Sự kiện

Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện: Bí quyết của Trà Vinh

Thứ ba, 18/3/2008 | 09:57 GMT+7

Dù từ nơi đâu đến, hễ đặt chân đến thị xã Trà Vinh là tôi cảm nhận ngay một khung cảnh bình yên đến lặng lẽ. Những con đường nhỏ rải đầy cát, sỏi. Những hàng me, hàng dầu, hàng sao đã trở thành cổ thụ. Những ngôi nhà xưa ẩn mình dưới tàng cây và lọt thỏm giữ khuôn viên đầy hoa và cây cảnh. Vì vậy, khi Trà Vinh được lựa chọn làm điểm đến trong chương trình tiết kiệm điện. Tôi thầm nghĩ, làm sao một thị xã nhỏ bé và tĩnh lặng, không có nhiều khu công nghiệp, mà điện sử dụng chủ yếu cho chiếu sáng sinh hoạt là khu vực khó khăn nhất trong thực hiện tiết kiệm điện vì các hộ ở đây sử dụng không nhiều và giải pháp chủ yếu là tuyên truyền để khách hàng sử dụng tự giác tiết kiệm.

 

            

Không phải trước đây, mà ngay cả bây giờ, Trà Vinh vẫn khác với hầu hết các thị xã ở Đồng Bằng sông Cửu Long là đường phố thưa thớt cả xe và người, ít thấy những chiếc ôtô, mô tô “đời mới”. Đêm Trà Vinh chìm trong im lặng và chỉ ở Trà Vinh tôi mới nhận ra một điều: đâu chỉ có sự ồn ào mới làm người ta thức giấc. Cái yên tĩnh của Trà Vinh đã làm tôi khó ngủ. Rảo một vòng qua thị xã, tôi nhận thấy nét duyên dáng của đường phố Trà Vinh không bị mờ đi, mà ngược lại, những ngọn đèn chiếu sáng đường phố được bố trí nhằm tiết kiệm điện càng làm cho Trà Vinh giống như một thiếu nữ kiều kiễm, lúc nào cũng mang dáng vẻ trầm tư. Các tuyến đường nội ô, nơi mật độ đi lại đông, đèn đường được bố trí khoảng cách hợp lý. Do hệ thống đèn đường được bố trí từ trước nên, “bên” chiếu sáng đô thị thực hiện “một bật, một tắt”, ở những phố ít người đi lại thì “một bật, hai tắt”. Trời tối muộn thì bật đèn muộn, tối sớm thì bật đèn sớm. Vấn đề là tất cả những nguyên tắc trên được thực hiện rất nghiêm ngặt, vì vậy, trong năm 2007, riêng điện dùng trong chiếu sáng đô thị đã tiết kiệm được 689.117 kWh so với năm 2006.

Dân số Trà Vinh có hơn 1 triệu người, trong đó người Khmer chiếm 30% và điện dùng trong sinh hoạt chiếm tỉ lệ 70,2% sản lượng điện tiêu thụ, có lẽ vì vậy mà giá điện bình quân của Trà Vinh được xếp vào loại thấp trong các Điện lực thuộc Công ty Điện lực 2 là 725,36 đ/kWh. Vấn đề tuyên truyền tiết kiệm điện không dễ dàng như các địa phương khác vì “bất đồng ngôn ngữ”. Điện lực Trà Vinh phải đưa các nội dung tiết kiệm điện bằng tiếng Khmer tuyên truyền trên chương trình truyền hình và truyền thanh với lưu lượng phát hình 52 lần và phát thanh 77 lần trong năm 2007. Ngoài ra, còn đăng tải trên báo viết; phát tờ rơi, treo Panô tuyền truyền sử dụng đèn compatc, in và phát hóa đơn tiền điện cho khách hàng có nội dung tuyên truyền tiết kiệm điện... Đối với điện dùng trong ánh sáng sinh hoạt, năm 2007, Trà Vinh đã tiết kiệm được 1.548.706 kWh.

Những con số trên không thấm tháp vào đâu so với sản lượng tiêu thụ của cả nước, thậm chí không đáng kể so với các tỉnh có công nghiệp phát triển và các đô thị lớn, nhưng nó thật sự có ý nghĩa đối với một tỉnh nhỏ bé và gần như không có công nghiệp như Trà Vinh, với sản lượng tiêu thụ của toàn tỉnh chỉ có 237 triệu kWh (sản lượng điện tiêu thụ của Hà Nội là hơn 4,8 tỷ kWh).

