Sự kiện

Tiến độ phát điện Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang : chẳng lẽ cứ "lỡ hẹn" mãi!

Thứ hai, 7/1/2008 | 09:16 GMT+7

Mặc dù Chính phủ đã cho phép hiệu chỉnh tiến độ phát điện, vận hành thương mại tổ máy 1 từ tháng 8/2007 sang tháng 12/2007, nhưng với thực tế thi công trên công trường hiện nay, Thuỷ điện Tuyên Quang khó có thể đáp ứng được yêu cầu này và đơn vị Tổng thầu (Tổng công ty Sông Đà) lại tiếp tục xin được gia hạn tiến độ. Đâu là nguyên nhân của sự chậm chễ này, chẳng lẽ những người đã từng đề cao khẩu hiệu “về đích đúng hẹn” như Tổng công ty Sông Đà lại để mình cứ “lỡ hẹn” mãi với đất nước được sao?

                           

Dấu ấn công trường

Với tầm quan trọng là công trình trọng điểm quốc gia, góp phần bổ sung nguồn điện, giúp hạn chế tình trạng thiếu điện cho đất nước trong giai đoạn 2007 - 2008, kể từ ngày khởi công (22/12/2002) đến nay, Thuỷ điện Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ ngành với những cơ chế rất thuận lợi, sự động viên, theo dõi sát sao. Thông qua những chuyến thăm, chỉ đạo thực tế tại công trường của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo nên những dấu mốc quan trọng, giúp các đơn vị quản lý, thi công công trình hoàn thành một số hạng mục của dự án đúng tiến độ như: Lấp sông đợt 1 ngày 27/11/2003, lấp sông đợt 2 vào tháng 5/2006 và từ năm 2006, 2007 đã tích nước chống lũ và xả nước chống hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Tạ Ngọc Tiến - Phó trưởng Ban QLDA Thuỷ điện 1, để đạt được các dấu mốc quan trọng này, các đơn vị thi công trên công trường đã không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt phần việc của mình, từ công tác thiết kế xây dựng, thiết kế công nghệ, cung cấp thiết bị đến thi công, lắp đặt thiết bị, giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình…

Tính đến thời điểm hiện nay, công tác thi công đã cơ bản hoàn thành đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông, đập bê tông trọng lực, đập phụ, cửa nhận nước, đập tràn, khoan phun chống thấm vai trái đập, kênh xả hạ lưu nhà máy. Dự kiến hết tháng 12/2007, sẽ thi công xong hạng mục lắp đặt thiết bị, thí nghiệm hiệu chỉnh trạm phân phối điện ngoài trời và tháng 1/2008, hoàn thành cầu trên đỉnh đập tràn. Riêng gian máy, tổ máy 1 và 2 đã xong phần đổ bê tông, đang thực hiện hoàn thiện các phòng đặt thiết bị phụ, chuẩn bị cho phát điện tổ máy 1, còn tổ máy 3 vẫn tiếp tục thi công giếng tua-bin và sẽ kết thúc vào tháng 2/2008. Mặt khác, cũng chính vì vai trò quan trọng của công trình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tận dụng mọi khả năng, sớm thu xếp đủ vốn cho thi công dự án và thực hiện thanh toán vốn cho nhà thầu theo đúng quy định, đáp ứng tiến độ thi công. Đối với các hạng mục thuộc hợp đồng EPC, đến ngày 31/10/2007, đã giải ngân nguồn vốn xây lắp trong nước được 2.243 tỷ đồng, đạt 77% giá trị hợp đồng (nghiệm thu thanh toán là 2.192 tỷ đồng, tạm ứng 51 tỷ đồng) và phần vốn mua thiết bị nước ngoài là 687 tỷ đồng, đạt 52% giá trị hợp đồng; các hạng mục đường tránh ngập và ngoài công trường cũng đã giải ngân được 222 tỷ đồng, đạt 58% giá trị hợp đồng. Ngoài ra phần vốn đến bù di dân tái định cư vùng ngập lòng hồ cũng được các địa phương triển khai giải ngân nhanh chóng, đến 30/9/2007, tỉnh Bắc Kạn đạt 66% giá trị kế hoạch giao, tỉnh Hà Giang đạt 100%, riêng tỉnh Tuyên Quang chưa có báo cáo cụ thể về tình hình giải ngân.

Niềm vui có trọn?

