Sự kiện

Cao ốc = lãng phí điện?

Thứ ba, 22/7/2008 | 11:13 GMT+7
Những quan ngại của các chuyên gia năng lượng về tình trạng lãng phí điện trong các cao ốc, tòa nhà văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, khu vực tập trung số cao ốc, tòa nhà văn phòng nhiều nhất nước đã dấy lên cách đây 2-3 năm, khi tình trạng thiếu điện chưa gay gắt như hiện nay. Khoảng 16.000 cao ốc văn phòng đang tiêu tốn đến 30-40% tổng năng lượng tiêu thụ của thành phố song trong đó, ít nhất 30% năng lượng bị tiêu thụ lãng phí.

“Khi chúng tôi tiến hành kiểm toán năng lượng tại khách sạn Continetal, kết quả đã chứng minh khách sạn này có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng tiền điện mỗi năm”, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Tước cho biết.           

Continental, một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất ở TP Hồ Chí Minh, đang phải trả từ 2,5 – 2,7 tỷ đồng/năm cho tiêu thụ điện. Chi phí cho hệ thống máy điều hòa không khí, chiếu sáng và máy nước nóng chiếm gần 90% tổng chi phí năng lượng của toàn hệ thống. Với sự tư vấn của các chuyên gia năng lượng, ban quản lý khách sạn quyết định đưa ra quy trình quản lý và các nội quy về tiết kiệm năng lượng cho đội ngũ nhân viên đồng thời đưa tiết kiệm năng lượng thành một tiêu chí xét chọn khen thưởng. Các giải pháp kỹ thuật như cải thiện hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng và đưa vào sử dụng hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời chiếm một khoản vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ đồng. Bù lại, khách sạn tiết kiệm được 556,563 Kwh/năm, tương đương 850 triệu đồng và thu hồi vốn chỉ trong khoảng thời gian hơn 2,5 năm.       

 Trong Cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng khu vực Đông Nam Á năm 2008 (có 18 tòa nhà của các nước trong khu vực tham gia dự thi), khách sạn Majestic (TP Hồ Chí Minh đoạt giải ba trong loại hình tòa nhà được cải tạo lại. Giải thưởng hệ thống quản lý năng lượng Đông Nam Á thuộc về tòa nhà Diamond Plaza, một trung tâm mua sắm lớn ở trung tâm thành phố. Đây là lần thứ 2, Diamond Plaza đoạt giải của cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng khu vực Đông nam Á. Cả hai tòa nhà này đều đã được các chuyên gia tư vấn về TKNL cũng như tiến hành các giải pháp TKNL một cách triệt để.

“Rất nhiều người nghĩ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng có nghĩa là đầu tư tốn kém. Thực tế hoàn toàn ngược lại”, ông Tước khẳng định. Diamond Plaza sau khi đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để lắp biến tần cho hệ thống quạt gió, thang máy và bơm nước đã giảm 30% tỷ lệ sử dụng điện (hơn 4,5 triệu KWh), giảm phát thải gần 2000 tấn CO2/năm, tiết kiệm được trên 6,5 tỷ đồng. Số tiền đầu tư được hoàn vốn trong vòng từ 3-7 tháng.          

 Với loạt tòa nhà, khách sạn đã tiến hành kiểm toán và thực hiện các giải pháp TKNL như khách sạn Duxton, New World, Đồng Khánh, Palace, Majestic, siêu thị Coopmart,  bệnh viện Chợ Rẫy…, tỷ lệ tiết kiệm điện hầu hết đạt đến mức 30-40%. Tổng hợp ở trên 300 tòa nhà trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, trung bình mỗi chủ tòa nhà chỉ cần đầu tư từ 300-500 triệu đồng, lượng điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 20-30% và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 3 năm.         

  Một lớp học về kiến trúc tiết kiệm năng lượng được mở ra trong 2 ngày mới đây ở TP Hồ Chí Minh đã thu hút khoảng 60 giám đốc các công ty tư nhân theo học. Điều này cho thấy đang có một sự thay đổi đáng kể trong tư duy của những doanh nhân thời nay. “Trước đây, các lớp học tương tự đã được tổ chức, do nhà nước tài trợ hoàn toàn kinh phí, học viên chẳng phải trả đồng nào. Thế nhưng, dù chúng tôi năn nỉ, rất nhiều cơ quan chẳng màng tham dự”- ông Tước cho biết. Nay thì mọi chuyện đã đổi chiều. Khi những người tổ chức lớp học trả tới 6000 USD cho một chuyên gia kiến trúc năng lượng Singapore đến dạy thì những học viên đã vui vẻ trả tới 1 triệu đồng học phí chỉ cho 2 ngày theo học. Điều này cho thấy khu vực tư nhân nhạy bén hơn rất nhiều với xu hướng kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng, thực sự biết “của đau con xót” khi được chứng minh là có thể tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm chỉ từ việc dùng điện sao cho khôn ngoan.          

 Chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới cùng hàng ngàn công trình nhà ở, căn hộ cao tầng đang được hoàn thiện, phần lớn đã bắt đầu sử dụng điện. Nhiều công trình khách sạn cao tầng, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 1 – 2 triệu KWh/năm. “Đây là những hộ tiêu thụ điện năng lớn cần được quản lý và có biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng”, GSTSKH-Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Dũng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) đề nghị. Hoạt động của các công sở và khu vực công cộng cũng chiếm tới 26% điện năng tiêu thụ, trong khi việc sử dụng năng lượng của khu vực này hầu hết không đạt cả về thiết kế lẫn cung cách quản lý.

Nếu không tính tới các quy định hiện hành trong pháp luật mà hầu hết chỉ mang tính khuyến cáo, những biện pháp TKNL mà chính quyền TP Hồ Chí Minh đề ra hiện “được thi hành một cách rất hạn chế”. Building Code, một quy định trong QĐ 40 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn Việt Nam đối với các công trình xây dựng sử dụng năng hiệu quả (ban hành năm 2005) với tiêu chí tiết kiệm 20% năng lượng… trên thực tế vẫn chưa được thực hiện. Một phần do các cơ quan nhà nước chưa nắm vững và vận dụng tốt do quy trình quá phức tạp, một phần do giá đầu tư đối với các công trình, nhất là phần cơ điện tăng mạnh.

Cơ sở dữ liệu cho 3000 công sở trên địa bàn đã được hoàn tất với mục tiêu xác lập tiêu chí tiêu thụ điện năng cho khu vực tòa nhà – công sở. Tuy nhiên, một dự án TKNL khác đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh thông qua về cắt giảm 10% năng lượng tiêu thụ cho khu vực này trong giai đoạn 2007-2012 vẫn chỉ được triển khai cầm chừng do  tính chất “phân công các sở, ngành phối hợp thực hiện”.

Theo nhiều chuyên gia tư vấn năng lượng, trở ngại lớn nhất vẫn là nhận thức của các chủ tòa nhà về TKNL. Kế đó, “ngay cả khi thuyết phục được họ đồng ý tham gia vào chương trình TKNL, vẫn còn không ít khó khăn vì đội ngũ tư vấn quá mỏng, công cụ để hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình, bao gồm cả thông tin và tài chính hiện rất thiếu”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết. Các hoạt động đào tạo, tư vấn cho đội ngũ tư vấn, thiết kế về TKNL cũng mới mang tính khởi động. Tiết kiệm điện, do vậy, rõ ràng không phải là việc tắt đi một hay vài ba ngọn đèn./.

Mai Phương