Sự kiện

Công trường Sơn La tập trung cao độ cho phát điện tổ máy số 1

Thứ năm, 10/9/2009 | 11:25 GMT+7

Công nhân Đinh Hữu Hải, Đội xây lắp 1.2, Xí nghiệp Sông Đà 5.01 thuộc Công ty CP Sông Đà 5, tự hào rằng: Anh em công nhân trên công trường thuỷ điện Sơn La đa số là trẻ, có trình độ, tay nghề cao, rất tự hào được tham gia xây dựng công trình lớn của đất nước, đồng thời luôn mong muốn lao động đạt năng suất cao, sáng tạo, đảm bảo kỹ thuật, an toàn trong lao động, cống hiến hết mình xây dựng nhà máy để sớm đưa điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

 

* Thi đua tăng tốc

Có mặt tại công trường có gần 12.000 cán bộ, công nhân đang làm việc ba ca liên tục. Đây là giai đoạn thi đua tăng tốc để hoàn thành đúng tiến độ của Chính phủ đã đề ra là đóng cống tích nước hồ vào tháng 5 năm 2010. Đến nay, tất cả các đơn vị trên công trường đang đẩy mạnh các phong trào thi đua liên kết hoàn thành các hạng mục công trình. Nhộn nhịp nhất trên công trường vào thời điểm đầu tháng 9 này là tại các khu vực lắp đặt các tổ máy, cửa lấy nước, khu vực thi công bê tông dốc nước, đập không tràn bờ phải, khu khai thác mỏ đá Bản Pểnh... Riêng khu vực kênh dẫn dòng đang dừng thi công chờ qua mùa lũ sẽ thi công tiếp.

Tổng công ty Sông Đà, nhà thầu chính đảm nhận việc thi công toàn bộ khu vực nhà máy và thân đập chính, với khối lượng đổ bê tông đầm lăn (RCC) gần 2.700.000 m3 và khoảng 1.550.000 m3 bê tông thường (CVC). Trong đó Công ty cổ phần Sông Đà 5 thi công 3 tổ máy số 1,2,3 và một nửa khối lượng phần bê tông hạng mục cửa nhận nước, cùng toàn bộ việc sản xuất, chuyển băng tải vật liệu tới nơi thi công bê tông RCC đổ vào thân đập chính. Công ty CP Sông Đà 7 thi công các tổ máy 4,5,6, một nửa khối lượng cửa nhận nước và sản xuất vật liệu nghiền sàng; Công ty CP Sông Đà 6 thi công bê tông CVC, Công ty CP Sông Đà 10 khoan nổ, đào hố móng, khoan phun chống thấm và gia cố; Công ty TNHH một thành viên 908 thi công hố móng, kênh dẫn dòng, bê tông nhà máy, tham gia thi công đập chính và đảm nhiệm các đê quai, thi công đổ bê tông RCC, Sông Đà 11 chuyên lo điện, nước. Bên cạnh đó còn có các nhà thầu thành viên, gồm : Tổng công ty Trường Sơn thi công hố xói, xả tràn, kênh ra hố xói; Tổng công ty Licogi đảm nhận thi công bê tông phần vai phải đập không tràn của nhà máy; Tổng Công ty lắp máy Lilama đảm trách lắp đặt thiết bị nhà máy, đường ống áp lực dẫn nước với khối lượng lên tới 73.000 tấn.

Tại khu vực đoạn tuyến năng lượng, các đơn vị của Sông Đà đang đổ bê tông đến cao độ 126 mét, xây bịt kín hành lang thân đập cao trình 138 m giúp cho việc xả lũ, chống lũ năm 2009 an toàn; theo đó đổ bê tông gian lắp đặt nhà máy, gồm khoang tổ máy, gian lắp ráp và vùng cửa ra nhà máy. Đập không tràn bờ trái do quân của Sông Đà 10 đảm nhận gia cố mái thượng lưu đập, gia cố mái hạ lưu, khoan phun gia cố xử lý nền đập, khoan phun gia cố từ cao độ 180m đến cao độ 228m và khoan thoát nước nền. Bên bờ phải đập là những đơn vị của Licogi và Sông Đà 7, đảm trách phần thi công đổ bê tông từ cao độ 145m đến cao độ 173,6m công trình xả lũ, đập tràn. Những cánh van phẳng của 12 cửa xả đáy nặng hàng trăm tấn cũng đang được chạy thử khô, 3 cửa phẳng đã chạy an toàn và trơn tru.

* Đắp đập dâng

Những ngày đầu thu, trời chuyển mùa, lòng sông Đà sắp vào mùa cạn, toàn công trường đang chuẩn bị 1 trận chiến mới lấp dòng chảy sông Đà (đoạn kênh dẫn dòng).

Bên bờ trái, phía dưới đê quai hạ lưu, một vệt băng tải chạy dài từ trạm trộn bê tông tươi (bê tông đầm lăn) chạy dài, men theo vách núi, gần đến đập thì rẽ thành 2 nhánh, một nhánh vươn ra phía ngoài sông chuẩn bị cho đổ bê tông khối giữa lòng kênh. Còn nhánh chạy ngược lên phía bờ trái vẫn đang vận hành liên tục 24 giờ, đẩy công trình đập dâng bờ trái lên đến cao trình 210m. Riêng khối L3 đã hoàn thành khối lượng đổ bê tông RCC cao độ 228,1m. Tổng khối lượng bê tông RCC đã đổ đập dâng đến nay đạt trên 2 triệu m3/3,2 triệu m3. Từ nhà điều độ nhìn lên phía thượng nguồn, bên bờ trái đã “lấp” tới mặt đập, ngang tầm núi, trông như khối đá hoa cương hình tháp khổng lồ. Trong cái mênh mông của công trường, dưới nắng chiều, bộ quần áo bảo hộ của công nhân Sông Đà có cái màu nõn chuối trông nổi bật hẳn lên.

