Sự kiện

Lời giải cho bài toán lúa điện

Thứ tư, 20/2/2008 | 10:10 GMT+7

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW bà Nguyễn Lan Châu cho biết: Hiện mực nước các sông đổ về hạ lưu sông Hồng đều thấp hơn cùng kỳ năm 2007 từ 10 - 15% và thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước sông Đà tại Hoà Bình thấp hơn 35%, mực nước sông Thao tại Yên Bái thấp hơn 37% và mực nước sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn tới 51%. Với thực tế đó, nếu không có biện pháp giải bài toán khai thác nước hồ hợp lý cho cả hai nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân và sản xuất điện - thì mùa khô 2008 này không tránh được tình trạng thiếu điện.

    

Lúa no hay điện đủ?

Nếu thời tiết thuận lợi, lượng nước về các hồ cao thì không khó khăn trong việc tìm lời giải, nhưng những năm gần đây, nhất là năm nay thì bài toán vừa đủ nước cho sản xuất điện lại đủ nước cho 3 đợt đổ ải vụ Đông Xuân trong điều kiện nước về rất thấp, các hồ, sông, suối đều thấp hơn trung bình nhiều năm thì quả là một tình huống rất khó cho các cơ quan, ban, ngành.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TW, từ đầu tháng 10/2007 đến ngày 10/1/2008, nguồn nước từ thượng nguồn các sông đều giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 35%. Nguồn nước hạ du sông Lô và sông Hồng chỉ đạt từ 40 - 60% trung bình nhiều năm. Ngày 1/1/2008, mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ ở mức 1,12 m, thấp nhất trong liệt quan trắc tháng 1 của hơn 100 năm qua. Hiện tại, mực nước tại các sông, suối tiếp tục giảm. Lưu lượng dòng chảy đến hồ Hoà Bình, Thác Bà ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30%. Phần lớn các hồ chứa vừa và nhỏ ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây đều có mực nước rất thấp, nhiều hồ có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế đến 10 m, chỉ đạt 40 - 70% dung tích thiết kế. Mực nước các hồ chứa ở khu vực từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh, Bình Định đến Khánh Hoà đều thấp hơn mức nước thiết kế từ 0,2 - 1,4 m. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TW cho biết: Do hiện nay Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình vẫn liên tục chạy máy sản xuất điện nên mức nước sông tại Hà Nội cao hơn dòng chảy tự nhiên với mức 2,10 m (lưu lượng dòng chảy tự nhiên vào Hoà Bình là 450 m3/s nhưng lưu lượng ra hạ lưu là 1.067 m3/s). Như vậy, nếu các tổ máy Hoà Bình giảm sản lượng thì mực nước sông Hồng tại Hà Nội còn thấp hơn rất nhiều.

Ngay từ cuối mỗi năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  đều lên phương án tích nước, huy động các nguồn nhiệt điện để đến mùa khô có đủ nước cho các tổ máy thuỷ điện hoạt động. Nhưng việc tích nước cho mùa khô của các hồ thuỷ điện phía Bắc năm nào cũng trùng với nhu cầu cần nước để phục vụ đổ ải cho vụ mùa Đông Xuân. Vậy xả nước tưới cho lúa  -  phục vụ ổn định sản xuất nông nghiệp, hay tích nước để phát đủ điện - đảm bảo đời sống nhân dân và phát triển kinh tế?

Không được phép lựa chọn

Cả 2 nhiệm vụ trên đều vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa kinh tế, chính trị lớn của đất nước. Chính vì vậy, EVN cũng như các ban, ngành liên quan không thể đặt lên bàn cân để so sánh hay lựa chọn một trong hai nhiệm vụ, mà buộc phải cân đối và đưa ra những phương án tối ưu để đảm bảo thực hiện tốt cả hai yêu cầu. Chuẩn bị cho mùa khô 2008, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (Ao) đã lên các phương án sẵn sàng.

Theo yêu cầu, trong các đợt xả nước đổ ải vụ Đông - Xuân 2008 sẽ phải nâng mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên 2,5 m. Như vậy, sau khi xả nước, mức nước hồ Hòa Bình sẽ giảm 7,5 m. Giả thiết, với mức nước 112,32 m như hiện nay không giảm cho đến tháng 6/2008, thì sau 3 đợt xả, mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn 104,82 m (năm 2007 là 111,5 m). Với mực nước hồ Hòa Bình như vậy, sẽ rất khó khăn cho việc bảo đảm đủ điện cho mùa khô năm nay. Ngoài ra, theo dự kiến, ngày 31/1/2008, 1 tổ máy của Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang (114 MW) sẽ đi vào vận hành, đồng nghĩa với việc Thuỷ điện Tuyên Quang sẽ không tham gia chống hạn với 115 tỷ m3 nước như mùa vụ năm 2007, mà chỉ có thể cung cấp được cho hạ du bằng 1/2 lượng nước so với năm 2007.

EVN đã khai thác cao toàn bộ các nguồn nhiệt điện, tua-bin khí trong thời gian tích nước; công tác sửa chữa lớn các nhà máy nhiệt điện và tua bin khí được làm tăng ca, thêm giờ để rút ngắn thời gian, tăng cường phát điện. Đồng thời, EVN đã thực hiện đặt các thiết bị quan trắc hiện đại trên khu vực thượng nguồn để bảo đảm dự báo chính xác lượng nước về trong từng thời kỳ, kịp thời tích nước, xả lũ.

Được biết, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, không để thiếu nước sinh hoạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giảm bớt khó khăn cho EVN, cũng như các năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông tăng cường biện pháp nạo vét kênh nhận nước để bảo đảm cho các trạm bơm hoạt động bình thường khi mực nước các sông xuống thấp; cân đối nguồn nước hiện có để chỉ đạo chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với khả năng cấp nước; yêu cầu các trạm bơm tích cực hoạt động vào các giờ thấp điểm đêm để giảm chi phí tiền điện và tận dụng được năng lực dư thừa của các nguồn điện vào thời gian này; chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty Khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện lập kế hoạch lấy nước khoa học, tiết kiệm, tránh yêu cầu xả nước chung chung, kéo dài gây lãng phí nước.

Trước khó khăn về nguồn nước trong mùa khô hạn năm nay, việc phối hợp chặt chẽ giữa EVN với các ban, ngành, địa phương liên quan là vô cùng quan trọng, nhằm đưa ra những phương án tối ưu, kịp thời xử lý những tình huống cấp bách, bảo đảm yêu cầu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, đồng thời vẫn đủ nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.       

Theo Tạp chí Điện lực Số 1+2/2008