Sự kiện

Lãng phí như... năng lượng

Thứ ba, 8/1/2008 | 09:50 GMT+7

Với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như những năm gần đây và sắp tới, nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao thì nguồn tài nguyên năng lượng trong nước sẽ trở nên thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, tình trạng lãng phí vẫn phổ biến ở hầu khắp các ngành và lĩnh vực kinh tế cũng như sinh hoạt.

                         

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/NĐ-2003, Quyết định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và hàng loạt các chương trình và dự án liên quan đến tiết kiệm điện...

Đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các chính sách và thể chế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những ý kiến đóng góp cho mục tiêu này đang được thu thập để đưa vào Dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ ngành khác chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu của các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành năng lượng, vấn đề này, đặc biệt là tạo khung pháp lý cho việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

"Không những không hiệu quả mà còn rất lãng phí"

(Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương)

“Hiện nay trên thực tế hiệu suất sử dụng năng lượng rất thấp. Ví dụ các nhà máy nhiệt điện của chúng ta chỉ đạt 28 - 30%, trong khi thế giới tăng hơn ta 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao trong sản xuất của các ngành công nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều đó làm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp trong nước tăng gấp nhiều lần so với các nước phát triển. Thiếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng cộng với trình độ lạc hậu của công nghệ trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại lâu năm đã làm cho việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả.

Các công trình xây dựng của Việt Nam cũng chưa tính tới chuyện tiết kiệm năng lượng, mới chỉ chú ý tới mặt kiến trúc chứ chưa chú ý nhiều tới việc làm thế nào để toà nhà đó xây dựng xong thì ban ngày không phải dùng tới ánh sáng điện. Các phương tiện giao thông cũng đang sử dụng rất lãng phí nhiêu liệu bởi trang thiết bị ôtô cũ, các nhà sản xuất xe mới đạt trình độ EURO 2 cho nên tiêu hao năng lượng cao. Trong lĩnh vực chiếu sáng của các gia đình vẫn dùng đèn dây tóc đốt đỏ, chưa chuyển sang bóng đèn tiết kiệm. Do đó, hiện nay sử dụng năng lượng của chúng ta không những không hiệu quả mà còn rất lãng phí.

Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm trưởng ban mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả. Chương trình này đã được triển khai ở một số ngành như ngành xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo. Trong tương lai phải xây dựng luật về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng để có những chế tài bắt buộc phải thực hiện, hiện nay mới chỉ là vận động và khuyến khích

Việt Nam mới có nghị định và chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình này mới dừng ở mức vận động, tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng và có khen thưởng nhưng chưa có chế tài bắt buộc. Khi chúng ta đã có luật thì sẽ có những ứng xử phù hợp với luật.

Mục tiêu của luật là làm sao để toàn dân ý thức được việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là trách nhiệm và nghĩa vụ của từng người dân, cơ quan và doanh nghiệp; không phải thích sử dụng như thế nào cũng được.

Tôi nghĩ hiện nay khó giao chỉ tiêu cụ thể vì phải phân theo từng lĩnh vực. Một lĩnh vực bao quát rất nhiều ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất chẳng hạn thì bộ ngành nào cũng có doanh nghiệp của mình, do đó làm thế nào để cho các đơn vị nhận thức được và tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm.

Hiện nay trước hết vẫn là phải tuyên truyền. Trong Ban chỉ đạo có trách nhiệm làm truyền thông để nhân dân nhận thức rõ về vấn đề này. Những chương trình mục tiêu, áp dụng cụ thể cho từng lĩnh vực như lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, chương trình khuyến khích sử dụng hiệu quả năng lượng chúng ta đang làm từng bước. Cùng với đó là hỗ trợ các nhà sản xuất như sản xuất các bóng đèn tiết kiệm năng lượng để sản xuất nhiều hơn và chất lượng hơn”.

Chú trọng việc dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng

(Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Phó chủ tịch Hội Chiếu sáng Đô thị Việt Nam)

“Theo ước tính Việt Nam hiện nay có khoảng 80 triệu đèn ống huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ tổn hao cao 12W (so với chấn lưu tổn hao thấp 6W). Nếu thay toàn bộ bằng loại bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao T8 (36W/ 32W) sẽ giảm công suất tiêu thụ lên đến hơn 1000 MW. Và nếu thay 50 triệu bóng đèn sợi đốt 60W hiện nay bằng loại bóng đèn Compact 11W (có quang thông tương đương) sẽ giảm công suất tiêu thụ gần 2500 MW. Như vậy, tổng cộng có thể giảm công suất tiêu thụ của hệ thống tương đương tới 3500 MW, lớn hơn cả công suất tiêu thụ tại miền Bắc hiện nay là 2500 MW.

Thế giới đã tổng kết trong chiếu sáng nhân tạo, đèn huỳnh quang hiện nay được sử dụng phổ biến nhất, với lượng quang thông phát ra chiếm hơn 80% quang thông của tất cả các nguồn sáng nhân tạo. Chính vì vậy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 cần phải tập trung vào trọng tâm thay thế 80 triệu bóng đèn huỳnh quang thường T10, thay thế 60 triệu bóng đèn nung sáng bằng đèn có hiệu suất cao bằng đèn huỳnh quang gầy T8 (36/32/18W), T5 và huỳnh quang compact và ballast tổn hao thấp.

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã giảm sản lượng đèn dây tóc từ 50 triệu/năm xuống còn 30 triệu trong năm 2007. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ đèn Compact liên tục tăng năm sau cao gấp 2,5-3,5 lần năm trước. Các sản phẩm chấn lưu tổn hao thấp, chấn lưu điện tử tiêu thụ năm sau gấp đôi năm trước. Đèn huỳnh quang T8 mỗi năm tăng 50-70% đã biểu hiện rõ về sự chuyển biến của thị trường theo hướng phát triển các nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện.

Tại Diễn đàn chương trình phát triển sạch và giải pháp năng lượng sạch châu Á ECO- ASIA năm 2007 vừa qua, sáu nước châu Á cùng 68 đại diện từ 7 nước Đông Nam Á và các nhà sản xuất đã thống nhất 15 điểm trong đó đáng lưu ý về một rào cản lớn cho việc phổ biến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng là thị trường không minh bạch.

Người tiêu dùng mua phải sản phẩm xấu với xác suất cao, chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, công bố trên bao bì, “sản phẩm tiết kiệm mà không tiết kiệm”. Trong tổng số 2,6 tỷ đèn CFL sản xuất và tiêu thụ tại 6 nước này thì có tới một nửa số đó chất lượng thấp và đến 50% xác xuất người sử dụng gặp sản phẩm chất lượng thấp.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng nếu không có tiêu chuẩn thì không ai có thể kiểm tra thực hiện, hàng triệu đèn nhập khẩu không cần đăng ký chất lượng, in nhãn bao bì ghi tuỳ tiện tuổi thọ 10-15 ngàn giờ, siêu bền, siêu tiết kiệm... tuỳ tính khoa trương của nhà cung cấp đã thành một ấn tượng xấu trong người tiêu dùng. Điều này đã cản trở việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động thực hiện các chương trình của Chính phủ.

Do đó, Việt Nam ngoài hai sản phẩm đèn huỳnh quang T8 và chấn lưu sắt đã có tiêu chuẩn thực hiện dán tem và xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cần sớm bổ sung để thực hiện dán tem xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho đèn Compact, thay thế cho 60 triệu bóng đèn tròn hiện đang sử dụng và chấn lưu điện tử... là những sản phẩm có khả năng giảm công suất nguồn nhanh nhất. Đây là con đường giảm điện năng tiêu thụ nhanh nhất lại có thể tận dụng được đui đèn và dây cũ... với vốn đầu tư thấp. Nếu thay thế 1 triệu đèn dây tóc 60W bằng đèn Compact 11W có ánh sáng tương đương sẽ phải mất chi phí thay thế là 1,5 triệu USD nhưng sẽ không phải xây thêm 1 nhà máy điện 50MW với mức vốn đầu tư tới 50 triệu USD.

Trong điều kiện Việt Nam mới chỉ có tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng nhưng trong 2 đến 3 năm tới sẽ phải ban hành mức MEPS- tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và là mức tiêu chuẩn bắt buộc. Sản phẩm không đạt mức tiêu chuẩn này thì không được lưu hành trên thị trường. Đó cũng chính là giải pháp ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng trôi nổi trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm điện, gây tổn hại cho xã hội. Khi xây dựng mức này sẽ phải đảm bảo các chỉ tiêu thông thường trong tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới quy định. Ngoài mức hiệu suất năng lượng sẽ phải quy định cả quang giảm của đèn. Cùng với đó dành một tỷ lệ thích đáng về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng”.

"Thiếu quy chuẩn cụ thể về tiết kiệm năng lượng"

(Ông Hoàng Ngọc Doanh, Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)

“Nghiên cứu, phân tích kỹ cả hệ thống chính sách và pháp luật liên quan đến sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và thực tiễn trong sản xuất, tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy những khiếm khuyết.

