Sự kiện

Những kết quả cơ bản của EVN năm 2007

Thứ hai, 25/2/2008 | 10:41 GMT+7

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của tập thể CBCNV trong toàn Tập đoàn, năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, với những kết quả chủ yếu sau:

- Cơ bản đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước và đời sống nhân dân với sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 66,74 tỷ kWh, tăng 13,09% so với năm 2006. Sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 58,4 tỷ kWh, tăng 13,71% so với năm 2006 và vượt kế hoạch Nhà nước giao là 1,6%. Trong đó, điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 19,84%, chiếm 49,91% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tất cả các đơn vị trong Tập đoàn, nhất là các công ty phát điện thành viên đã có sự chuẩn bị tốt, công tác sửa chữa được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo và nâng cao độ sẵn sàng của thiết bị, đáp ứng phương thức huy động và nhu cầu tăng cao của phụ tải. 

- Năm 2007, Tập đoàn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Trong đó, tiết kiệm điện đạt gần 600 triệu kWh (tương đương 1% sản lượng điện thương phẩm), tổn thất điện năng giảm còn 10,5%, năng suất lao động tăng 20% so với năm 2006. Thông qua việc giao khoán chi phí, điều hành giá mua và bán điện, Tập đoàn đã tiết kiệm được 169 tỷ đồng, tương đương 47% lợi nhuận trước thuế từ sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn năm 2006. Giá bán điện bình quân ước đạt 860 đồng/kWh, tăng 8,83 đồng/kWh so với kế hoạch, nâng tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh điện ước đạt 50.262 tỷ đồng, 23,1% so với năm 2006. 

Năm 2007, công tác kinh doanh viễn thông công cộng của Tập đoàn đã có bước tăng trưởng rõ rệt. Số khách hàng sử dụng các dịch vụ CDMA, E-tel, internet đạt trên 2,45 triệu khách hàng, vượt 0,45 triệu so với kế hoạch giao và tăng 3,5 lần so với năm 2006. Doanh thu đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 2,48 lần so với năm 2006. Trong đó, dịch vụ CDMA phát triển nhanh về số lượng khách hàng, đạt 2,39 triêu thuê bao (E-com 1,605 triệu khách hàng, E-mobile 499.944 khách hàng, E-phone 238.398 khách hàng).

- Chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2007. Đây là quy hoạch điện có quy mô lớn nhất, khối lượng đầu tư nhiều nhất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh nhất trong số các quy hoạch điện đã được phê duyệt từ trước đến nay. Theo đó, với mức tăng GDP khoảng 8,5% - 9%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và cao hơn, dự báo nhu cầu điện nước ta tăng ở mức 17%/năm (phương án cơ sở), 20%/năm (phương án cao) giai đoạn 2006 - 2015, trong đó xác định phương án cao là phương án điều hành, chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến. 

- Năm 2007 cũng là năm có công suất nguồn điện vào nhiều nhất với tổng công suất đạt 1.168 MW. Trong đó, Tập đoàn có 3 công trình nguồn vào vận hành (không kể công trình mua điện Trung Quốc qua Hà Giang): Uông Bí mở rộng 1-300 MW, Thuỷ điện Quảng Trị  64 MW, Tổ máy 2 Thuỷ điện Đại Ninh  150 MW; các doanh nghiệp ngoài EVN cũng đưa vào vận hành 3 dự án: Thuỷ điện Sê San 3A, Nhiệt điện Cao Ngạn, Chu trình đơn Cà Mau 1. Nhiều dự án thuỷ điện triển khai theo cơ chế 797 và 400 đã thực hiện ngăn sông thắng lợi như: Sông Tranh 2, An Khê-Ka Nak, Đồng Nai 4… cơ bản đảm bảo chống lũ an toàn.  

