Sự kiện

Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn, cái khó vẫn là nguồn vốn

Thứ ba, 11/12/2007 | 09:43 GMT+7

Vay vốn với lãi suất cao để tiếp nhận và cải tạo lưới điện nhưng vẫn khó vay được vốn ngân hàng do không đáp ứng được các tiêu chí đầu tư hiệu quả.

 

Theo Quyết định số 1454/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt các xã thuộc các huyện ngoại thành bàn giao cho Công ty Ðiện lực Hà Nội (PCHN) tiếp nhận lưới điện hạ thế trong năm 2007, đồng thời tăng cường công tác phê duyệt giá trị tài sản lưới điện nông thôn để bàn giao cho PCHN quản lý và bán điện, tích cực triển khai chương trình chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn. Ðến thời điểm này, PCHN đã tiếp nhận được 56/62 xã còn lại, đưa tổng số xã, phường đã tiếp nhận lưới điện hạ thế lên 107 xã với 373.954 hộ dân được mua điện trực tiếp từ ngành điện.

Theo PCHN, sau khi tiếp nhận lưới điện, Công ty đã tiến hành nâng cấp, thay thế đồng hồ điện... nhằm nâng cao chất lượng điện áp. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, PCHN sẽ hoàn thành thay định kỳ 50.000 công-tơ và 17.000 hộp bảo vệ công-tơ các loại tại các khu vực mới tiếp nhận, nhằm đầu tư tối thiểu nâng cấp giai đoạn 1, với số vốn ước tính lên tới 127 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận một hệ thống lưới điện đã quá cũ nát gây mất an toàn trong vận hành cung ứng điện và làm cho tổn thất điện năng cao, tại nhiều nơi mới tiếp nhận chưa được đầu tư cải tạo như xã Tây Tựu (Từ Liêm), xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì), xã Trung Màu, Ðình Xuyên (Gia Lâm), xã Nam Hồng, Bắc Hồng (Ðông Anh), xã Việt Long, Kim Lũ (Sóc Sơn)..., tổn thất điện năng lên tới 30-40%. Trong khi đó, sản lượng điện năng tiêu thụ của các hộ ở đây thường chỉ ở mức bình quân là 50 kW giờ/tháng. Chính vì vậy, việc kinh doanh điện nông thôn đã khiến cho PCHN bị lỗ từ 2,5-8,8 tỷ đồng/tháng.

Do bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn, so với năm 2006, giá bán điện bình quân chín tháng đầu năm 2007 của toàn PCHN tăng lên 49,5 đồng/kW giờ. Riêng khu vực nông thôn (năm Ðiện lực ngoại thành), giá bán điện bình quân tăng thêm 80,2 đồng/kWgiờ. Ðặc biệt, khu vực huyện Từ Liêm, giá bán điện bình quân là 888,8 đồng/kW giờ, tăng 133,6 đồng/kWgiờ so với trước khi tiếp nhận. Mặc dù giá bán điện bình quân ở khu vực nông thôn tăng hơn so với trước khi tiếp nhận, nhưng trong bài toán kinh doanh chung thì mỗi tháng PCHN lỗ 8,81 tỷ đồng đối với 99 xã tiếp nhận bán lẻ. Chỉ tính riêng các xã tiếp nhận trong năm 2007, PCHN đã lỗ tới 7.230 triệu đồng/tháng. Tính riêng huyện Sóc Sơn có 25 xã với 70.303 hộ dân, sản lượng điện sử dụng trung bình hằng tháng là 3,9 triệu kW giờ, doanh thu bán điện là 2,4 tỷ đồng, bình quân hộ sử dụng là 50kW giờ/hộ. Những hộ sử dụng điện hằng tháng đến 100 kWgiờ/hộ rất ít, chủ yếu tập trung chung quanh khu vực thị trấn Sóc Sơn. Ở khu vực nông thôn, thậm chí có hộ chỉ sử dụng từ 6-8 kW giờ/tháng như tại xã Bắc Sơn, Nam Sơn, khu vực Ðồng Ðò xã Minh Trí.... trong khi đó, tổn thất điện năng tại các khu vực này lại quá cao, do bán kính cấp điện hạ thế dài gấp từ 5-10 lần so với quy định, đường dây hạ thế lại sử dụng nhiều chủng loại, vật tư chắp vá đủ loại nên vận hành không an toàn, kinh doanh không hiệu quả.Theo tính toán của PCHN, lượng điện năng tổn thất do tiếp nhận 56 xã năm 2007 khoảng 34,1 triệu kW giờ,  làm tăng tổn thất của toàn công ty khoảng 0,63%.

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5407/QÐ-UBND ngày 5-12-2006 Phê duyệt phương án cho vay Dự án cải tạo lưới điện Thành phố Hà Nội với tổng mức vốn cho vay là 97,551 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 10 năm, thời gian ân hạn hai năm, lãi suất cho vay năm 2006 là 11,2%/năm. Nguồn vốn từ Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố Hà Nội, nhưng cho đến nay PCHN vẫn chưa vay được. Ðể  bảo đảm cung ứng điện an toàn, chất lượng và hiệu quả, trong năm 2007, sau khi tiếp nhận các xã ngoại thành, PCHN đã phải vay vốn với lãi suất thương mại để đầu  tư những nơi lưới điện quá cũ nát, kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể là các xã của huyện Sóc Sơn với mức đầu tư bình quân 730.000 đồng/hộ, mặc dù ở khu vực này hiệu quả kinh doanh kém, chủ yếu để bảo đảm an ninh kinh tế cho địa phương.

Tuy phải vay vốn với lãi suất cao để triển khai tiếp nhận và cải tạo lưới điện nhưng thực tế PCHN cũng không dễ vay được vốn ngân hàng do không đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng về tiêu chí đầu tư hiệu quả. Mặc dù điều 61 Luật Ðiện lực đã có quy định về hỗ trợ xây dựng các công trình điện vùng sâu vùng xa nhưng cho đến nay, sau hai năm Luật Ðiện lực có hiệu lực, các bộ ngành liên quan vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư.

Theo Nhân dân