Sự kiện

Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cần có sự phối hợp đồng bộ

Thứ hai, 10/12/2007 | 09:50 GMT+7

Tính đến tháng 10/2007, công tác phối hợp xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp giữa EVN và các cấp ngành liên quan đã có nhiều tiến triển tích cực. Số vụ vi phạm giảm khoảng 24% so với năm 2006, song ở một số khu vực đã phát sinh tăng do việc đưa vào vận hành các tuyến đường dây mới. Do vậy, việc đầu tư và đưa vào vận hành hàng loạt công trình lưới điện trong những năm tới sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho EVN trong công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

                     

Những năm qua, mặc dù ngành Điện đã đầu tư rất lớn trong việc phát triển hệ thống lưới điện đồng bộ để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh của các phụ tải, song lưới điện truyền tải vẫn còn tồn tại một số bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành ngày càng cao của hệ thống điện, đảm bảo độ ổn định và tin cậy cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025, trong đó dự báo mức tăng trưởng phụ tải 17%/năm (phương án cơ sở), 20%/năm (phương án cao) và chuẩn bị sẵn sàng cho phương án 22%/năm thì EVN phải tiếp tục đầu tư xây dựng hơn 35 nghìn km đường dây và gần 250 nghìn MVA công suất máy biến áp ở các cấp điện áp 110, 220, 500 kV trên phạm vi cả nước. Đây là khối lượng công việc rất lớn và tạo lên nhiều khó khăn đối với EVN. Không chỉ là sức ép về nguồn vốn đầu tư, về lực lượng lao động quản lý vận hành… mà còn phải đối mặt với hàng loạt các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đảm bảo và giữ vững hành lang an toàn lưới điện, nhất là trong tình hình vấn đề hành lang lưới điện đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, ngoài khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của hệ thống điện bất cứ khi nào mà không vi phạm giới hạn định mức của các phần tử và giới hạn điện áp cho phép, có tính đến công tác sửa chữa theo kế hoạch và xem xét một cách hợp lý khả năng sự cố các phần tử của hệ thống (tính phù hợp), thì chương trình phát triển lưới điện truyền tải phải có khả năng chịu đựng được những sự cố bất thường (an toàn hệ thống điện) và đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như khi đưa vào vận hành, việc phân định rõ hành lang an toàn và kiểm tra, xử lý những vi phạm cần được thực hiện kiên quyết, triệt để. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý (EVN) và các ban ngành, địa phương có đường dây đi qua.

Thực tế, trong 10 tháng đầu năm 2007, số vụ vi phạm phát sinh mới trên cả nước không nhiều (130 vụ), nhưng hiệu quả công tác xử lý các vi phạm lại rất khiêm tốn. Nếu so với cùng kỳ năm 2006, cả nước đã giải quyết được gần 30.000/65.939 vụ vi phạm thì năm 2007 chỉ đạt ở con số 1.807/ 47.174 vụ. Theo ông Hồ Anh Dũng, chuyên viên Ban Kỹ thuật an toàn EVN, bên cạnh những nguyên nhân về cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thì việc giải quyết các vụ vi phạm hành lang còn chưa triệt để và công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. Cụ thể là đã xuất hiện tình trạng một số hộ dân đang sống ổn định trong hành lang an toàn lưới điện cao áp và cả một số hộ dân có nhà ở, công trình có đường dây điện cao áp đến cấp điện áp 220 kV đi qua, hoặc sắp đi qua có đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương yêu cầu bồi thường, cấp đất tái định cư để di dời vì hoang mang, lo sợ bị ảnh hưởng nhiễm điện do các đường dây cao áp này gây ra. Mặc dù, Bộ Công Thương, EVN, chính quyền các địa phương và nhân dân có đường dây cao áp đi qua đã và đang tập trung giải quyết hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên trong thời gian qua, một số cơ quan thông tin đại chúng có những tin, bài phản ánh vấn đề này, với nội dung chưa chính xác, phản ánh hiện tượng không đầy đủ và thiếu căn cứ khoa học, thậm chí có bài phản ánh sai cả chủ trương của Đảng làm cho cán bộ và nhân dân sống tại khu vực có đường dây đi qua càng thêm lo lắng. Đây là vấn đề cần được các cơ quan có chức năng của nhà nước nhanh chóng xác minh, làm rõ để người dân yên tâm sinh sống và tạo điều kiện giúp đỡ các đơn vị như chủ đầu tư, xây lắp thực hiện thi công đúng tiến độ các công trình điện hiện nay.

