Sự kiện

Năm 2008: Vẫn “khát điện”

Thứ năm, 13/12/2007 | 09:14 GMT+7

* TPHCM cần 13 tỷ kWh điện và công suất cực đại sẽ trên 2.000MW

* Lễ Noel và Tết Nguyên đán, nguồn điện cung cấp được đảm bảo ổn định

                     

Nhà máy khí điện Nhơn Trạch 1 đang khẩn trương lắp đặt thiết bị, dự kiến phát điện tổ máy vào tháng 3-2008

Năm 2007, để giảm áp lực thiếu điện, TPHCM đã phải tiết giảm 91 triệu kWh điện. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân phải thắt lưng buộc bụng để chia sẻ khó khăn của ngành điện. Nhiều thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị sản xuất đã không thể thống kê hết. Thế nhưng, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian tới tình trạng “khát điện” trên không những chưa được khắc phục mà sẽ còn diễn biến xấu hơn. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ – Thông tin về vấn đề trên.

PV: Nhiều khách hàng phản ảnh thời gian gần đây hay bị cúp điện vào giờ cao điểm, vì sao?

Ông Phạm Ngọc Minh: Thời gian vừa qua nhu cầu sử dụng điện của TPHCM tăng cao, sản lượng tiêu thụ hiện trên 36,5 triệu kWh/ngày (so với tháng 12-2006 là: 34,5 triệu kWh) lý do là phụ tải gia tăng cùng thời tiết bắt đầu nắng nóng, các đơn vị tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm và phục vụ lễ, tết. Trong khi đó nguồn điện cả nước đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, phụ tải tăng nhiều nhưng có quá ít nhà máy điện mới được đưa vào vận hành; một số nhà máy điện lớn bị sự cố đang phải ngưng hoạt động để sửa chữa. Hiện EVN đã cố gắng huy động các nguồn để không phải cắt điện thường xuyên. Nhưng vào các giờ cao điểm từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày, khi mọi người cùng sử dụng điện để phục vụ chiếu sáng, nấu nướng, sinh hoạt... thì nhu cầu điện đã vượt quá khả năng cung cấp của nguồn.

Để tránh mất điện trên diện rộng do mất cân bằng cung - cầu, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam đã yêu cầu Công ty Điện lực TPHCM (và nhiều địa phương khác) tạm cúp điện ở một số đường dây trong giờ cao điểm. Căn cứ theo thông báo cắt điện và ngày nghỉ phiên đã được thông báo, Công ty Điện lực TPHCM có cắt một số tuyến dây để tránh sự cố nguồn. Tuy nhiên, nhiều khi do phụ tải tăng quá nhanh vào giờ cao điểm, việc cắt giảm tải không kịp thời dẫn đến một số thiết bị bảo vệ rơle 81 trên hệ thống điện tác động, tự động cắt điện một số khu vực ngoài ý muốn. Việc mất điện như bà con nêu trên là ngoài ý muốn và khả năng của Công ty Điện lực TPHCM nên mong bà con thông cảm.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng điện trên địa bàn TPHCM năm 2008?

Năm 2008, GDP của TPHCM được dự đoán là tăng 10% – 12%. Theo đó, tình hình sử dụng điện cũng sẽ tăng cao tương ứng. Dự báo công suất cực đại sẽ trên 2.000MW và sản lượng điện tiêu thụ sẽ trên 13 tỷ kWh. Một số khu vực được đánh giá là sẽ có sự gia tăng đột biến như khu vực trung tâm do có nhiều cao ốc mới đi vào hoạt động; khu vực quận Bình Tân, Bình Chánh, quận 9 do có nhiều nhà máy đang xây dựng.

 Theo EVN, năm 2008 vẫn xảy ra thiếu điện vì nhiều công trình điện không đi vào hoạt động đúng thời hạn. Vậy sản lượng điện cung ứng cho TP có bị ảnh hưởng?

Do tính liên kết của hệ thống điện luôn phải giữ cân bằng cung cầu để đảm bảo vận hành ổn định của toàn hệ thống nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng điện cung ứng cho TPHCM. Đặc biệt là vào những giờ cao điểm khi có nhiều khách hàng sử dụng điện đồng thời cùng lúc, cụ thể là 9 giờ - 12 giờ và 17 giờ – 19 giờ

Công ty đã có những biện pháp gì nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu này?

Công ty chỉ là một đơn vị phân phối điện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện được cung cấp. Tuy nhiên, công ty cũng đã tích cực chủ động đề nghị với EVN để được ưu tiên giải quyết cung cấp điện cho TP. Mặt khác, trong trường hợp hệ thống điện cả nước không khả quan, nguồn điện đầu tư không kịp thời, một số nhà máy điện mới chưa đi vào vận hành, các nhà máy thủy điện phải tích nước phục vụ mùa khô… dẫn đến thiếu điện thì công ty cố gắng điều hòa phân phối điện trong chỉ tiêu mà EVN phân bổ cho. Trong đó, ưu tiên cung cấp điện cho khu vực sản xuất và các khu vực trọng điểm. Hiện công ty đang tích cực tăng cường sửa chữa kiện toàn lưới điện để ngày càng giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối; làm việc với các khách hàng lớn có máy phát điện riêng để vận hành hỗ trợ phát điện giúp công ty vào những giờ cao điểm; làm việc với Công ty Chiếu sáng công cộng để thay đổi giờ đóng cắt hệ thống chiếu sáng hợp lý; tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao về năng lượng…

Lễ Noel, Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán trong thời gian tới là thời điểm nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Công ty đã có kế hoạch phục vụ điện cho những ngày lễ lớn như thế nào?