Trở lại công trường Thuỷ điện Tuyên Quang những ngày này, được chứng kiến sự hiên ngang hùng vĩ của công trình, tiếng reo âm vang của những thác nước tung lên từ cửa xả đáy, chúng tôi vô cùng ấn tượng và hy vọng, dòng điện nơi đây sẽ sớm toả sáng, hoà vào lưới điện quốc gia theo đúng tiến độ đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Tạ Ngọc Tiến, với thực tế thi công như hiện nay của nhà thầu thì khả năng đưa tổ máy 1 vào vận hành không tải trong tháng 12/2007 và vận hành thương mại vào tháng 1/2008 là khó có thể thực hiện được. Mặc dù, ngay từ giữa tháng 11/2007, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra công tác thi công tại công trường và yêu cầu các đơn vị thi công phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại trong tháng 1/2008, tổ máy 2 tháng 4/2008 và tổ máy 3 tháng 8/2008 nhưng Tổng thầu Sông Đà tiếp tục xin lùi tiến độ phát điện tổ máy 2 về tháng 5/2008, tổ máy 3 tháng 9/2008. Tổng thầu Sông Đà cho rằng, việc phát điện các tổ máy hoàn toàn phụ thuộc vào công tác tổ hợp stator, nếu trong điều kiện thuận lợi, không có vướng mắc thì thời gian tổ hợp trên sàn lắp ráp và tại cốc máy phát là 120 ngày cho một tổ máy. Hơn nữa, do mặt bằng của gian lắp ráp chỉ đủ để tổ hợp stator, rotor của một máy nên không thể bố trí lắp ráp thiết bị xen kẽ được và nhà thầu không thể thực hiện được mốc tiến độ như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Vẫn biết, Thuỷ điện Tuyên Quang là công trình thuỷ điện đầu tiên thực hiện theo cơ chế Tổng thầu EPC, nên trong quá trình quản lý hợp đồng và tổ chức thi công của Tổng công ty Sông Đà cũng còn nhiều hạn chế, việc đôn đốc thực hiện các yêu cầu trong hợp đồng đối với nhà thầu HPE không quyết liệt, kém hiệu quả. Thực tế, nhà thầu HPE hoàn toàn có thể chủ động rút ngắn thời gian cung cấp và lắp đặt thiết bị nếu ngay từ khi thực hiện hợp đồng, nhà thầu cung cấp thiết bị đồng bộ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật, bố trí đủ lực lượng chuyên gia, phiên dịch, công nhân và tăng cường làm việc 3 ca. Song điều đó đã không thực hiện được, nhà thầu cứ “đủng đỉnh”, Tổng thầu bận “chạy xô”, còn Ban quản lý Dự án Thuỷ điện 1 thì “xót xa”, nhưng lại không có đủ quyền chỉ đạo hay phạt nhà thầu HPE, vì Ban quản lý không trực tiếp ký hợp đồng với HPE, khiến cho tiến độ phát điện các tổ máy ngày càng kéo dài thêm.

Trước những tồn tại trên, để đáp ứng yêu cầu đưa các tổ máy vào vận hành thương mại trong năm 2008,  bên cạnh sự cố gắng của Ban QLDA, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng thầu Sông Đà cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giám sát, đôn đốc thực hiện hợp đồng đối với nhà thầu HPE. Mặt khác, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát điện tổ máy 1 và sớm đưa các tổ máy còn lại vào vận hành, EVN cũng đề nghị Chính phủ thông qua quan hệ ngoại giao với Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy nhà thầu HPE cung cấp hoàn chỉnh các thiết bị đồng bộ còn lại, đảm bảo phát điện tổ máy 1 trong thời gian sớm nhất và đặc biệt là thời gian thực hiện tổ hợp stator không được vượt quá 4 tháng, đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy 2, 3. Đồng thời, yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Sông Đà tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ xây lắp, thí nghiệm hiệu chỉnh các hạng mục phục vụ phát điện các tổ máy và thi công xong các đường tránh ngập…

Thời điểm dự kiến phát điện tổ máy 1 đã đến, trong khi việc lắp đặt các thiết bị phụ vẫn chưa hoàn tất để tiến hành công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh, liệu mốc thời gian tổ máy 1 vận hành không tải vào cuối tháng 12/2007 và vận hành thương mại vào tháng 1/2008 có thành hiện thực? Hy vọng, cho dù đã nhiều lần lỗi hẹn, song đây là đích cuối cùng để Tổng thầu Sông Đà phấn đấu hoàn thành đưa tổ máy 1 vào vận hành đúng tiến độ, lấy lại niềm tin và đáp ứng niềm mong mỏi của cả nước. 

CTV