Sự kiện

Nhìn lại một năm cổ phần hoá và chứng khoán ngành Điện

Thứ sáu, 22/2/2008 | 09:49 GMT+7

Cổ phần hoá: Chưa đạt kế hoạch

                        

           Đẩy nhanh tiến trình CPH sẽ tạo điều kiện nâng cao đời sống người lao động  

Theo Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN, năm 2007, EVN đã thực hiện cổ phần hoá và chuyển sang mô hình công ty cổ phần 9 đơn vị, bao gồm: Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty Thủy điện Thác Mơ, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình, Công ty Cơ điện Thủ Đức, các công ty tư vấn xây dựng điện 1, 2, 3, 4 và Trung tâm Tư vấn xây dựng điện - thuộc Công ty Điện lực TP. HCM. Tổng giá trị huy động qua bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) 9 đơn vị thành viên của Tập đoàn đã giúp EVN thu về 1.974 tỷ đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2007 của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có lãi, bảo toàn và phát triển được phần vốn của EVN. Cổ tức thu về năm 2007 từ các công ty mà EVN chiếm cổ phần chi phối ước đạt trên 500 tỷ đồng, với các công ty EVN liên kết thành lập trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán , con số này là khoảng trên 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với số lượng 9 đơn vị hoàn thành cổ phần hoá EVN trong năm 2007 vẫn thấp hơn so với kế hoạch (Kế hoạch CPH đề ra là 24 đơn vị). Ông Đinh Quang Tri cho biết nguyên nhân của tình trạng này là: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số chủ trương liên quan đến CPH các doanh nghiệp của Tập đoàn có thay đổi. EVN tạm hoãn CPH 8 đơn vị phân phối điện là: Các công ty điện lực 1, 2, 3, các công ty TNHH MTV điện lực Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng. Hiện nay, 6 đơn vị khác là: Trung tâm Công nghệ Thông tin, các công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức, Phú Mỹ, Cần Thơ, Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đang trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Riêng Công ty Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang hoàn thiện phương án cổ phần hoá, chuẩn bị bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Thủ tục CPH các doanh nghiệp thuộc EVN còn phức tạp, quá trình thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Nhiều văn bản, quy định về quản lý điều hành phục vụ công tác quản lý cũng như điều hành cổ phần hoá chưa đồng bộ, chưa kịp sửa đổi, bổ xung, thay thế ban hành. Thời gian đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp kéo dài, phụ thuộc vào lịch đấu giá của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội khiến doanh nghiệp bị động. Một phần nguyên nhân của tình trạng này còn do điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn đến tháng 10/2007 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tình trạng chậm trễ trong công tác CPH này sẽ đặt ra những nhiệm vụ nặng nề hơn trong năm 2008 của EVN để có thể đảm bảo hoàn tất tiến trình CPH giai đoạn 2007 - 2008.

Cổ phiếu các công ty ngành Điện:Một năm thăng trầm

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu Công ty Nhiệt điện Bà Rịa thu hút được nhiều nhà đầu tư   

Cùng với những biến động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nói chung, giá trị các cổ phiếu ngành Điện trong năm qua cũng trải qua các giai đoạn “trồi sụt” mạnh mẽ cả trên thị trường niêm yết và thị trường không chính thức OTC.

Với chứng khoán niêm yết: Tăng trưởng đột biến vào thời điểm cuối quý I/2007, sụt giảm mạnh trong quý II/2007, tăng mạnh vào cuối quý III và lại sụt giảm mạnh vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Nếu so sánh thị giá các cổ phiếu ngành Điện vào thời điểm đầu năm 2007 và cuối năm 2007, có thể thấy rằng giá các cổ phiếu tăng trưởng không đáng kể, có cổ phiếu còn sụt giảm. Tuy nhiên, trong năm qua các cổ phiếu ngành Điện cũng đã chứng tỏ được sức hút trên thị trường bởi số lượng giao dịch của nhiều cổ phiếu như PPC, VSH, TBC. Dù ở thời điểm tăng hay giảm của thị trường, thì khối lượng giao dịch của các cổ phiếu này vẫn ở mức cao trong “top” dẫn đầu các chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất.

Năm qua, giới đầu tư chứng khoán cũng được chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của các đợt IPO các doanh nghiệp ngành Điện. Chỉ trong vòng hơn một tháng từ 15/3 - 18/4/2007 đã có 4 đơn vị lớn trong ngành Điện thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu rộng rãi ra công chúng. Mở màn cho đợt IPO này là đợt bán đấu giá lần đầu của Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, sau đó là Công ty Thủy điện Thác Mơ, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình. Đợt IPO tiếp theo là các công ty tư vấn xây dựng điện 2, 3, 4... Những đợt IPO này ban đầu thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do những biến động sụt giảm mạnh của thị trường, một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân đầu tư theo phong trào đã từ chối nộp tiền trúng giá. Và như vậy, hầu hết các công ty này sau đó đã phải tổ chức đấu giá lại. Kết quả đấu giá lại đã trở nên hợp lý với giá trị thực của doanh nghiệp và làm hài lòng các nhà đầu tư hơn.

Với thị trường OTC, không nằm ngoài tình hình chung, có thể nói năm 2007 cũng là một năm không mấy thuận lợi đối với cổ phiếu OTC của các đơn vị ngành Điện. Thị trường chỉ kịp sôi động vào đầu năm, sau đó là khoảng thời gian dài đóng băng. Tình trạng nhà đầu tư “chôn chân” tại thị trường OTC không chỉ diễn ra đối với riêng cổ phiếu ngành Điện mà còn đối với rất nhiều cổ phiếu các ngành khác.Với việc khẩn trương xây dựng những quy định quản lý chứng khoán của các công ty đại chúng, thực hiện lưu ký và giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết của Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước, tình trạng đóng băng của thị trường OTC hy vọng sẽ dần được thay đổi.

Một kết luận chung được giới đầu tư đồng thuận cao đối với cổ phiếu các doanh nghiệp ngành Điện là cùng với nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ về điện năng, sự phát triển ổn định, khả năng tích luỹ tài chính, đầu tư lớn dần lên qua các năm của các công ty cổ phần ngành Điện, các chính sách vĩ mô tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng của Chính phủ.... cổ phiếu các doanh nghiệp ngành Điện trong thời gian tới sẽ vẫn là sự lựa chọn hợp lý, dài hạn, hứa hẹn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. 

Hoạt động của các công ty cổ phần  có vốn góp của EVN

- Ngày 24/12/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (từ Ban Chuẩn bị sản xuất các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn)

- Ngày 27/12/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (từ Ban Chuẩn bị sản xuất nhà máy thủy điện trên sông Ba Hạ)

- Ngày 28/12/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần Thủy điện Srêpok (từ Ban Quản lý dự án Thủy điện 5)

- Ngày 28/12/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần Thủy điện Bản Vẽ (từ Ban Quản lý dự án Thủy điện 2)

- Ngày 30/12/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4 (từ Ban Quản lý dự án Thủy điện 4)

Theo: TẠP CHÍ ĐIỆN LỰC SỐ 1+2/2008