Chúng tôi về ấp Lưu Tư, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Đây là xã thực hiện điện khí hóa từ năm 1998, số hộ dân tộc chiếm 13% nhưng trong đó 12,8% đã được cấp điện từ lưới quốc gia. Ông lê Văn Nam là chủ một ngôi nhà vừa mới xây dựng chưa đầy 1 năm, nói: Tôi xây nhà đúng vào thời điểm nhà nước tuyên truyền sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Gia đình tôi chưa dùng loại bóng đèn này bao giờ nhưng sau khi tìm hiểu, tôi thấy nếu đầu tư một lần để sử dụng loại bóng đèn compatc thì sẽ tiết kiệm được tiền điện, do đó, tôi trang bị toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong nhà bằng loại đèn tiết kiệm điện. Vì gia đình tôi sử dụng điện chủ yếu cho chiếu sáng nên tiền điện giảm được trong từng tháng khá rõ. Với số lượng 20 bóng đèn trước đây tôi dùng loại bóng đèn tròn, gia đình tôi phải thanh toán hơn 100.000 đồng/tháng, nay chỉ khoảng 60.000 đồng/tháng.

Người dân Càng Long sống chủ yếu nhờ vào cây lúa, nhưng không chỉ mình Càng Long mà cả tỉnh Trà Vinh đều đắng cay trong “sự thuỷ chung” với cây lúa vì phần lớn đất đai ở Trà Vinh nếu không là những giồng cát nóng thì là đất mặn và đất phèn, mà cả ba thứ đất này, chẳng đất nào “yêu thương” cây lúa, vậy mà cây lúa cứ phải sống với sự cam chịu của người trồng nó. Bởi những nghề truyền thống như đan lát, dệt chiếu của Trà Vinh cứ mai một dần, không gỡ gạc nổi cuộc sống của những người dân nơi đây.

Chúng tôi có mặt ở Càng Long vào đúng những ngày thu hoạch. Năm nay, Càng Long được mùa. Năng suất không cao đến mức để làm mô hình mẫu, nhưng với Càng Long, với Trà Vinh thì đã là vụ mùa “hiếm có” rồi. Người dân Càng Long bị cuốn hút vào thành quả lao động với những đụn lúa đang được đóng bao. Gia đình bà Thạch Dong lắp 4 bóng đèn cho chiếu sáng thì 3 bóng là đèn compact. Khi chúng tôi hỏi về việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, bà Dong cười nói: “Nông dân nghèo thì tiết kiệm được chút nào cũng tốt”.

Năm 2007, toàn tỉnh Trà Vinh tiết kiệm được 3.286.406 kWh, trong khi tăng trưởng GDP của Trà Vinh là 13,74% và tăng trưởng phụ tải 9,44%. Bí quyết nào để Trà Vinh có được kết quả này, trong khi những giải pháp tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, ánh sáng sinh hoạt không khác gì so với các địa phương khác. Có khác chăng là sự nghiêm minh và gương mẫu của UBND tỉnh Trà Vinh. Trong năm 2007, Cơ quan hành chính sự nghiệp của Trà Vinh tiết kiệm được 1.090.569 kWh, đạt 147,37% so với kế hoạch. Ngoài việc cắt giảm ngân sách theo các chỉ tiêu tiết kiệm điện, UBND tỉnh còn yêu cầu các cơ quan hành chính thực hiện hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ. Tại công sở, chỉ bật từ 1 đến 2 tiếng/ buổi. Tình hình sử dụng điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp phải được báo cáo hàng tháng và có thông báo về hạn mức sử dụng điện đến từng đơn vị. Đơn vị nào sử dụng vượt hạn mức phân bổ đều bị nhắc nhở và có hình thức xử lý nghiêm đối với lãnh đạo, kể cả lãnh đạo UBND tỉnh.

Trước khi rời Trà Vinh, tôi nhìn những cánh đồng lúa trĩu bông mà mừng cho người bản xứ. Và thầm nghĩ, chương trình tiết kiệm điện chỉ là vấn đề rất nhỏ, nhưng từ kết quả của chương trình này tôi như được truyền sang niềm tin vào những thành công làm giàu của Trà Vinh./

Thanh Mai