Sự kiện

Tây Nguyên sáng điện thôn, buôn- Đảm bảo tiến độ Dự án cấp điện cho hơn 100.000 hộ dân

Thứ tư, 19/3/2008 | 11:07 GMT+7

Cuối tháng 2 vừa qua, công trình đầu tiên thuộc Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã được khởi công xây dựng. Không bao lâu nữa, chỉ đến cuối năm 2009 thôi, không chỉ bà con các dân tộc thuộc huyện Buôn Đôn, mà là của cả tỉnh Đăk Lăk và 4 tỉnh nữa trong khu vực (Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) sẽ được hưởng lợi từ chính sách đầu tư của Nhà nước. Thôn, buôn sẽ sáng điện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân sẽ được cải thiện đáng kể…

                                  

Theo quyết định phê duyệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, Dự án sẽ xây dựng 2.465 km đường dây trung áp, 2.724 km đường dây hạ áp, lắp đặt 1.242 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 73.084 kVA, 116.067 công tơ điện 1 pha đến từng hộ dân… nhằm cấp điện lưới quốc gia đến khoảng 1.200 thôn, buôn, tương ứng 116.067 hộ gia đình hiện chưa được sử dụng điện lưới.

Đưa điện về vùng khó khăn

Với diện tích tự nhiên 54.474 km2, Tây Nguyên là địa bàn quan trọng của cả nước cả về kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng. Liên tục trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội các tỉnh Tây Nguyên phát triển. Định hướng của khu vực này  là chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, đạt tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2006 – 2010 là 8,5%/năm (công nghiệp – xây dựng tăng 12,1%, nông lâm nghiệp tăng 6,9%, dịch vụ tăng 9,4%...).

Và để đạt được mục tiêu này, quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2010 của 5 tỉnh đã xác định phải đạt mức tăng trưởng gần 20%/năm; đảm bảo được sản lượng điện thương phẩm 2,733 tỷ kWh vào năm 2010 (492 kWh/người); xây dựng 655,5 km đường dây 110 kV, đầu tư mới và cải tạo gần 700 MVA công suất trạm biến áp 110 kV, hơn 4.000 km lưới điện trung áp (đến 35 kV), gần 4.100 km km lưới hạ thế, lắp đặt 197.000 công tơ 1 pha để bán điện đến từng hộ dân; cấp điện cho nông thôn đạt 89,2%, nhiều nơi đạt từ 95% trở lên..., với tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng.

Chính vì vậy, mặc dù có vốn đầu tư tương đối lớn, nhưng Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện cũng chỉ là một phần trong nỗ lực đưa “điện đi trước một bước” của các tỉnh Tây Nguyên. Hiện tại, trên địa bàn 5 tỉnh, tất cả 56 huyện, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, 658 trong tổng số 661 xã (chiếm 99,54%) và gần 82% tổng số hộ dân đã được sử dụng điện phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Số hộ dân chưa có điện còn khoảng 18%, tập trung chủ yếu tại các khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc diện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

“Dự án này có mục tiêu chính trị – xã hội rất lớn. Đó là thông qua chương trình cấp điện đến tận hộ để phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên, tạo sự ổn định cho khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”, một cán bộ của EVN nhận định. “Khi Dự án hoàn thành vào năm 2009, số hộ dân chưa có điện trên địa bàn hiện là 173.396 sẽ giảm xuống chỉ còn 57.329. Những hộ này sẽ được cấp điện bằng các dự án khác một cách thích hợp và có hiệu quả trong những năm tiếp theo”.

Đảm bảo tiến độ và chất lượng

Có tổng mức đầu tư lớn, phạm vi cấp điện rộng, địa hình phức tạp, yêu cầu tiến độ thi công phải hoàn thành gấp… do đó Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí 85% tổng vốn đầu tư phù hợp với tiến độ thực hiện dự án (trong năm 2007, EVN tự huy động 15% tổng vốn đầu tư để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư); UBND 5 tỉnh có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư trong việc triển khai dự án và chỉ đạo thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.