Trong những ngày lễ lớn, các đơn vị sản xuất nghỉ nhiều nên tổng công suất sử dụng điện TP không cao, không phải lo lắng về nguồn điện. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm có yêu cầu đặc biệt cao về việc cung cấp điện. Do đó, để phục vụ điện cho dịp lễ, tết cuối năm, công ty đã tổ chức sửa chữa lưới điện, lập và rà soát lại các phương án cung cấp điện, phương án xử lý sự cố lưới điện để chủ động đối phó hạn chế tối đa thời gian mất điện do sự cố. Công ty đặc biệt chú ý đến các vị trí quan trọng, các địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí tập trung. Công ty phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ an ninh đối với các công trình điện tại các quận huyện. Đồng thời, trong lễ tết, công ty sẽ ngưng toàn bộ các công tác trên lưới điện, bố trí tăng cường lực lượng chỉ huy và công nhân sửa chữa trực 24/24 giờ để phục vụ người dân.

Trong thời gian tới, để sử dụng điện an toàn và hiệu quả, theo ông người dân cần phải làm gì?

Khó khăn nhất của công ty là thiếu nguồn điện, đặc biệt là vào giờ cao điểm 17 giờ – 19 giờ. Do đó, để việc sử dụng điện có hiệu quả hơn, người dân cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn như bếp điện, bàn ủi, máy điều hòa không khí, máy giặt… Ngoài ra, người dân cần xem lại hệ thống đường dây điện nội bộ trong nhà trước khi đưa vào sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn để tránh xảy ra trường hợp quá tải làm hư hỏng, cháy dây, bật CB gây mất điện cục bộ và chập cháy nổ điện.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN: Nguồn điện cung cấp đang gặp nhiều khó khăn

Hiện nước về các hồ thủy điện phía Bắc giảm nhanh (hồ Hòa Bình những ngày đầu tháng 12 chỉ còn 450m3/s), công suất cao điểm tăng cao trong khi nhiều nguồn điện bị sự cố hoặc chậm tiến độ. Cụ thể như sự cố máy biến áp Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 sớm nhất phải cuối tháng 1-2008 mới xử lý xong, tiếp tục gây mất khoảng 50% công suất nhà máy; tổ máy GT11 Nhà máy Phú Mỹ 22 mới phát hiện nứt tầng cánh động tua bin phải sửa chữa dài ngày; Nhà máy Điện Cà Mau 1 tiếp tục ngừng vận hành từ đầu tháng 10 – 2007 để lắp đặt đuôi hơi; Nhà máy Điện Uông Bí MR 1 hoạt động chưa ổn định. Theo tính toán, dự kiến công suất đỉnh của hệ thống sẽ ở mức trên 11.200MW trong khi công suất khả dụng chỉ khoảng 9.600 – 9.800MW. Hệ thống sẽ thường xuyên thiếu công suất đỉnh và hoàn toàn không có dự phòng. Hơn nữa, hiện các hồ thủy điện đang cần phải tích nước chuẩn bị cho mùa khô và phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông-xuân 2008. Do đó, EVN đã có công văn gửi các đơn vị điện lực địa phương, các công ty truyền tải và phát điện yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện nghiêm ngặt; phối hợp các chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện; tuân thủ nghiêm ngặt công suất khả dụng do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia công bố. Đảm bảo hoạt động của hệ thống rơ le sa thải phụ tải theo tần số. Về phía các công ty truyền tải phải đảm bảo an toàn vận hành lưới điện 220 – 500kV, chuẩn bị sẵn sàng chống lụt, bão, tăng cường gia cố giám sát các vị trí xung yếu. Các công ty phát điện chấp hành nghiêm lệnh điều độ của Trung tâm hệ thống điện quốc gia và hoàn thành lịch sửa chữa theo đúng kế hoạch càng sớm càng tốt. Công ty Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi sớm đưa máy biến áp T2 Đa Mi vào vận hành và nhanh chóng xử lý sự cố máy biến áp T1 Đa Mi. Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ bố trí lùi thanh tra A tổ máy GT12 Phú Mỹ 1 sau Tết Nguyên đán…

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TPHCM: Các đơn vị cần có kế hoạch sắp xếp lại thời gian sản xuất hợp lý

Vào thời điểm hiện nay, đúng là trên lưới điện TPHCM thường xuyên xảy ra hiện tượng quá tải do không đủ nguồn điện cung cấp cho hệ thống. Vì thế, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và ưu tiên cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh vào giờ cao điểm, Công ty Điện lực TP thực hiện ngừng cung cấp điện đối với một số tuyến dây trung thế thuộc các khu vực sinh hoạt không quan trọng. Tuy nhiên, khả năng thiếu điện vẫn tiếp tục xảy ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Do đó, để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, sở đã có công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp cần có kế hoạch sắp xếp lại thời gian sản xuất một cách hợp lý và chủ động nguồn điện dự phòng nhằm đối phó với tình hình thiếu điện trong thời gian tới, đồng thời phải ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của TP.

Về phía Công ty Điện lực TP, phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ biểu đồ phụ tải của các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TP, nhất là những khách hàng sử dụng với công suất lớn, có phương án cụ thể đối với tình hình thiếu điện, ổn định cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và tránh việc cắt điện sinh hoạt trên diện rộng kéo dài.

Theo SGGP