Sự kiện

Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngời tấm gương tiết kiệm

Thứ tư, 16/7/2008 | 11:08 GMT+7
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đi xa nhưng Người đã để lại một pho di sản tinh thần vô giá, đặc biệt là di sản về tư tưởng đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập, noi theo. Việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể bỏ qua việc tìm hiểu học tập, làm theo tấm gương về đời sống đạo đức rất phong phú của Người. Bởi đạo đức Hồ Chí Minh là kiểu mẫu về sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động. Trong tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hình ảnh dân tộc”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Đời sống của Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc bị mất nước không thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai”. Những dòng thấm thía ấy luôn gợi lại trong tâm thức các thế hệ người dân Việt Nam hình ảnh một vị Chủ tịch với phong thái, nếp sống thanh bạch, hết mực giản dị, tiết kiệm.

Giản dị, tiết kiệm là phẩm chất tiêu biểu trong đời sống đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đời sống đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên chuẩn mực “Cần-Kiệm-Liêm-Chính” của người cách mạng chân chính và lắng đọng trong tâm khảm dân tộc ta phẩm chất giản dị, tiết kiệm. Phẩm chất ấy trở thành lẽ sống của Người, được thể hiện toàn diện, sâu sắc trong suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh và mưu cầu tự do, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ giản dị, đơn sơ trong bộ quần áo ka ki, trong chiếc áo bà ba màu nâu, chân đi dép cao su đã tạo nên một nét đẹp tuyệt vời, gây xúc động, cảm phục cho cả dân tộc ta và bạn bè thế giới. Người còn là tấm gương sáng ngời về tinh thần hết mực tiết kiệm, ghét xa hoa, lãng phí trong sinh hoạt và trong công việc. Người quan niệm rằng, của cải vật chất là của nhân dân, do nhân dân làm ra nên không được phép lãng phí vì lãng phí là có tội với nhân dân. Khi dùng bất cứ thứ gì, có bất cứ nhu cầu gì, Người luôn cố gắng sử dụng, khai thác ở mức đủ dùng, đủ đáp ứng nhu cầu và hết sức tiết kiệm nếu có thể. Trong muôn vàn những hành động thể hiện tinh thần tiết kiệm chống lãng phí trong sinh hoạt và công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới việc tiết kiệm trong sử dụng điện.

Ngày ấy, điện được sản xuất chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than, công suất nhỏ, địa bàn cấp điện nhỏ hẹp và điện có thể coi là một sản phẩm hàng hoá “cao cấp”. Do đó, một phần Bác Hồ tiết kiệm điện vì Người thích sự giản dị, đơn sơ, Người thường nghĩ mình chưa cần dùng nhiều đồ điện vì nước ta còn nghèo, đồng bào ta còn khổ, chưa thể có nhiều những tiện nghi sinh hoạt bằng điện; một phần quan trọng khác là khi cần phải sử dụng các thiết bị, tiện nghi tiêu tốn điện năng thì Người luôn chú ý tiết kiệm điện tối đa. Ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ và các đồng chí phục vụ từng xúc động kể lại: Trong thời gian sống tạm tại căn buồng chỉ rộng có 12 m2 của người thợ điện, mùa đông gió lùa rất giá lạnh, mùa hè thì hết sức nóng nực, các đồng chí phục vụ đề nghị Bác chuyển sang chỗ khác tốt hơn, nhưng Người không đồng ý. Ở đó, Người không dùng lò sưởi điện vào mùa đông và quạt máy vào mùa hè. Sau này, Bác Hồ cũng một mực từ chối việc anh em phục vụ lắp điều hoà không khí cho phòng nghỉ của Bác. Thậm chí, khi đã gắn máy điều hoà rồi, Bác còn cương quyết đề nghị tháo ra và chuyển sang khu quân y cho thương binh dùng. Đến những năm 78-79 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen dùng quạt giấy hay quạt nan mà rất ít khi dùng quạt điện và lò sưởi điện, điều hoà không khí thì càng ít dùng hơn. Theo lời kể của đồng chí Việt Phương – Nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, không biết bao nhiêu lần, Hồ Chủ tịch đã tận tay tắt những cái bóng đèn, cái quạt, cái đài đang được bật mà không ai dùng. Ở trong nước đã thế, khi ra nước ngoài Người vẫn giữ tác phong tiết kiệm điện của mình. Cứ đi qua một hành lang trong nhà khách hoặc nơi nào đó, thấy có một bóng đèn điện sáng không cần thiết là Bác tìm xem chỗ tắt bật ở đâu rồi tắt đi. Có đồng chí ở với Bác khá nhiều năm đã nói: “Tất cả các năm mình ở với Bác, mình luôn luôn là “cán bộ tắt đèn”. Bác cứ thấy xa xa có những bóng đèn đang sáng, Bác bảo xem lại có ai ở đấy không, có cần để ánh sáng để bảo vệ không? Nếu không thì tắt đi”.

Tinh thần tiết kiệm trong sử dụng điện của Bác Hồ thực sự là một tấm gương sáng ngời để toàn dân ta học tập, làm theo. Tấm gương ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt có giá trị và tính thời sự sâu sắc trong bối cảnh nhiều năm qua và các năm tới, nước ta phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Để cải thiện tình trạng này, một biện pháp rất hiệu quả là tiết kiệm điện. Tiết kiệm điện đã thực sự trở thành quốc sách khi chỉ thị số 19/2005-CT của Chính phủ được ban hành. Việc chấp hành nghiêm túc chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ và tạo thói quen tiết kiệm điện, tránh sử dụng điện lãng phí là cách thiết thực, ý nghĩa trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và đó cũng là noi theo tấm gương tiết kiệm điện của Người.

Theo Tạp chí Điện lực số 6/2008