trong đó trọng tâm là việc hình thành và phát triển thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 

Việc điều tiết của Nhà nước ở khâu truyền tải điện thông qua phí truyền tải điện là cần thiết, do dịch vụ truyền tải mang tính độc quyền tự nhiên. Kiểm soát phí truyền tải điện không chỉ nhằm tránh các xu hướng độc quyền tăng giá trên mức chi phí và lợi nhuận hợp lý, mà còn khuyến khích đơn vị truyền tải điện nâng cao hiệu quả thông qua tiết kiệm chi phí và giảm tổn thất điện năng. Qua tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, có hai phương pháp chính để xây dựng giá truyền tải điện. Một là: Tính giá truyền tải theo cơ chế thị trường. Áp dụng cho các nước có thị trường điện phát triển đến cấp độ bán buôn hoặc bán lẻ, việc mở rộng phát triển lưới do đơn vị truyền tải điện tự quyết định theo cơ chế thị trường và không cần Quy hoạch phát triển điện lực; hai là: Tính giá truyền tải theo phương pháp phân bổ chi phí (còn gọi là phương pháp tem thư). Áp dụng với các nước thị trường điện chưa phát triển, việc mở rộng phát triển lưới truyền tải tuân thủ theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung.

 

Đối với Việt Nam, do đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường điện, đồng thời việc thực hiện mở rộng nguồn và lưới điện tuân thủ theo Tổng sơ đồ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, vì vậy trên cơ sở phân tích khung pháp lý, đánh giá đặc điểm hệ thống điện VN và phân tích kinh nghiệm quốc tế, Tư vấn đã kiến nghị VN nên áp dụng phương pháp tem thư.

 

Theo đó, tổng doanh thu của đơn vị truyền tải điện được tính toán trên cơ sở đảm bảo thu hồi đủ các chi phí và có lợi nhuận hợp lý, khuyến khích đơn vị truyền tải hoạt động hiệu quả. Giá truyền tải điện được phân biệt thành hai thành phần: Phí đấu nối truyền tải điện và phí sử dụng hệ thống truyền tải điện.

 

Tuy nhiên, để áp dụng được phương pháp tính toán giá truyền tải thì điều kiện tiên quyết là các đơn vị quản lý lưới truyền tải, đơn vị vận hành thị trường và đơn vị vận hành hệ thống điện cần phải tách thành các đơn vị hạch toán độc lập. Như vậy thì mới có thể dễ dàng xác định được chi phí và doanh thu của từng đơn vị và làm cơ sở để xác định giá truyền tải và các vấn đề bồi thường thiệt hại cho khách hàng do không đảm bảo chất lượng dịch vụ truyền tải như đã quy định.

 

Theo Luật Điện lực quy định thì đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm xây dựng giá truyền tải, Cục Điều tiết sẽ có trách nhiệm thẩm định và trình Bộ Công thương phê duyệt. Hiện việc lựa chọn phương pháp nào vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với cơ cấu ngành Điện ở từng cấp độ phát triển của thị trường điện. Kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để Cục Điều tiết Điện lực xây dựng Quy định về phương pháp tính, trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt giá truyền tải điện, dự kiến sẽ trình Bộ Công thương ban hành và áp dụng vào cuối năm 2008. 

Bảo Ngọc