Sự kiện

Gặp mặt đầu Xuân Anh hùng Lao động Vũ Đức Quỳnh: Không thể đơn thuần “chạy” theo sản lượng

Thứ tư, 27/2/2008 | 09:12 GMT+7

Tôi đã được nghe nhiều, đọc nhiều bài báo về ông - Anh hùng Lao động, vị cán bộ lão thành ngành Điện  Vũ Đức Quỳnh. Song đến khi được gặp và trò chuyện với ông, phong thái nhẹ nhàng, giản dị, nụ cười gần như thường trực trên khuôn mặt rất hiền hậu của ông thực sự khác xa với hình dung của tôi về vị “thủ lĩnh” một thời của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, người đã kiên cường vượt qua rất nhiều thử thách, sức ép để “chèo lái” nhà máy điện chủ lực của Hệ thống điện Việt Nam luôn vững vàng trong hơn chục năm khó khăn.

Câu chuyện đầu tiên mà ông kể cho chúng tôi là những kỷ niệm khó quên khi ông vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát dẫn điện ở Triều Tiên về làm việc ở Nhà máy Thủy điện Thác Bà vào đầu những năm 1970. Thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đang chuẩn bị đưa vào vận hành và giữ vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện miền Bắc. Cũng chính vì vậy, Nhà máy luôn là mục tiêu đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ. Đối với những cán bộ, công nhân viên bám trụ với Nhà máy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Trong một đợt ném bom của đế quốc Mỹ vào năm 1972, nghe tiếng báo động, toàn bộ ca trực của kỹ sư Vũ Đức Quỳnh nhanh chóng tụt theo thang trượt, vừa xuống tầng dưới thì bom Mỹ đánh sập tầng trên. Bụi bê tông mù mịt, tiếng nước chảy rào rào. Lúc đó, dường như tất cả mọi người tin rằng mình chết đến 99%, hoặc chết vì ngạt thở, hoặc chết vì nước chảy ngập Nhà máy, không có lối thoát lên. Song suy nghĩ đó chỉ thoáng qua, bởi lẽ, vẫn còn tổ máy số 1 của Nhà máy đang hoạt động. Nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt là phải dừng tổ máy số 1, vì nếu máy chạy không tải kéo dài sẽ dẫn đến hư hỏng, thiệt hại càng thêm nặng nề. Kỹ sư Vũ Đức Quỳnh chạy đến van sự cố, kéo ngay tay van dừng máy. Khi tổ máy số 1 ngừng hoạt động an toàn thì tất cả xung quanh chỉ làm một màu tối đen, không còn nhìn thấy đường ra. Loạt bom thứ 2 của Mỹ đánh thủng sàn Nhà máy phía trên nên ló ra chút ánh sáng. Anh em trong ca trực đều chạy lao về phía hầm cáp theo qui định của Nhà máy. Vừa đến hầm thì loạt bom thứ 3 đánh sập luôn những nơi mọi người vừa qua. Sau khi bom Mỹ đánh phá dữ dội, kỹ sư Vũ Đức Quỳnh và những cán bộ, công nhân Nhà máy Thủy điện Thác Bà lại lao vào chiến dịch khôi phục Nhà máy, vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

“Anh em ngành Điện ngày hôm nay khó có thể hình dung được những gian khó trong chiến tranh và những ngày mới hòa bình mà thế hệ đi trước phải trải qua” - Ông chia sẻ. Nhưng trong thời kỳ đó, một sức mạnh tinh thần khó có thể lý giải một cách trọn vẹn đã giúp cho tất cả cán bộ, công nhân ngành Điện đều lao động hăng say, quên đi mọi toan tính, lo lắng, mệt nhọc, ngay cả khi đối diện với cái chết. Và chính sức mạnh tinh thần ấy đã giúp cho kỹ sư Vũ Đức Quỳnh không lùi bước trước bao nhiêu khó khăn, thử thách trên chặng đường tiếp sau khi giữ những cương vị mới: Phó Ban quản lý dự án Thủy điện Hòa Bình (1985), Phụ trách Ban chuẩn bị sản xuất, Phó giám đốc Kỹ thuật NMTĐ Hòa Bình (1988) và sau đó là Giám đốc Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình (1994) cho đến khi ông nghỉ hưu (2003).

