Sự kiện

“Chầy trật” lo điện mùa khô 2008

Thứ tư, 9/1/2008 | 10:03 GMT+7

Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ tải hệ thống điện năm 2008 sẽ tăng 16% so với năm 2007; riêng mùa khô sản lượng dự kiến là 31,3 tỷ kWh, tăng 16,33% so với mùa khô 2007. Với mức tăng trưởng cao này trong khi tiến độ các nguồn điện mới hầu như bị chậm tiến độ và hệ thống điện hiện vẫn không có công suất dự phòng, chắc chắn EVN sẽ phải "gồng mình" để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2008 và trước mắt là trong mùa khô này. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên: Hiện nay EVN đang gặp những khó khăn nào trong việc đảm bảo điện cho nền kinh tế, đặc biệt là mùa khô 2008 (từ 1/1-31/5)?

Ông Phạm Lê Thanh: Theo tôi, có hai khó khăn lớn: Thứ nhất là thiếu nước. Hiện nước sông Hồng đang ở mức rất thấp.  Năm 2007, để đảm bảo điện cho nền kinh tế, ngoài việc phải huy động cao các tổ máy chạy dầu, EVN đã phải dùng nước dự trữ của năm 2008 để phát điện. Dự báo, mức nước các hồ thủy điện còn xuống thấp hơn nhiều so với mức nước dâng bình thường vào ngày 1/1/2008 mặc dù EVN đã huy động tối đa các nguồn điện đắt tiền và triệt để tiết kiệm nước. Đặc biệt, mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn 113 m nhưng nước về hồ chỉ với vận tốc 450 m3/s. Trong khi đó, EVN còn phải thực hiện 3 đợt đổ ải trong mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu đổ ải sớm thì cuối mùa khô 2008, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng thiếu điện. Thứ hai là hàng loạt tổ máy bị sự cố và vận hành không ổn định gây khó khăn lớn cho việc cung ứng điện mùa khô 2008. Ngoài sự cố máy biến áp của Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 làm mất 50% công suất nhà máy suốt từ giữa tháng 7/2007 đến nay vẫn chưa khắc phục được, từ đầu tháng 12/2007 tổ máy GT1 Nhà máy Phú Mỹ 2.2 bị nứt đĩa rô to tua bin phải sửa chữa đến hết tháng 1/2008, mất tiếp 50% công suất nhà máy. Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí MR 1 (300 MW) tiếp tục vận hành không ổn định. Đặc biệt, các tổ máy tua bin khí Nhà máy Điện Cà Mau 1 (500 MW) tiếp tục phải ngừng để lắp đặt đuôi hơi từ tháng 1/10/2007. Chỉ với những sự kiện này, hệ thống điện quốc gia đã bị thiếu khoảng 1.500 MW.

Phóng viên: Nói như vậy, năm 2008 và đặc biệt là mùa khô 2008 , tình hình thiếu điện sẽ căng thẳng hơn so với năm 2007 và toàn quốc sẽ  tiếp tục phải tiết giảm điện?

Ông Phạm Lê Thanh: Đáng lẽ ra mùa khô 2008 sẽ khả quan hơn nếu như không có các sự cố làm công suất hệ thống mất tới 1.500 MW. Nếu các nhà máy này kịp sửa chữa xong trong tháng 1; các nguồn điện mới được đưa vào ổn định và đúng tiến độ: Uông Bí mở rộng chạy ổn định ở chế độ 250MW, Thủy điện Đại Ninh vào thêm 300 MW trong tháng 1, từ tháng 1-3 có thêm chu trình hỗn hợp của Nhiệt điện Cà Mau 1 với 750 MW; cộng thêm tăng cường mua điện Trung Quốc nữa thì cơ bản mùa khô 2008 sẽ không đáng ngại.

Do vậy, sẽ không phải tiết giảm điện trong mùa khô năm 2008 nhưng cả nước vẫn phải đẩy mạnh tiết kiệm điện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ trong trường hợp sự cố lớn xảy ra ngoài dự kiến thì hệ thống điện có được công suất bao nhiêu sẽ điều độ đến đó.    