Mặc dù phải triển khai đồng thời nhiều dự án, trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp, song Tập đoàn đã không ngừng nỗ lực, đảm bảo huy động đủ nguồn vốn đầu tư và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho xây dựng các công trình, dự án. Tổng vốn đầu tư trong năm 2007 ước khoảng 36.597 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nguồn điện đạt 15.832 tỷ đồng và lưới điện là 11.190 tỷ đồng… Nhờ đó, hàng chục dự án nguồn điện đã được khởi công xây dựng, đảm bảo tiến độ và đóng điện đưa vào vận hành 77 công trình lưới điện 110-500 kV, với tổng chiều dài đường dây là 1697 km và 2230 MVA dung lượng trạm biến áp. 

Năm 2007, khối lượng đề án thành lập mới các đơn vị trực thuộc, các công ty cổ phần được xây dựng, hoàn thành và triển khai thành công lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài 3 đề án thành lập Công ty cổ phần Tài chính Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn và 5 đề án thành lập Ban QLDA nguồn điện mới, EVN cũng đã hoàn thành 8 dự án thành lập các công ty cổ phần nguồn điện như: Bản Vẽ, A Vương, Đồng Nai…; 4 công ty bất động sản (EVN-Land Sài Gòn, Miền Trung, Nha Trang, Hà Nội); 7 công ty cổ phần khác như: Công ty CP EVN - Campuchia, Dịch vụ sửa chữa Nhiệt điện Miền Bắc, Đầu tư-Thương Mại-Dịch vụ Điện lực 2, Đầu tư kinh doanh tổng hợp Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh… 

- Công tác quản lý kỹ thuật an toàn được thực hiện tốt, số vụ tai nạn lao động giảm. Tổng số vụ tai nạn trong năm chỉ còn 19 vụ, trong đó khối các đơn vị trực thuộc là 15 vụ và các công ty cổ phần là 4 vụ. Đây là con số thấp nhất của EVN từ trước đến nay. Đồng thời, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm hành lang lưới điện cao áp, nên năm 2007, Tập đoàn đã giảm được 15.847/47.174 vụ vi phạm.  

- Năm 2007, EVN đã xây dựng và bắt đầu triển khai Đề án Chương trình Quảng bá sử dụng 5 triệu đèn compact cho giai đoạn 2007-2010. Chương trình sẽ giúp EVN tiết kiệm được 200 triệu kWh/năm, tương đương với việc không phải đầu tư xây dựng nhà máy điện công suất 131 MW trong vòng 3 năm, đồng thời giảm lỗ kinh doanh 185 tỷ đồng. Tổng lợi ích của Chương trình này có thể lên đến 625 tỷ đồng. Đặc biệt, qua Chương trình này, EVN sẽ tạo cơ hội cho các công ty, điện lực có thêm một loại hình kinh doanh mới: Kinh doanh thiết bị điện, trong đó có đèn tiết kiệm điện. 

- Việc ra đời Đảng bộ Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam lấy tên là Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trực thuộc Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương đã đánh dấu quan trọng trong quá trình phát triển của Tập đoàn. Đảng bộ Tập đoàn Điện lực là đảng bộ cấp trên cơ sở bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2007 với 8 tổ chức đảng trực thuộc. Sự ra đời của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức đảng trực thuộc sẽ tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp ngành Điện. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Đánh giá cao những kết quả của EVN

Ngày 11 và 12/1/2008, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 2007 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2008 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tạp chí Điện lực xin được trích giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng:

Năm 2007 là năm thứ hai cả nước triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 và năm đầu tiên Việt Nam thực hiện các cam kết về gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta vừa có những cơ hội, đồng thời cũng có nhiều thách thức phải vượt qua. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của các doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,48% - cao nhất trong 10 năm qua.

Năm 2007, ngành Công Thương tiếp tục phát triển ổn định: Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt trên 574.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2006, những sản phẩm công nghiệp chủ yếu do sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu như điện, dầu thô, than, thép cán, động cơ điện... đều tăng trưởng khá so với năm trước. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 48,387 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2006. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp rất quan trọng của EVN. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do phụ tải tăng nhanh, diễn biến thời tiết nhiều khi không thuận lợi, các nguồn điện mới chưa vào kịp, một số dự án IPP, BOT bị sự cố, cấp khí cho sản xuất điện chưa ổn định, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, lượng điện mua ngoài với giá cao chiếm tỷ trọng lớn, nhưng CBCNV ngành Điện đã duy trì tốt truyền thống đoàn kết, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu của năm 2007: Cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, điện thương phẩm đạt 58,4 tỷ kWh, tăng 13,71%so với cùng kỳ, vượt 1,6% kế hoạch Nhà nước giao, trong đó điện cung cấp cho nông nghiệp và xây dựng tăng 19,84%; kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn và lưới điện, vốn thực hiện 36.597 tỷ đồng; tiếp tục phát triển đa ngành nghề và đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, nâng cao đời sống CBCNV.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi xin chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà EVN đã đạt được trong năm 2007. Đó là cơ sở và tiền đề quan trọng để EVN bước vào thực hiện kế hoạch năm 2008.