Mặt khác, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương với các đơn vị thuộc EVN trong việc giải quyết vi phạm trên địa bàn cũng là nguyên nhân khiến tình trạng giải quyết các vụ vi phạm tiến triển chậm. Thực tế, EVN không có quyền xử lý các vi phạm, mà chỉ kiểm tra, lập biên bản và báo cáo cơ quan có trách nhiệm địa phương giải quyết, nhưng do sự thiếu kiên quyết nên những vụ vi phạm lẻ tẻ đã không được kịp thời xử lý, đến khi vi phạm đại trà thì đành bó tay. Chưa kể, các vấn đề liên quan đến công tác thay đổi quy hoạch, sự thiếu thông tin khi cấp phép xây dựng hay cấp đất mới cho các hộ dân… Qua tìm hiểu ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, lưới điện truyền tải đi qua các đường phố, hẻm, khu phố chiếm 73% với mức độ nguy hiểm, nhiều hộ dân xây dựng, cơi nới vi phạm khoảng cách an toàn. Quan sát dọc tuyến đường dây 110 kV Sài Gòn xa lộ, chạy qua các quận Bình Thạnh, Quận 2, Quận 9, Thủ Đức, có tới trên 300 hộ dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong đó tập trung nhiều nhất là tuyến đường Điện Biên Phủ thuộc phường 17, 21, 22 (quận Bình Thạnh). Song việc giải tỏa những vi phạm này sẽ khó có thể thực hiện được vì quy hoạch lưới điện khu vực này còn “treo”. Chính vì thế mà người dân ở đây vẫn tiếp tục cơi nới, xây mới công trình và tiếp tục vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.

Theo một đại diện của Xí nghiệp điện cao thế (PCHCM), để chấm dứt tình trạng vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn Thành phố, Công ty đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ ngành Điện trong việc xử lý các trường hợp vi phạm khi ngành Điện phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương. Đồng thời kiến nghị các cơ quan khi cấp phép xây dựng cần quan tâm đến hành lang bảo vệ lưới điện cao áp, thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Việc giải quyết những vi phạm này rất phức tạp vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng mất an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, tài sản quốc gia. Về lâu dài, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi những quy định pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng trước mắt, các cấp ngành và người dân cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo Điều 6 của Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Trong đó, điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 kV là: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại phải nối đất theo qui định về kỹ thuật nối đất; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách qui định là 3 m (đối với cấp điện áp đến 35 kV), 4 m (đối với cấp điện áp từ 66-110 kV) và 6 m (đối với điện áp 220 kV); đồng thời, cường độ điện trường phải nhỏ hơn hoặc bằng 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà, cách mặt đất 1 m và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà, cách mặt đất 1 m. Đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp, có trước khi xây dựng đường dây dẫn điện trên không, nếu chưa đáp ứng các điều qui định, thì chủ đầu tư phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo, nhằm thỏa mãn các điều kiện đó. Trường hợp chỉ bị phá dỡ một phần, mà phần còn lại vẫn tồn tại, sử dụng được và đáp ứng các điều kiện như qui định theo Điều 6 của Nghị định 106/2005/NĐ-CP, thì chủ đầu tư (ở đây là các Ban quản lý dự án) có trách nhiệm bồi thường giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ. Trường hợp không thể cải tạo được để đáp ứng các điều kiện trên, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì được bồi thường về nhà, công trình và hỗ trợ để di dời theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mọi chi tiết về các vấn đề này do Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương kiểm đếm, đề xuất trình UBND tỉnh (thành phố) có lưới điện cao áp đi qua quyết định (EVN chỉ là thành viên tham gia Hội đồng, không có quyền quyết định).

Đây là hành lang pháp lý để bảo vệ cho đường dây điện cao áp, mà các đơn vị thực thi là các ban quản lý dự án (thuộc chủ đầu tư EVN), nhà thầu thi công (gồm các doanh nghiệp xây lắp điện) bắt buộc phải thực hiện. Mặc dù, hầu hết các công trình đã đưa vào hoạt động luôn được bảo vệ an toàn, hạn chế tới mức thấp nhất sự cố mất an toàn có thể xảy ra cho lưới điện và nguy hiểm cho những người quản lý, vận hành, cũng như nhân dân sinh sống dọc tuyến các đường dây. Tuy nhiên, để duy trì tốt tình hình này và thực hiện đúng các quy định hiện hành của nhà nước, ngoài sự nỗ lực của EVN, rất cần có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp địa phương và sự ủng hộ của nhân dân có đường dây đi qua.

10 tháng đầu năm 2007, cả nước có 47.174 vụ vi phạm HLATLĐ

Trong đó: Vi phạm Nghị định 106/CP: 34.497 vụ

 Vi phạm Luật Điện lực: 7.565 vụ

Đã xử lý: 11.289 vụ

Các đơn vị có số lượng vụ vi phạm lớn

Công ty Điện lực 2: 10.965 vụ

Công ty Điện lực TP HCM: 10.114 vụ

Công ty Điện lực 1: 8.282 vụ

Công ty Điện lực 3: 5.444 vụ

Công ty Điện lực Hà Nội: 1.037 vụ

Công ty Truyền tải điện 4: 1.745 vụ

Công ty CPĐL Khánh Hòa: 1.270 vụ 

Theo TC Điện lực số 11 - 2007