Sự kiện

Thuỷ điện Sơn La với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010

Thứ ba, 8/1/2008 | 10:05 GMT+7

Nhằm đáp ứng mục tiêu này, trong năm nay công trường sẽ phải lắp đặt 6.400 tấn thiết bị cơ khí thuỷ công, khoan phun gia cố 24.000 m dài, chuẩn bị 20.000 tấn tro bay (phụ gia cho bê-tông đầm lăn) cho cả năm.

 

                                  

Trên công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, Ban chỉ đạo Nhà nước vừa tổ chức họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. Cuộc họp đã xem xét và quyết định tiến độ xây dựng nhà máy trong năm 2008. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Vũ Đức Thìn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng nhà máy Thuỷ điện Sơn La về công việc trong năm 2008.

PV: Thưa ông, trong năm nay, Ban quản lý dự án đặt ra những mục tiêu gì?

Ông Vũ Đức Thìn: Cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước đã xem xét toàn bộ công việc trên công trường và vẫn thống nhất với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của thuỷ điện Sơn La vào cuối năm 2010. Nhằm đáp ứng mục tiêu này, trong năm nay công trường sẽ phải lắp đặt 6.400 tấn thiết bị cơ khí thuỷ công, khoan phun gia cố 24.000 m dài, chuẩn bị 20.000 tấn tro bay (phụ gia cho bê-tông đầm lăn) cho cả năm. Chúng tôi cân đối lực lượng người và thiết bị, thấy muốn đạt kế hoạch đề ra, thì riêng đổ bê tông mỗi tháng phải đạt 120.000 m3 bê tông đầm lăn, 40.000 m3 bê tông thường. Đây là những hạng mục công trình chính. Ngoài ra còn nhiều phần việc khác nữa.

PV: Ông vừa nói đến bê-tông đầm lăn. Chúng tôi được biết đến nay việc chuẩn bị đắp đập dâng theo công nghệ bê-tông đầm lăn đã hoàn thành. Đến bao giờ việc đắp đập được thực hiện, thưa ông?

Ông Vũ Đức Thìn: Đúng vậy. Đến nay việc vận hành thử hệ thống băng tải cũng như nhà máy sản xuất bê-tông đầm lăn đã xong. Chất lượng bê-tông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi đã tiến hành đổ thử nghiệm mấy lần. Việc đắp đập có thể chính thức bắt đầu từ ngày 8/1/2008. Toàn bộ quy trình lắp đặt dây chuyền sản xuất - vận chuyển bê tông đều có sự giám sát của tư vấn và giám sát nước ngoài. Việc thi công đập dâng của nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ được thực hiện liên tục và đảm bảo điều kiện kỹ thuật khắt khe nhất, vì đây là hạng mục công trình rất quan trọng, bảo đảm độ an toàn, bền vững của công trình thuỷ điện.

PV: Một điều dư luận quan tâm là việc chuẩn bị các thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và mua các thiết bị của nhà mày. Xin ông cho biết trong năm nay, công việc được triển khai ra sao?

Ông Vũ Đức Thìn: Hầu hết các thiết bị của đập tràn, bao gồm đập tràn xả sâu, đập xả mặt đã đặt hàng xong. Toàn bộ thiết bị cơ khí - cơ điện đã ký hợp đồng sản xuất. Còn hai gói thấu là trạm biến áp và trạm phân phối điện kín đang triển khai. Với nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, trạm phân phối điện để ở ngoài trời, còn với thuỷ điện Sơn La, trạm phân phối điện đặt trong nhà, các thiết bị khá đắt tiền và phức tạp, nhưng không tốn diện tích.

Trong năm 2007, do một số công việc triển khai chậm nên tiến độ có chậm khoảng 2 tháng. Năm nay, chúng tôi sẽ khắc phục bằng các biện pháp đồng bộ, từ khâu thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công đến thi công... sẽ phải huy động thêm lực lượng - bao gồm cả người và thiết bị.

Đẩy mạnh và hoàn thành kế hoạch thi công năm 2008 và tiếp đó là năm 2009, chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là phát điện tổ máy số 1 nhà máy thuỷ điện Sơn La vào cuối năm 2010. Và sau đó, đưa toàn bộ 6 tổ máy của nhà máy, công suất mối tổ là 400 MW phát điện vào năm 2012 đúng như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV