Sự kiện

“Cần tuân thủ Luật Điện lực...”

Thứ tư, 19/12/2007 | 11:05 GMT+7

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị “phải nghiêm túc tuân thủ, không được phép thoả thuận với các nhà đầu tư các dự án không có trong danh mục của Quy hoạch Điện VI (Tổng sơ đồ 6- TSĐ6) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Phóng viên báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Lý do nào khiến Bộ Công Thương ra văn bản nói trên, thưa ông ?

Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam đầu tư, thông thường họ đến các địa phương nắm thông tin, nhưng không phải địa phương nào cũng nắm hết các Luật đã được ban hành, nên khi hướng dẫn nhà đầu tư chỉ đề cập tới Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp... mà thiếu hẳn đi Luật Điện lực. Trong khi đó, việc quản lý, phát triển các nhà máy điện phải theo quy hoạch thống nhất do Trung ương phê duyệt chứ không phải thuộc quyền của địa phương. Hậu quả là, các nhà đầu tư mất phương hướng, vì họ cho rằng, lãnh đạo địa phương cộng với nhà đầu tư quyết tâm đầu tư một nhà máy là dự án sẽ được triển khai. Điều này không đúng với quy định “chỉ cho phép đầu tư các công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” trong Luật Điện lực.

Và như vậy, nhà đầu tư đã mất thời gian và tiền bạc vô ích...?

Chắc chắn vậy, khi các nhà đầu tư quan tâm tới một dự án nào thì phải thuê các tư vấn và tiêu tốn thời gian và tiền bạc, nhưng khi hoàn thành hồ sơ, trình lên thì lại không đúng theo quy định hiện hành, nên họ phàn nàn. Điều đó nghĩa là, cơ quan quản lý ở địa phương hướng dẫn nhà đầu tư đi không đúng những quy định đã có. Không chỉ có một, hai mà rất nhiều trường hợp những nhà đầu tư đi theo hướng như vậy và phàn nàn với Bộ Công Thương, chúng tôi chỉ có thể nói là họ đã đi sai đường.

Chính xác là có bao nhiêu nhà đầu tư đã và đang có ý định làm nhà máy điện nhưng lại không đi đúng đường theo quy định, thưa ông?

Tuỳ theo mức độ quan tâm và tiếp cận dự án, có thể lên tới cả năm trời hoặc mới chỉ 2-3 tháng cũng có 15-20 trường hợp.

Vậy tại sao Bộ Công Thương không ra văn bản hướng dẫn sớm hơn trong vấn đề xây dựng nhà máy điện để các nhà đầu tư đỡ tốn tiền bạc và thời gian?

Luật và các văn bản dưới Luật đã ban hành, nhà đầu tư phải nghiên cứu và chấp hành thôi.

Nhưng trong các cuộc họp tổng kết hàng năm, hay từng vùng với Sở Công nghiệp địa phương, việc khuyến cáo các Sở Công nghiệp liên quan đến xây dựng nhà máy điện ở địa phương không được Bộ Công nghiệp trước đây đề cập tới...?

Tại sao phải khuyến cáo khi tất cả đã được thể hiện trong Luật, trường hợp địa phương nào chưa hiểu mà hỏi, chúng tôi sẽ trả lời.

Nhưng cũng có thể vẫn nên có khuyến cáo nếu thực tế có những vấn đề cần lưu tâm?

Thì bây giờ mới có quá nhiều các dự án kiểu như vậy diễn ra nên Bộ mới phải khuyến cáo, trước đây thì lại không có tình hình như vậy.

Vậy nghĩa là, khi nhà đầu tư muốn làm nhà máy điện nằm ngoài Quy hoạch thì phải gặp Bộ Công Thương để tìm hiểu?

Phải trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý về quy hoạch đó cho phép xem đề xuất đó có phù hợp hay không. Nếu đề xuất chưa có trong quy hoạch mà phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng bổ sung, sau đó nhà đầu tư mới có thể triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Vậy thời gian xem xét một dự án điện có phù hợp với quy hoạch hay không sẽ là bao lâu, thưa ông?

Tuỳ theo họ hỏi vấn đề gì. Nếu hỏi đặt nhà máy ở địa điểm cụ thể nào đó thì chưa trả lời ngay được. Dự án không có trong quy hoạch thì phải nghiên cứu mới trả lời được. Đối với dự án điện thì không chỉ là nghiên cứu đơn nhất một dự án cụ thể mà phải tính toán lại toàn bộ hệ thống.

Với những dự án mà địa phương và nhà đầu tư có những thoả thuận kiểu như “đồng ý cho làm dự án” thì sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Địa phương thoả thuận về nhà máy điện thì phải tự xử lý với nhà đầu tư, chứ Trung ương vẫn yêu cầu phải làm theo các quy định hiện hành.

Hiện giờ có nhiều nhà đầu tư làm đơn đề nghị xây dựng những nhà máy điện ngoài quy hoạch không, thưa ông?

Rất nhiều.

Tại sao vậy, thưa ông?

Đầu tư vào điện đang được quan tâm ở mức cao vì thời điểm này cũng rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hiện đầu tư vào ngành điện đa số đều dựa trên cơ sở lợi nhuận đầu tư dài lâu là chính. Với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, tức là đã ấn định thời gian để anh có thể thu hồi được vốn. Khi quyết định đầu tư là “sờ nắm” được tiền trong túi 20 năm sau rồi, bởi không có rủi ro về thị trường vì các hợp đồng mua bán điện và nhiên liệu đều đã ký trước khi nhà máy vận hành rồi. Chính vì vậy, nên đầu tư nhà máy điện rất hấp dẫn. 

Theo Kinh tế-Đầu tư