Sự kiện

Chung tay “gỡ rối” đường điện cao áp : Biện pháp cho vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường

Thứ tư, 5/3/2008 | 10:28 GMT+7

Nhu cầu tăng trưởng phụ tải ngày càng cao (gần 20%/năm trong những năm tới) không những đặt ngành điện Việt Nam trước hàng loạt thách thức về vốn, kỹ thuật và nhân lực để xây dựng và đưa vào vận hành mỗi năm vài nghìn MW nguồn điện mới. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất trong thực tế thi công các “cầu nối” giữa nguồn phát và các phụ tải đang “khát” điện lại không phải là về vốn, kỹ thuật…

                       

Theo ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có một khó khăn lớn đang diễn ra trong thực tế là còn trên 180.000 nhà dân tự xây cất hoặc được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện (HLAT). Ở các thành phố, thị xã người dân tìm cách lấn chiếm phần đất để cơi nới, cải tạo đã cố tình vi phạm các tiêu chuẩn an toàn quy định trong Nghị định số 54/1999/NĐ-CP và nay là Nghị định 106/2005/NĐ-CP. Ngược lại, những nơi đang xây dựng mới - chủ yếu là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ dân yêu cầu được đền bù di dời, hoặc không đồng ý cho đường dây đi qua khu vực nhà đất của mình, mặc dù EVN đã từng bước nâng cao hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người dân và chấp nhận đền bù thêm phần thiệt hại do chiếm dụng khoảng không theo quy định của Nhà nước.

“Cho tới nay, về chuyên môn, EVN đã tuân thủ các quy định, thiết kế, vận hành, đặc biệt là quy định về an toàn điện từ trường của Việt Nam (trên cơ sở quy định của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Các kết quả khảo sát của EVN, Bộ Công Thương, cũng như tại hội thảo khoa  học cấp quốc gia về ảnh hưởng của điện từ trường có sự tham gia của đại diện WHO, và gần đây nhất là kết luận của Bộ  Tài nguyên và Môi trường gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra phản ánh của người dân và báo chí đã cho thấy cường độ điện từ trường ở những nơi đường dây truyền tải đi gần nhà dân thấp hơn nhiều mức tiêu chuẩn quy định và không có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Thế nhưng, hậu quả của chương trình  chuyển giao lưới điện trung áp từ địa phương về ngành điện quản lý, cũng như do công tác tuyên truyền chưa được thực hiện mạnh mẽ, ngành điện lại đang phải chịu một thách thức lớn “trước đây không phải tính tới” trong tiến trình phát triển. Hàng loạt khiếu kiện xung quanh  đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện HLAT đã xảy ra ở nhiều địa phương. Một số dự án chậm tiến độ đóng điện chỉ vì “ách tắc” vài ba cây số do việc đền bù mà người dân cho là chưa thỏa đáng, hoặc do bị quy nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân.

Điển hình nhất là đường dây 220 kV Hà Giang - Tuyên Quang – Thái Nguyên (được đầu tư theo cơ chế đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006 – 2010 theo Quyết định số 1195/QĐ - TTg ngày 0/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, có tổng mức đầu tư hơn 265 tỷ đồng) để thực hiện mua điện của Trung Quốc. Mặc dù đã được đóng điện từ tháng 4/2007, nhưng nhiều hộ dân ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vẫn tiếp tục có đơn thư phản ánh lên lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác định mức độ nguy hiểm tác động đến sức khỏe người dân. Kết quả cho thấy, khoảng cách từ điểm cao nhất của công trình đến điểm thấp nhất của dây dẫn tĩnh và cường độ điện trường trong và ngoài nhà chưa phát hiện có vi phạm về khoảng cách và cường độ điện trường vượt quá giới hạn cho phép theo quy định tại Nghị định soos 106/2005/NĐ - CP; việc báo chí thời gian qua nêu hiện tượng bút thử điện trên người sáng là chưa chính xác, thực tế khi thủ trên người chỉ nhìn thấy được bút sáng vào ban đêm và khi đứng trên ghế, ban ngày không nhìn thấy được…, dòng điện cảm ứng qua người chưa có tác hại đối với cơ thể người đi lại, sinh hoạt bình thường dưới đường dây; việc người dân sống trong phạm vi HLAT đường điện cao áp có tâm lý lo ngại và có nguyện vọng được di dời ra ngoài hành lang an toàn đường điện “chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ mất an toàn khi mưa trời mưa, bão, nhất là những hộ nắm dưới gầm đường điện”.

Từ thực tế này, đoàn công tác đã có văn bản yêu cầu EVN phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát điều kiện nhà ở, công trình đang tồn tại trong phạm vi HLAT đường điện 220 kV Tuyên Quang – Thái Nguyên, lập phương án và tiến hành cải tạo phần mái của các hộ dân đủ điều kiện tồn tại trong HLAT; đối với công trình thuộc diện phải di dời hoặc không thể cải tạo để đủ điều kiện tồn tại trong HLAT thì có kế hoạch bồi thường và kiễn quyết cưỡng chế dỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho các hộ dân cũng như cho đường điện… Về lâu dài, Bộ Công Thương cần tiến hành rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về thiết kế, xây dựng đường dây cao âp đến 500 kV để có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 106 theo hướng “nâng cao khoảng cách từ mặt đất đến dây dẫn tĩnh thấp nhất khi đi qua khu vực đông dân cưa, khu vực đô thị, đảm bảo cho các hộ dân có thể xây dựng được nhà ở cao tầng mà vẫn không vi phạm khoảng cách an toàn”; chỉ đạo EVN hạn chế tối đa việc triển khai đường điện qua khu vực đông dân cư, xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật để có thể triển khai nhiều mạch trên cùng một tuyến đường dây để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng của điện từ trường đến các khu vực dân cư và giảm chi phí đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin và truyền thông để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điện trường và khả năng ảnh hưởng của điện trường đến sức khỏe người dân sống trong HLAT lưới điện cao áp…

“Đến năm 2006 đã có 18.430 km đường dây truyền tải điện ở các cấp điện áp 110, 220, 500 kV trên cả nước; và dự kiến đến năm 2015, EVN sẽ phải xây dựng mới 25.420 km nữa. Vì vậy, việc nhiều vùng miền, nhiều khu dân cư có đường dây cao áp thuộc các cấp điện áp khác nhau đi qua là điều không thể tránh khỏi”, ông Khởi nhận định. Hài hòa giữa lợi ích phát triển của đất nước trên cơ sở đáp ứng các điều kiện an toàn của người dân theo tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn sẽ là biện pháp lâu dài để giải quyết, “gỡ rỗi” nhiều yêu cầu phát triển, không chỉ của riêng ngành điện.

Minh Đức