Mặc dù vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2008, tôi đề nghị EVN quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo tổng kết, mà trước hết là: Tình trạng thiếu công suất đỉnh của hệ thống còn xảy ra; một số công trình đầu tư xây dựng chưa đạt tiến độ; cơ chế điều hành chưa hoàn thiện một cách đầy đủ; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Trong đó, đề nghị EVN đặc biệt hướng trọng tâm vào vấn đề đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Năm 2008, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp 17,5% (phấn đấu 18%) so với năm 2007, đạt trên 674.000 tỷ đồng, bằng 80% so với mục tiêu đến năm 2010; đảm bảo cân đối cung cầu của nền kinh tế, nhất là những sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện, than, thép xây dựng, xăng dầu, phân bón. . . Trong đó, Bộ đặc biệt nhấn mạnh đến đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển công nghiệp cũng như toàn nền kinh tế. Với vai trò đảm bảo cung ứng điện, trách nhiệm của EVN rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, chi phí đầu vào có xu hướng tăng so với năm 2007, các công trình nguồn mới chậm tiến độ, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Qua báo cáo của EVN, Bộ cơ bản nhất trí với các mục tiêu và giải pháp thực hiện kế hoạch 2008 mà EVN đã đề ra: Đảm bảo tiến độ công trình đầu tư xây dựng, nhất là các công trình đưa vào vận hành năm 2008 như: Tuyên Quang, Đại Ninh, Pleikrông...; chuẩn bị chu đáo phương thức sản xuất, thực hiện tiết kiệm điện để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội; sản lượng điện sản xuất và mua của Tập đoàn khoảng 77,2 tỷ kWh; tập trung nguồn nhân lực để triển khai các công trình trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng phê duyệt, huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư; hoàn thiện thể chế quản lý; chuẩn bị các điều kiện cho thị trường điện; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, ở cơ sở, thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí và Luật phòng-chống tham nhũng. Bộ Công Thương yêu cầu EVN có kế hoạch chu đáo để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ này.

Đối với các vấn đề có vướng mắc mà Tập đoàn có kiến nghị, những nội dung thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ xem xét, tháo gỡ. Những nội dung khác, Bộ ghi nhận và báo cáo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền. Về nguyên tắc chung, Bộ hoàn toàn đồng tình và ủng hộ việc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp. Đối với các dự án nguồn điện do các doanh nghiệp ngoài EVN là chủ đầu tư như: Nhơn Trạch, Cà Mau... Bộ sẽ chỉ đạo sâu sát để đưa vào vận hành trong năm 2008 như đã cam kết.

Về tiết kiệm điện, năm 2008, Bộ sẽ phối hợp với UBND các địa phương quyết liệt chỉ đạo theo tinh thần chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 102/2003/NĐ-CP ngày 03/9/2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Thông tư số 01/2004 ngày 2/7/2004 của Bộ. Năm 2008 phải là năm có bước chuyển biến mạnh về tiết kiệm năng lượng, trong đó có năng lượng điện.

Năm 2008 là năm bản lề, tạo điều kiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển xã hội 5 năm 2006-2010 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010. Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao 8,5 - 9% ngay trong năm 2008. Toàn ngành Công Thương trong đó có ngành Điện phải tập trung phấn đấu để đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, nhất trí, lao động sáng tạo, EVN sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch 2008, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành Công Thương”. 

Theo: TẠP CHÍ ĐIỆN LỰC SỐ 1+2/2008