Sự kiện

Tuyên truyền tiết kiệm điện – Đã thực sự hiệu quả?

Thứ năm, 17/7/2008 | 10:31 GMT+7
Những năm gần đây, cùng với những nỗ lực đảm bảo điện ổn định, liên tục cho sinh hoạt và phát triển kinh tế đất nước, ngành Điện đã và đang triển khai nhiều cách thức, biện pháp tuyên truyền, kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện với mọi đối tượng trên phạm vi cả nước. Tích cực, cố gắng là vậy, song mọi người hưởng ứng và thấm đến đâu thì lại là chuyện khác…!
 

Ông Hoàng Văn Dũng – Phòng Thanh tra Công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội: Nên có định mức dùng điện cho công chức và chế tài xử lí lãng phÍ điện

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 803 cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) Trung ương và 1.010 cơ quan HCSN địa phương. Lượng điện sử dụng quý 1 và tháng 4 đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2007 ở mức 9,8%. Nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện (TKĐ) đã được thực hiện, song các phụ tải vẫn tăng đều đặn, năm sau cao hơn năm trước bao gồm cả điện sinh hoạt và điện cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhu cầu sử dụng điện của cả Thành phố và toàn quốc chỉ được dự báo tăng ở mức 18 - 22%. Ước có khoảng 80% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đều có mức sử dụng điện vượt tỷ lệ trên. 

Lý do khách quan cho vấn đề này là hiện nay nhiều cơ quan công sở đang bổ sung máy móc thiết bị hiện đại cho công việc. Lãng phí điện chỉ được xác định khi trong cùng điều kiện cơ sở vật chất như cũ, nhưng mức tiêu thụ điện lại tăng bất thường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn cả vấn đề nhận thức của cơ quan chủ quản và cán bộ công nhân viên. Theo tôi, việc thực hiện TKĐ hiện vẫn còn mang tính hình thức. Hầu hết các đơn vị đều có tuyên truyền, có nội quy TKĐ nhưng trên thực tế, kết quả tiết kiệm điện còn chưa cao.

Đối với các cơ quan HCSN, nếu không có chế tài xử lý, lại không có tiêu chí chuẩn về sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm thì rất khó tạo động lực để TKĐ.
Ông Nguyễn Quang Sơn - Phó Phòng Cơ điện, Công ty May 10: Kiên trì tuyên truyền tiết kiệm điện trong xã hội

Từ khi có chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, ngành Điện đã có rất nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng với các doanh nghiệp sản xuất như  Công ty May 10, ngành Điện đã gửi công văn, thông báo, hướng dẫn về tiết kiệm điện. Từ đó, chúng tôi nghiên cứu tình hình cụ thể của mình để áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm như: Giao khoán chi phí trung bình cho 1 sản phẩm đến từng tổ sản xuất; quy định công nhân khi ra khỏi máy phải tắt điện, sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt… Nhờ vậy, chi phí điện năng của Công ty đã giảm từ 7 tỷ đồng xuống hơn 5 tỷ đồng một năm.

Bên cạnh đó, Công ty May 10 cũng luôn sẵn sàng chạy máy phát điện nếu có yêu cầu để giảm tải cho hệ thống điện khi xảy ra thiếu điện. Hiện nay, không phải tất cả mọi người đã nhận thức rõ được yêu cầu sử dụng điện tiết kiệm. Vì vậy, ngành Điện và các cơ quan chức năng phải kiên trì tuyên truyền tiết kiệm điện trong xã hội.

Anh Nguyễn Đức Trung – 17 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần cơ chế xử lí

Theo tôi được biết thì hiện nay nước ta đang thiếu điện. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do ý thức người dân chưa cao khi sử dụng điện. Ngành Điện đã có nhiều biện pháp tuyên truyền tiết kiệm điện, đồng thời cũng gương mẫu trong công tác này. Buổi tối đi ngang qua Công ty Điện lực Hà Nội, hầu hết hệ thống chiếu sáng ngoài cửa và sân đều tắt.

Đầu năm 2008, ngành Điện khai trương trang web tiết kiệm điện, nhưng theo chủ quan của tôi thì số người biết đến trang web này cũng chưa phổ biến. Tôi cũng là người thường xuyên truy cập internet, nhưng mới gần đây mới biết trang thông tin này. Đọc trang web, tôi thấy rất hữu ích. Gia đình tôi từ khi chuyển sang sử dụng toàn bộ đèn compact trong chiếu sáng thì tiền điện cũng giảm đáng kể. Tôi thật sự cảm thông khi ngành Điện đã tìm mọi biện pháp để thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện, song vẫn chưa thể thay đổi ngay được nhận thức của nhiều người dân. Nên chăng, chúng ta cần có cơ chế xử lý những trường hợp gây lãng phí điện song song với các hình thức tuyên truyền.

Theo TCĐL số 6/2008