Sự kiện

Tập trung nguồn vốn cho các công trình điện

Thứ tư, 16/7/2008 | 15:43 GMT+7

Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giữa EVN và một số ngân hàng thương mại trong nước, chỉ đạo các ngân hàng này bố trí, sắp xếp lại nguồn vốn, không để tình trạng thiếu vốn dẫn tới lùi, giãn tiến độ các dự án nguồn điện.

 

Theo kế hoạch tổng đầu tư của EVN trong năm 2008 để xây dựng 40 công trình nguồn, hơn 200 công trình lưới điện khoảng 43.000 tỷ đồng, tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm, giá trị khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 16.298 tỷ đồng, bằng 37,2% kế hoạch; 12 dự án thủy điện, hai dự án nhiệt điện đang thi công nhưng không giải ngân tiếp được, năm dự án chưa thu xếp được nguồn vốn.

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ nay đến cuối năm 2008 EVN cần 11.856 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và trái phiếu cho các dự án nguồn và lưới điện, trong đó vốn tín dụng thương mại trong nước là 6.747 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 1.109 tỷ đồng và vốn trái phiếu là 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những cố gắng của EVN không thể giải quyết được tình hình do lượng vốn cần quá lớn. Mặt khác, bản thân vốn tự có từ EVN cũng đang sụt giảm nghiêm trọng.

Thực tế trong sáu tháng đầu năm có 14 dự án thủy điện và nhiệt điện đang thi công nhưng không thể giải ngân tiếp; năm dự án nguồn điện chưa thu xếp được vốn gồm Huội Quảng, Bản Chát, Uông Bí mở rộng 2, nhiệt điện Quảng Ninh 2 và Vĩnh Tân 2; các dự án lưới điện từ 220-500kV cũng chưa thu xếp được vốn.

Ðể giải quyết một phần nhu cầu về vốn, EVN đã tạm bố trí một phần vốn để thanh toán cho khối lượng thực hiện đã có phiếu giá mà ngân hàng chưa thanh toán; đình hoãn khoảng 390 hạng mục công trình với giá trị vốn 1.460 tỷ đồng; vay vốn khấu hao cơ bản của các công ty cổ phần như Phả Lại, Vĩnh Sơn-Sông Hinh và cố gắng tìm kiếm các khoản vay ngắn hạn của các ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh việc dừng toàn bộ các mua sắm vật tư, trang thiết bị chưa thật cần thiết, tạm thời chưa bố trí quỹ đầu tư phát triển, EVN chủ động làm việc với tất cả các ngân hàng thương mại về khả năng giải ngân các hợp đồng tín dụng. Về lâu dài, EVN tìm cách giải quyết vấn đề thiếu vốn thông qua việc lập phương án bán bớt cổ phần của EVN tại các công ty cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp cho nhà đầu tư chiến lược; đồng thời tiến hành đấu thầu EPC theo phương án nhà thầu chào thu xếp tài chính. EVN cũng lập phương án thành lập các công ty cổ phần để triển khai các dự án với phần vốn EVN dưới 30%, mời các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực và các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia.

Theo nhận định của EVN và bốn ngân hàng có nguồn tín dụng lớn đối với ngành điện là Ngân hàng Ngoại thương, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, việc cung ứng vốn để thi công, xây lắp nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện, lưới điện hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do các bên chưa thống nhất được lãi suất vốn vay. Nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ riêng việc không giải ngân được nhu cầu vốn vay thương mại từ nay đến cuối năm  các dự án thủy điện Bản Vẽ, Buôn Kuốp, Srepok 3, Sông Tranh 2, Sê San 4,

A Vương, An Khê - Kanak, Sông Ba Hạ, Ðồng Nai 3&4, dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 với tổng công suất 2.443 MW, sản lượng điện trung bình gần 11 tỷ kW giờ/năm sẽ bị chậm tiến độ  là một năm; EVN cũng không đủ khả năng triển khai tiếp các dự án thủy điện Huội Quảng - Bản Chát (780 MW, hơn 3 tỷ kWgiờ điện/năm), khiến cho công trình có thể chậm tiến độ ít nhất là một, hai năm...

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo trước mắt các ngân hàng liên quan cần thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng đã ký với EVN, giải ngân các khoản vay trên cơ sở đàm phán điều chỉnh lại mức lãi suất phù hợp với tình hình mới theo tinh thần ngân hàng và EVN cần chia sẻ vì lợi ích chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không để những vướng mắc làm ảnh hưởng tiến độ đến các công trình hạ tầng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước thực tế nguồn cung vốn có hạn của các ngân hàng nên ngành điện cần lên kế hoạch nhu cầu vốn và giải ngân hằng tháng, cùng ngân hàng bố trí vốn một cách chọn lọc, tập trung vào các dự án cấp thiết, trọng điểm, có khả năng hoàn thành, đưa vào phục vụ nền kinh tế trong năm 2008, đầu năm 2009. Về lâu dài, ngành điện cần tìm phương án chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn: như đẩy mạnh cổ phần hóa, đấu thầu EPC theo phương án nhà thầu chào thu xếp tài chính đến kêu gọi vốn FDI... để khắc phục tình trạng các công trình nguồn và lưới bị chậm do thiếu vốn.

 

Theo: Nhân dân