Phóng viên: Năm 2008, EVN tiếp tục phải tăng cường mua điện từ các nhà máy IPP và BOT. ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Lê Thanh: Hiện nay, sản lượng điện mà EVN mua của các nhà máy IPP và BOT đã là 18 tỷ kWh (năm 2007); mua của công ty cổ phần trong EVN là 15 tỷ kWh, tổng cộng là 33 tỷ kWh trên tổng số 67 tỷ sản lượng điện toàn hệ thống. Riêng mua điện của các nhà máy bên ngoài, EVN đã lỗ khoảng 4.000 tỷ đồng. Năm 2008, EVN lại tiếp tục mua của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PV) từ Nhà máy Cà Mau 1 và Cà Mau 2, với giá dầu thế giới tăng không ngừng như hiện nay thì EVN sẽ tiếp tục lỗ thêm khoảng 2.000 tỷ đồng nữa.

Hiện đàm phán giữa EVN và Cà Mau đã xong. Chính phủ đã có Quyết định yêu cầu EVN ký Hợp đồng mua bán điện trước và những khó khăn sẽ báo cáo Thủ tướng sau. Trước đây khi giá dầu là 70 USD/thùng thì giá điện Cà Mau tại thanh cái nhà máy đã là 4,6 cent/kWh, cộng thêm phí truyền tải, tổn thất, phí phân phối thì giá điện đã trên 5 cent/kWh. Với sự biến động của giá dầu thế giới ở ngưỡng cao kỷ lục 100 USD/thùng như hiện nay thì giá mua điện Cà Mau khoảng 5 cent/kWh chưa tính các phí. Đây là bài toán khó vì cùng là doanh nghiệp Nhà nước nhưng PV thì luôn đảm bảo kinh doanh có lãi trong khi EVN lại phải làm nhiệm vụ công ích “mua cao, bán thấp” và chịu lỗ. Chỉ mong, Chính phủ nhanh chóng điều chỉnh giá điện theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào, giá lương, giá thiết bị trên thế giới hiện đã tăng khoảng 50%...so với cách đây 2 năm.

Phóng viên: Vậy theo ông, EVN phải chuẩn bị những giải pháp nào để hạn chế việc thiếu điện trong mùa khô này ?

Ông Phạm Lê Thanh: EVN sẽ phối hợp với Nhà máy Phú Mỹ 3 thuê máy biến áp 220 kV của Xingapo thay cho máy biến áp 500 kV bị hỏng để chạy cầm cự; phối hợp với nhà máy Phú Mỹ 2.2 đưa tổ máy bị hỏng sang Xingapo sửa chữa. Về cơ bản đến hết tháng 1/2008, hai nhà máy này sẽ vào vận hành trở lại. EVN cùng chia sẻ kinh phí với PV để đẩy nhanh tiến độ của Cà Mau 1.

EVN cũng đang đàm phán với Trung Quốc, lắp đặt bổ sung máy biến áp thứ 2 trạm 220 kV Vĩnh Yên để tăng lượng điện mua của Trung Quốc qua Lào Cai; đồng thời nếu máy biến áp 220 kV Thái Nguyên đi vào vận hành và đường dây 220 kV Thanh Thủy-Hà Giang được nâng cấp xong thì công suất mua điện của Trung Quốc sẽ được tăng lên thêm tương đối.

Về phía các nguồn điện mới do EVN làm chủ đầu tư như Đại Ninh, Quảng Trị, Tuyên Quang, Pleikrong, EVN cam kết đưa vào vận hành ổn định đúng tiến độ để kịp thời bổ sung công suất cho hệ thống.

Như vậy, cùng với việc tiếp tục triển khai quyết liệt chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện cho mùa khô 2008 và sự nỗ lực của EVN về điều hành tối ưu hệ thống điện; huy động cao các tổ máy chạy dầu, nếu cầm cự được đến hết tháng 1 này thì cơ bản hệ thống điện quốc gia có thể đứng vững được trong năm 2008./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Kim Anh