Xác định công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là bước lập dự án là khâu quan trọng quyết định đến tiến độ cũng như chất lượng thi công, nên ngay từ đầu EVN đã chú trọng lựa chọn các đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế công trình lưới điện như các Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1 và 4, Trung tâm Thiết kế điện 2 và 3, Viện Năng lượng cùng tham gia. Trong quá trình lập dự án, các đơn vị tư vấn đã tính toán lựa chọn phương án tuyến tối ưu, hạn chế tới mức thấp nhất phải đi qua rừng rậm và suối sâu, bố trí lưới điện điện phù hợp với việc phân bố dân cư của các địa phương, giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế di dời nhà cửa để tránh xáo trộn đời sống, sinh hoạt của nhân dân, trạm biến áp được đặt ở trung tâm phụ tải, đưa lưới điện hạ thế vào sát nhà dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kéo điện vào nhà dân, tránh vi phạm lộ giới giao thông…

“Kinh nghiệm từ các dự án trước đây cho thấy, khi lãnh đạo địa phương dành nhiều quan tâm chỉ đạo triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì tiến độ sẽ được đẩy nhanh, công trình đưa vào sử dụng được kịp thời, và tất nhiên người dân sẽ được hưởng lợi từ dự án nhiều hơn”, một cán bộ của Công ty Điện lực 3 (PC3) -  đơn vị trực tiếp quản lý các các công trình cấp điện cho 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Đăk Nông (cấp điện đến 847 thôn, buôn chưa có điện, tương ứng với 77.602 hộ dân, tổng vốn đầu tư 924,236 tỷ đồng). Theo đó, đến hết năm 2009, PC3 sẽ hoàn thành đóng điện 592 km đường dây cao áp, 474 km đường dây hạ áp, 17.485 kVA công suất trạm biến áp ở tỉnh Gia Lai; 291 km đường dây cao áp, 208 km đường dây hạ áp, 4.330 kVA công suất trạm biến áp ở tỉnh Kon Tum; 546 km đường dây cao áp, 810 km đường hạ áp, 20.430 kVA công suất trạm biến áp ở tỉnh Đăk Lăk; 299 km đường dây cao áp, 391 km đường hạ áp, 8.695 kVA công suất trạm biến áp ở tỉnh Đăk Nông:.

Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương và chi tiết, ngày 27/2 vừa qua, tại thị trấn huyện Buôn Đôn, PC3 đã phối hợp với Sở Công nghiệp tỉnh Đăk Lăk khởi công công trình cấp điện huyện Buôn Đôn (tổng vốn đầu tư 3,48 tỷ đồng, xây dựng 13,1 km đường dây trung, hạ thế, 4 trạm biến áp, cấp điện cho 520 hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Sở dĩ công trình cấp điện huyện Buôn Đôn được chọn triển khai thi công đầu tiên là vì thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đã rất quan tâm chỉ đạo UBND huyện và các Sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng (cũng vì lý do này, tiếp theo Buôn Đôn, PC3 sẽ triển khai công trình tại huyện Krông Ana).

Trong bối cảnh giá cả vật tư thiết bị, chi phí nhân công tăng cao, nhiều địa phương chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, lại chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm của việc triển khai đồng loạt các công trình thuộc Dự án năng lượng nông thôn I (vay vốn WB) khiến lực lượng nhà thầu xây lắp bị dàn mỏng, nguy cơ chậm tiến độ của các công trình Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa  có điện ở Tây Nguyên không phải là không có. Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án năng lượng nông thôn khu vực miền Trung vừa qua, EVN đã yêu cầu các đơn vị tư vấn tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ thiết kế; đề nghị UBND các tỉnh có cơ chế đặc biệt cho công tác giải phóng đền bù những đoạn tuyến qua rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tái sinh có trồng thêm; các huyện sớm thành lập Hội đồng đền bù để tổ chức giao nhận bàn giao tuyến để triển khai các bước tiếp theo ngay khi công trình được phê duyệt thiết kế; Sở Giao thông vận tải kiểm tra kỹ trước khi ký văn bản thỏa thuận tuyến để tránh lãnh phí do phải di dời tuyến vì vi phạm lộ giới giao thông…

Hàng trăm ngàn hộ dân ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Tây Nguyên đang khát khao chờ đợi điện lưới quốc gia. Không thể chỉ vì những khó khăn mang tính chủ quan làm chậm tiến độ của Dự án. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân trong khu vực trong giai đoạn thi công nước rút sẽ góp phần quan trọng đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như ý nghĩa chính trị – xã hội lớn lao mà Dự án hướng đến.

 

Minh Đức