Sự kiện

Tháo gỡ vướng mắc để tăng tốc xây dựng các nhà máy điện mới

Thứ sáu, 14/12/2007 | 10:53 GMT+7

Theo quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có tính đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2015, EVN và các đơn vị ngoài EVN sẽ phải đảm bảo đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt trên 50.000 MW, tăng gấp 4 lần hiện nay. Theo đó, đến năm 2010, ngành Điện nước ta sẽ có thêm 14.920 MW nguồn điện mới, riêng năm 2010 sẽ có thêm 6.160 MW nguồn điện mới, trong đó nhà máy Thủy điện Sơn La đưa tổ máy số 1 có công suất 400 MW vào hoạt động trước thời hạn một năm, làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng.

                  
 

       Với sự ra đời của Ban Chỉ đạo nhà nước về quy hoạch điện VI, các nhà thầu đang tin tưởng những vướng mắc trong xây dựng các công trình nguồn sẽ được tháo gỡ.      

Trước đòi hỏi đó, các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí quốc gia Việt Nam (PETROVIETNAM), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN), các Tổng Công ty Sông Đà (SONGDA), Tổng công ty lắp máy (LILAMA), Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VANAINCON) và các doanh nghiệp khác trong cả nước hiện đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tập trung năng lực thi công để đưa vào vận hành trong năm nay 9 dự án và một loạt các nhà máy thủy điện nhỏ có tổng công suất 2.096 MW (gấp 2,5 lần năm ngoái). Dự kiến năm 2008 sẽ tiếp tục đưa vào vận hành 10 dự án cùng với hàng chục nhà máy thủy điện nhỏ có tổng công suất lắp đặt trên 3.270 MW, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện gay gắt. Trong số các dự án điện đưa vào sử dụng trong năm nay và năm tới, có các công trình trọng điểm đáng quan tâm gồm: Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau có tổng công suất 1500 MW và Nhà máy điện Nhơn Trạch I có công suất 450 MW do PETROVIETNAM làm chủ đầu tư; các nhà máy thủy điện Tuyên Quang (342 MW), Thủy điện Đại Ninh (300 MW), Thủy điện Buôn Kuốp (280 MW), Thủy điện A Vương (210 MW), Thủy điện Sông Ba Hạ (220 MW), Thủy điện Bản Vẽ (150 MW), Thủy điện Plei Krông (100 MW)... do EVN làm chủ đầu tư; các nhà máy nhiệt điện chạy than Cao Ngạn (100 MW), Sơn Động (220 MW) do VINACOMIN làm chủ đầu tư; nhà máy nhiệt điện chạy than Hải Phòng công suất giai đoạn đầu 300 MW do Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng đầu tư. Đặc biệt, 2 công trình thủy điện Đại Ninh, Tuyên Quang đi vào hoạt động không những đảm bảo cung ứng cho đất nước với tổng sản lượng điện hàng năm khoảng 2,4 tỷ kWh, mà còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cấp nước chống hạn cho hàng vạn ha cây trồng và cấp nước cho công nghiệp, dân sinh trong mùa khô.

Theo các chủ đầu tư cũng như nhà thầu, hiện nay trên các công trình xây dựng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc khiến cho tiến độ thi công hầu hết các nhà máy bị chậm, cần được tháo gỡ gấp. Các Tổng công ty lớn như LILAMA, SÔNG Đà, VINAINCON... mặc dù đã trưởng thành và có nhiều cố gắng nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như thiếu kinh nghiệm quản lý dự án, thiếu cán bộ quản lý điều hành giỏi, còn phụ thuộc nhiều vào nhà thầu nước ngoài trong việc cung cấp vật tư, thiết bị, tư vấn giám sát thi công. Các dự án do tổ hợp nhà thầu trong nước tham gia theo Quy chế 797 của Thủ tướng Chính phủ thì lực lượng lao động vừa thiếu vừa yếu, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; xe máy, thiết bị thi công, cần cẩu, trạm trộn bê tông... không những không đủ mà còn thiếu đồng bộ; nhiều tổ hợp nhà thầu chỉ tập hợp trên danh nghĩa theo số cộng để có chỗ đứng chân tại các công trình, nên vai trò của nhà thầu đứng đầu không rõ ràng, chưa thật sự chủ động điều hành thi công quyết liệt trên công trường.

Trong quá trình xây dựng các công trình, giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng có vướng mắc như giải quyết mặt bằng chậm, trong khi đó việc cung cấp bản thiết kế thi công nhiều lúc cũng chậm trễ. Do năng lực hạn chế và chưa có kinh nghiệm, nhiều khâu quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, điều hành thiếu kiên quyết dứt điểm dẫn đến việc cung cấp vật tư, thiết bị kỹ thuật và công nghệ của nhà máy thường chậm, lại không đồng bộ, nên không đáp ứng được tiến độ. Điều đáng nói nữa, nhiều dự án chủ đầu tư chưa hoàn thành việc lập dự toán hoặc chưa được phê duyệt tổng dự toán, vì vậy chưa ký được hợp đồng tổng thầu, việc thanh toán tạm thời cho các nhà thầu khiến nhà thầu thiếu vốn, hoạt động kém hiệu quả.

Nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên, ngày 24/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1436/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo có 4 nhiệm vụ, quyền hạn chính: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầu tư các công trình nguồn điện, lưới điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 về Quy hoạch điện VI; thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, quyết định những cơ chế, chính sách và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI; thường xuyên báo cáo Chính phủ về tiến độ xây dựng, chất lượng các công trình điện, trong quá trình thực hiện, các nội dung vượt quá thẩm quyền, kiến nghị giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; chỉ đạo các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan cùng các chủ đầu tư, các tổ chức tưvấn trong nước và nước ngoài, các nhà thầu thực hiện các nội dung theo nhiệm vụ để báo cáo tiến độ thi công và chất lượng công trình; chỉ đạo phối hợp các ngành, địa phương liên quan giải quyết vướng mắc thực hiện dự án di dân, tái định cư, giải phóng lòng hồ và mặt bằng để thi công Dự án thủy điện Sơn La.

Với Quyết định 1436 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư và nhà thầu rất tin tưởng các vướng mắc sẽ nhanh chóng được tháo gỡ giúp cho họ vượt lên mọi khó khăn, thách thức để đẩy nhanh tốc độ thi công, đưa các dự án điện vào hoạt động đúng tiến độ, đáp ứng đủ điện cho đất nước phát triển và phát huy hiệu quả vốn đầu tư. 

Theo TC Điện lực số 11 - 2007