Sự kiện

Những bước phát triển mới của ngành công nghiệp năng lượng Hà Giang

Thứ ba, 18/12/2007 | 11:12 GMT+7

Do điều kiện đặc thù, cấu tạo địa chất, địa hình nên Hà Giang có nhiều sông, suối và có sự giao động lớn theo từng vùng, rất thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp năng lượng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành quy hoạch phát triển giai đoạn I và đang hoàn thành các bước quy hoạch giai đoạn II.

* Khai thác hiệu quả tiềm năng

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, tỉnh Hà Giang đã tính đến phương án quy hoạch và có chiến lược cho phát triển thủy điện. Với sự khảo sát, đánh giá cùng sự tư vấn giúp đỡ của các chuyên gia về năng lượng, tỉnh đã hoàn thành được quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn I từ năm 2005 - 2010 có xét đến 2015. Và đến đầu năm nay, tỉnh Hà Giang tiếp tục phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện giai đoạn I.

Theo đó, định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh gồm 23 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 246MW. Sau khi hoàn thành, công bố quy hoạch, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh, đến nay, có 12 dự án đã triển khai thực hiện theo đúng thủ tục về đầu tư. Trong đó, 12/12 dự án được thẩm định thiết kế cơ sở, 4/12 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 5/12 dự án đang thi công. Nhóm dự án chưa hoàn thiện về thủ tục đầu tư gồm 11 dự án.

Nếu theo đúng tiến độ hoàn thành các dự án thủy điện giai đoạn I, năm 2007, nguồn vốn huy động để xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh là 195 tỷ đồng. Năm 2008 sẽ phát điện 1 nhà máy với tổng công suất 13,5MW, vốn huy động đạt trên 2 nghìn tỷ đồng; năm 2009 phát điện với tổng công suất 180,3MW/10 nhà máy, huy động vốn đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng; năm 2010 phát điện tổng công suất 155,4MW/10 nhà máy, huy động vốn đạt trên 2,3 nghìn tỷ đồng; năm 2011 sẽ phát điện với tổng công suất 100,7MW/2 nhà máy, huy động vốn đạt 679 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn huy động để đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện từ năm 2006-2011 khoảng 8.705,9 tỷ đồng.

* Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Về chủ trương đầu tư, tất cả các dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2005 trở lại đây đều tuân thủ quy chế làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, nhiều nhà đầu tư không đảm bảo các điều kiện theo luật định, nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, không có chuyên môn kỹ thuật dẫn đến chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Trong giai đoạn đầu, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, do vậy sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc tham mưu, lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ, thống nhất dẫn đến chưa kiểm soát hết về năng lực tài chính, kỹ thuật của nhà đầu tư. Một số địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện chưa có các điều kiện hạ tầng thuận lợi cho đầu tư thuộc các huyện Xín Mần, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ cho nhà đầu tư.

Mặt khác, một số doanh nghiệp có tư tưởng “xí chỗ” hoặc sau khi có chủ trương đầu tư thì đứng ra mời các doanh nghiệp có năng lực thành lập công ty cổ phần, dẫn đến doanh nghiệp có năng lực thực sự không được trực tiếp tham gia đầu tư dự án nên vừa làm chậm tiến độ, mặt khác trong quá trình triển khai thường nảy sinh mâu thuẫn nội bộ.

* Siết chặt quản lý, chuẩn bị bước tiếp theo

Trên cơ sở những kết quả triển khai đầu tư xây dựng các thủy điện thời gian vừa qua, tỉnh Hà Giang đang xúc tiến quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn II. Theo đó, việc quy hoạch giai đoạn II dự kiến xây dựng trên hệ thống sông Lô, sông Gâm và sông Chảy với khoảng 57 vị trí có khả năng khai thác với tổng công suất lắp máy 250MW.

Theo khảo sát, hệ thống sông chảy qua địa bàn tỉnh đều có độ dốc lớn, nhiều thác gềnh, rất phù hợp phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang sẽ quy hoạch tất cả các dự án thủy điện có công suất dự kiến từ 1-50MW trên các dòng sông, suối chảy qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở đây cũng đặt ra vấn đề là làm sao để phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy điện vừa góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Để thực hiện điều này, vừa qua UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động thủy điện.

Theo đó, đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Sở Công nghiệp phải chỉ đạo, đôn đốc các nhà đầu tư bổ sung, làm đủ các thủ tục hành chính còn thiếu. Đối với doanh nghiệp chưa triển khai thi công phải hoàn thành ngay các thủ tục để thi công theo đúng giấy phép. Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành, thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư, Sở Công nghiệp phải tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý đúng quy định. Đối với các dự án thủy điện mới đã có chủ trương giao cho các chủ đầu tư nay đang triển khai thủ tục đầu tư, Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư đôn đốc các chủ đầu tư triển khai ngay. Dự án nào triển khai chậm quá 12 tháng kể từ ngày thông báo chủ trương, chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án để cấp phép, Sở Công nghiệp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc. Dự án không triển khai thì tổng hợp báo cáo để có hướng thu hồi chủ trương đầu tư. Đối với các dự án quy hoạch giai đoạn II phải thực hiện đúng chủ trương của tỉnh là làm thành nhiều bậc thang, giảm thiểu tối đa chi phí GPMB, thiệt hại về đất sản xuất, tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành quy định về trình tự, thủ tục quản lý hoạt động thủy điện. Để các dự án thủy điện độc lập được tổ chức chặt chẽ, đúng thủ tục, trình tự ngay từ khâu lựa chọn chủ đầu tư, các ngành, các cấp phải phối hợp thực hiện đúng quy hoạch, quy định của nhà nước. Trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư để được lập dự án, Sở Công nghiệp có trách nhiệm lập hồ sơ giới thiệu cơ hội đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập hồ sơ mời đầu tư với các dự án từ 3MW trở lên, đề xuất lựa chọn các chủ đầu tư. Giai đoạn lập dự án đầu tư, chủ đầu tư phải lập dự án theo quy định của nhà nước và cam kết tiến độ thực hiện dự án. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án theo thẩm quyền. Sau đó các sở chức năng như Tài nguyên Môi trường, Công nghiệp, Kế hoạch Đầu tư sẽ thẩm định ở các lĩnh vực liên quan để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. /.           

Mai Phương