Nhìn lại gần 2 năm kể từ khi áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, mới thấy sức vóc của những người thợ Việt Nam trên công trường đã nắm bắt nhanh công nghệ, thi công đạt 120.000 m3/tháng, tháng cao nhất đạt 180.000 m3/tháng. Đến nay, họ đã làm chủ hoàn toàn công nghệ RCC. Có thể tự hào rằng, các đơn vị thi công đã vận hành dây chuyền hoàn hảo, đạt hiệu suất và năng suất cao bậc nhất trong nghề xây dựng trên thế giới, giúp toàn công trường đảm bảo tiến độ chung phát điện vào cuối năm 2010.

Kỹ sư Đinh Văn Đạt (34 tuổi), Phó Giám đốc chi nhánh Sông Đà 9.08 (Công ty cổ phần Sông Đà 9) phụ trách chỉ huy thi công đổ bê tông đập chính cho biết: kể từ khi đổ mẻ bê tông đầm lăn đầu tiên (14.1.2008), các đơn vị đã thi công đổ cao từ 20-22m bê tông/tháng. Việc đổ bê tông đầm lăn phải đổ liên tục. Người thợ máy của Công ty Sông Đà 908 Vũ Minh Chí (52 tuổi) quê ở Triệu Sơn, Thanh Hoá, từng tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước như Thuỷ điện Hoà Bình, Sông Hinh, Yaly, Đường Trường Sơn, thuỷ điện Cần Đơn, Na Hang. Anh Chí tâm sự: “Bây giờ công trình thuỷ điện Sơn La đang vào mùa chiến dịch thi công đổ bê tông, anh em công nhân không nghỉ, mà thức với công trường để làm việc cho ngày mai, cho thuỷ điện Sơn La sớm phát điện”.

Đập chính thuỷ điện Sơn La được chia thành 12 khối (C1-C5; L1-L3; R1-R4). Đập bê tông đầm lăn công trình thuỷ điện Sơn La được thiết kế với chiều cao lớn nhất 138,1 mét, với khối lượng thi công đập là 3,082 triệu m3 và dự kiến sẽ kết thúc đổ bê tông đập chính vào tháng 6 năm 2010.

 * Những người thợ lắp máy

Công ty Lilama 10 đang đẩy nhanh lắp đặt các thiết bị của nhà máy, trong quý 3 này phấn đấu hoàn thành lắp đặt gần 1.100 tấn thiết bị cơ khí thuỷ lực (cả hai quý 3 và 4 khoảng 2.020 tấn thiết bị) gồm các hạng mục lắp đặt khuỷu hút các tổ máy từ số 3 đến số 6, lắp đặt côn hút phần còn lại của 6 tổ máy, lắp đặt tổ hợp stato tua bin và buồng xoắn tổ máy số 2, 3,4,5,6.

Kỹ sư, đội trưởng Đội lắp máy số 1 cho biết: Toàn bộ buồng xoắn, đường ống áp lực, khuỷu hút, thiết bị vị phụ trợ đều do thợ Việt Nam lắp ráp tại công trường, đòi hỏi phải có sự sáng tạo, đảm bảo độ chính xác cao. Cả đội đều vượt kế hoạch được giao, đáp ứng tiến độ chung của công trường.

Kỹ sư Nguyễn Văn Luận (đội trưởng đội lắp máy số 5 – Lilama 10) cho biết thêm: Hiện buồng xoắn tổ máy số 1 và tổ máy số 2 đã lắp đặt xong tại khu vực nhà máy. Còn buồng xoắn tổ máy số 3 sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối tháng 10 năm nay.

Nhìn bao quát từ trên đài quan sát, hình hài nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á đang dần hiện lên rõ nét, từng hạng mục chính cũng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đến nay, tại tuyến năng lượng cả 6 đường ống áp lực đều đang được triển khai lắp đặt. Đường ống áp lực được làm bằng thép, đường kính 10,5 m hàn khớp nối có tác dụng dẫn nước tạo áp lực làm quay tua bin phát điện. Để tổ máy số 1 phát điện đúng kế hoạch, Anh Lê Văn Trung, trưởng phòng thi công Ban Điều hành dự án cho biết: Từ nay đến cuối năm, phải tiến hành đổ bê tông chân buồng xoắn và giếng tua bin tổ máy số 1 đến cao độ 112,25 m, đầu năm 2010 sẽ tổ hợp Stato máy phát và tổ hợp Rôto tại sàn cao độ 118m; hoàn thiện phần hàn nối của buồng xoắn tổ máy số 2, số 3.

Công trường thuỷ điện Sơn La vào đầu tháng 9 sang thu, nhưng cái khắc nghiệt về thời tiết vẫn còn ảnh hưởng, khống chế cả  thung lũng Ít Ong, làm cho nhiệt độ nhiều ngày lên đến 37-39 độ C. Các đơn vị tham gia thi công vượt lên chính mình lao động miệt mài, đẩy nhanh cường độ làm việc ba ca liên tục để công trình đập chính ngày một vươn cao. Với mục tiêu tích nước vào tháng 5/2010, hiện nay tất cả các đơn vị đã đẩy mạnh phong trao thi đua liên kết, hoàn thành các hạng mục theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Cả công trường đang hướng về mục tiêu cao nhất là sớm đưa tổ máy số 1 phát điện thương mại vào cuối năm 2010./.

Xuân Mai