Nhìn từ phía chính sách và pháp luật, còn thiếu hụt các tiêu chuẩn, kèm theo nó là chế tài để thực hiện khai thác, phát triển và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Trong lĩnh vực này ta thiếu rất nhiều loại tiêu chuẩn quan trọng, một số nhóm vấn đề tuy có tiêu chuẩn nhưng lại thiếu cụ thể và lạc hậu so với thế giới. Có thể nói đây là lỗ hổng lớn nhất trong pháp luật liên quan đến tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Trong khai thác cần phải có các quy định những tiêu chuẩn cụ thể như thế nào thì mới là tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời phải có các chế tài cụ thể, ví dụ, nếu không đạt các tiêu chuẩn đó thì không cấp phép khai thác (nếu là đăng ký mới), phạt hành chính, đình chỉ khai thác, nếu nghiêm trọng (như huỷ hoại tài nguyên) thì truy cứu trách nhiệm hình sự...

Trong quy hoạch phải có tiêu chuẩn về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, phải có chế tài cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp phải có tiêu chuẩn - lượng năng lượng tiêu thụ/đơn vị sản phẩm. Ví dụ, sản xuất ra 1 Kw điện chỉ tiêu tối đa là bao nhiêu dầu, than, khí; trong truyền tải điện được phép hao hụt tối đa là bao nhiêu?Để sản xuất ra một sản phẩm tiêu dùng nào đó cũng phải có tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cụ thể. Đồng thời có các chế tài cụ thể để thực hiện. Ví dụ, nếu không đạt các tiêu chuẩn đã quy định thì không cấp phép sản xuất kinh doanh, đánh thuế thật thích đáng, thậm chí đình chỉ sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải tính toán lợi nhuận, song không phải và không được phép chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà xâm phạm đến an ninh năng lượng quốc gia, huỷ hoại tài nguyên của đất nước, xâm hại môi trường sinh thái. Chúng ta phải xây dựng một xã hội văn minh sinh thái.

Nhìn từ phía sản xuất và tiêu dùng ta thấy còn vô cùng lãng phí, rất nhiều công nghệ sản xuất hiện nay ở Việt nam lạc hậu 20-30 năm so với thế giới và khu vực. Vì vậy tiêu hao năng lượng và nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm của ta rất cao, không có sức cạnh tranh ngay cả trong nước chứ chưa nói trên thế giới.

Sản phẩm tiêu dùng do doanh nghiệp Việt Nam thậm chí doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sản xuất ra cũng rất tốn năng lượng. Ví dụ xe máy Honda Dream sản xuất ở Thái Lan tiêu tốn 1,4 lít xăng/100 km, còn sản xuất tại Việt Nam là 1,9 lít/100 km... hay đối với các mặt hàng khác như ô tô, tủ lạnh, máy lạnh... Nguyên nhân thì nhiều, song có một nguyên nhân dễ thấy là các tiêu chuẩn và chế tài về vấn đề này không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vì nó quá lạc hậu, không cụ thể và thiếu chế tài cho việc thực thi hoặc chưa có tiêu chuẩn.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cần phải hướng tới xây dựng một quốc gia có nền văn minh sinh thái, tức là phải không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội theo mô hình môi trường thân thiện và tiết kiệm năng lượng, tăng cường bảo vệ phát triển và duy trì lâu dài nguồn năng lượng. Văn minh sinh thái cũng tức là phải xây dựng các thói quen tiêu dùng, các phương thức tăng trưởng kinh tế, các nhà máy công nghiệp phải có hình thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nhà hoạch định chính sách khoa học và công nghệ phải đặc biệt chú ý đến việc đưa các biện pháp, chính sách phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khoa học và công nghệ góp phần phát triển văn minh sinh thái phải là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của sự phát triển.

Pháp luật phải tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền văn minh sinh thái ở Việt Nam, phải có các tiêu chuẩn cụ thể về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường trong sản xuất và tiêu dùng và phải có các chế tài cho việc thực hiện các tiêu chuẩn đó trong thực tiễn".

"Không chỉ riêng EVN vào cuộc"

(Ông Trịnh Ngọc Khánh, Phó trưởng ban Kinh doanh và Điện nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN)

“Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, bước sang năm 2006, EVN đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền địa phương... tổ chức những chiến dịch quảng bá, phổ biến kiến thức, thực hiện những dự án tiết kiệm điện cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.

Việc tuyên truyền, quảng bá tiết kiệm điện được thực hiện dưới rất nhiều hình thức phong phú, hình thành một mảng nội dung tuyên truyền quan trọng trên báo chí. Một trong những hiệu quả mang lại điển hình là Chương trình quảng bá 1 triệu đèn compact năm 2006, với việc kích thích sản xuất và tiêu thụ loại đèn tiết kiệm hiệu quả này trên quy mô toàn quốc (tiêu thụ 8 triệu đèn compact hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm 130 triệu Kwh ở tất cả các lĩnh vực thương mại, sinh hoạt gia dụng).

Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) bắt đầu thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 – 2010 theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở tầm Chương trình trọng điểm quốc gia với các mục tiêu cụ thể và sự tham gia của các Bộ, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức đoàn thể trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu tiết kiệm 440 triệu kWh (chưa kể phần tiết kiệm do giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối).Việc tuyên truyền, quảng bá tiết kiệm điện được thực hiện liên tục trong cả năm chứ không chỉ thực hiện rầm rộ trong các tháng mùa khô. Nhiều chương trình lớn đã được triển khai góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2006 – 2010, như Chương trình 5 triệu đèn compact giai đoạn 2007 - 2010, Chương trình chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, chương trình đèn tuýp gầy và chấn lưu điện tử hiệu suất cao, chiếu sáng hiệu quả trường học... với sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan thông tin đại chúng và sự hưởng ứng của người dân cũng như các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo tôi, để đạt được hiệu quả cao hơn trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Ví dụ, EVN có một chương trình riêng, Hội phụ nữ, chính quyền địa phương... cũng thế, vì vậy sức mạnh kinh phí, nhân lực... bị chia nhỏ, phân tán.  Cách tuyên truyền cũng cần đầy đủ hơn, để người dân và doanh nghiệp có ý thức trong việc cải tạo công nghệ, đầu tư thiết bị tiết kiệm điện, tận thu nhiệt thải để tái sử dụng, sắp xếp dây chuyền sản xuất hợp lý để giảm thiểu năng lượng...” 

"Cần hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng" 

(Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Tp.HCM) 

“Như chúng ta đã biết từ năm 2003, Việt Nam đã ban hành Nghị định 102 quy định các vấn đề liên quan tới công tác quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm nhưng hoạt động này đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.  Thứ nhất là do sau khi nghị định ban hành thì cần thiết phải có các thông tư hướng dẫn và có các công cụ quản lý thực hiện nhưng các công cụ này chưa đầy đủ. Còn các tổ chức quản lý nhà nước có liên quan như công tác thanh tra về sử dụng năng lượng trọng điểm, thanh tra, thẩm định các thiết kế xây dựng... thì hoạt động còn hạn chế.  Tất nhiên chúng ta cần có sự phối hợp nhiều nhóm. Một lý do khác là chế tài còn thấp nên chưa tạo ra việc quan tâm cũng như trách nhiệm của cộng đồng.

Ví dụ đối với lĩnh vực công nghiệp thì chức năng thanh tra có 3 lĩnh vực quản lý: thứ nhất là nhập khẩu thiết bị công nghệ. Để làm được chuyện này thì phải ban hành ra tiêu chuẩn, định mức thì điều này chưa có.  Thứ hai là thanh tra các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, về nguyên tắc thì các đơn vị này phải có trách nhiệm lập báo cáo về thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thì ngoài một số doanh nghiệp làm việc này thì đa số vẫn chưa làm. Về mặt luật pháp các đơn vị này cần có trách nhiệm báo cáo với cơ quan, tuy nhiên tính tự giác chưa hiệu quả. 

Trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 500 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm và về nguyên tắc phải sử dụng tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên mới có khoảng 100 đơn vị có hoạt động tiết kiệm. Về nguyên tắc các đơn vị này trong vòng 5 năm phải cắt giảm tiêu hao 5% suất năng lượng của đơn vị mình. Tuy nhiên hiện doanh nghiệp thiếu thông tin, thiếu đội ngũ tư vấn để giúp doanh nghiệp. 

Về cường độ năng lượng, so với mặt bằng chung của Việt Nam thì cường độ năng lượng của Tp.HCM khoảng 1, 46 so với Việt Nam là 1,86. Số này càng to thì hiệu quả càng kém. Đây là chỉ tiêu tốt, tuy nhiên vẫn cao so với các nước như Thái Lan 1,31, các nước thế giới là 0,9. Tình hình chung thì các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang lãng phí từ 10 50% năng lượng. 

Theo tôi phải cung cấp đủ thông tin về giải pháp kỹ thuật, tài chính, tính toán đầu tư tốt nhất để doanh nghiệp có đủ thông tin. Thông thường chúng ta bị vướng mắc ở chuyện các tư vấn của chúng ta chỉ dừng lại ở góc độ tư vấn kỹ thuật, điều này không đủ để doanh nghiệp ra quyết định mà phải tiếp tục có khâu tư vấn về tài chính, tư vấn về đầu tư." 

Theo TBKTVN