“Thực sự khi được điều về Nhà máy TĐHB, tôi đã có ý định không nhận nhiệm vụ vì lo không đảm đương được công việc” - ông bồi hồi kể lại. “Mặc dù, trước đó tôi là Phó giám đốc NMTĐ Thác Bà, song việc chuyển công tác từ một nhà máy thủy điện nhỏ bé, thiết bị đơn giản sang tiếp quản một công trình thủy điện quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp tầm cỡ thế giới và có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân là một bước ngoặt rất lớn. Lúc đó, Thủy điện Hòa Bình còn là một đại công trường mênh mông, gần 1.000 chuyên gia Liên Xô, mấy vạn công nhân Việt Nam trên công trường thi công rầm rộ. Tài liệu thiết kế nhiều và phức tạp vô cùng, đọc không xuể. Những câu hỏi: Làm sao tuyển đủ nhân lực cho từng vị trí, chức danh, làm sao tiếp quản và xây dựng hệ thống quy trình, quy phạm để vận hành các thiết bị một cách an tòan, chính xác,… khiến cho tôi lo lắng ngày đêm, mất ăn, mất ngủ. Cái khó nhất là nhân lực của chúng ta quá yếu và mỏng, chỉ có một vài kỹ sư thủy điện, nhiệt điện có kinh nghiệm thực tế để bố trí vào các vị trí chủ chốt, còn lại hầu hết là kỹ sư, công nhân trung cấp vừa mới ra trường. Gần như bắt đầu từ con số 0”. Việc đào tạo nhân lực luôn đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi chúng ta lại thiếu tất cả các yếu tố này. Đến đầu năm 1988, thời điểm vận hành tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đến gần, vấn đề nhân lực chuẩn bị sản xuất bắt đầu được quan tâm. Sau khi nghe trình bày về “nền tảng” nguồn nhân lực quản lý, vận hành Nhà máy, chuyên gia Liên Xô Barachencô - Tổng công trình sư trên công trình TĐHB đã hết sức lo lắng và không tin tưởng đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam có thể đảm đương được công tác này. Tháng 6/1988, ông Vũ Đức Quỳnh đã đề nghị Tổng chuyên gia và lãnh đạo Nhà máy lập Hội đồng kiểm tra kiến thức đội ngũ quản lý, công nhân trước khi vận hành. Hầu hết anh em đều hoàn thành tốt các bài kiểm tra kỹ thuật phức tạp, khẳng định trình độ của đội ngũ CB, CN Việt Nam, khiến cho chuyên gia nước bạn rất bất ngờ. Và kết quả vận hành tổ máy số 1 đã an toàn tuyệt đối. Với sự giúp đỡ của một số chuyên gia nước bạn như ở vị trí trưởng kíp, trưởng ca, các chức danh trực chính, trực phụ đều do đội ngũ Việt Nam đảm nhận.

Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà là kết quả của sự nỗ lực học tập, lao động miệt mài của hàng trăm con người, dưới sự điều phối, sắp xếp rất khoa học, tài tình và hiệu quả của “thuyền trưởng” Vũ Đức Quỳnh. Hơn 60 cán bộ kỹ thuật sau khi học lý thuyết đều được cử đến thực hành, rèn luyện trực tiếp tại Nhà máy TĐ Thác Bà và Trạm Ba La. Hơn 30 cán bộ ở những chức danh khác nhau được tuyển chọn đi thực tập ở Liên Xô. Và những cán bộ này phải biên dịch các bản thiết kế, quy trình của nhà chế tạo, tận dụng chuyên gia vận hành tại chỗ để học, nắm chắc quy trình, quy phạm. Lúc đó, dù thiết bị chưa được lắp đặt xong, ông vẫn tổ chức cho đội ngũ kỹ sư và công nhân thực tập các chức danh theo sơ đồ, theo nhiệm vụ của quy trình… Tất cả tạo thành một dây chuyền lao động chuyên nghiệp, nghiêm túc, không ngừng nỗ lực, học hỏi. Và chính vì thế, trong hơn 10 năm vận hành nhà máy thủy điện chủ lực của hệ thống điện quốc gia, dù phải đối mặt với bao trận lũ bão, bao diễn biến phức tạp của thiên nhiên, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Vũ Đức Quỳnh, đội ngũ CBCNV Nhà máy TĐHB vẫn bình tĩnh, can trường để vừa điều hành cắt lũ, vừa vận hành nhà máy an tòan, duy trì nguồn điện ổn định và bảo vệ công trình thế kỷ. 

Chia sẻ với những khó khăn, thử thách mà thế hệ CBCN ngành Điện ngày hôm nay đang phải vượt qua, song với cương vị một người đi trước, ông luôn muốn nhắn nhủ các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngành Điện phải hết sức chú trọng và nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, quy phạm. Ngành Điện đã và đang phải đối mặt với sức ép rất lớn cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể đơn thuần “chạy” theo sản lượng mà các đơn vị phải phát triển bền vững. Bởi lẽ, nếu xảy ra sự cố, thì tác hại và ảnh hưởng sẽ không thể lường hết “sai một ly, có thể đi một ngàn dặm”. Riêng trong lĩnh vực thủy điện, theo ông, Tập đoàn Điện lực nên nghiên cứu thành lập bộ phận quản lý đập và tổ chức hệ thống quan trắc thật mạnh với các thiết bị hiện đại để giám sát từ khi xây dựng cho đến khi vận hành các nhà máy thủy điện. Điều này sẽ không chỉ hạn chế các sự cố về đập mà còn giúp cho công tác điều hành các nhà máy thủy điện đạt hiệu quả tối ưu…

Vĩ thanh: Đầu Xuân, trò chuyện với một Anh hùng lao động - một cán bộ lão thành ngành Điện, để được lắng nghe những kỷ niệm đã qua, những bài học kinh nghiệm để những thế hệ đi sau hiểu hơn về quá khứ hào hùng của ngành. Quá khứ thiêng liêng ấy luôn là ngọn đèn sáng rọi cho chúng ta bước những bước dài hơn, vững vàng, đúng hướng hơn trong hiện tại và tương lai.

Ông Vũ Đức Quỳnh đã vinh dự được nhận:

- Huân chương Lao động hạng Ba (1995)

- Huân chương Lao động hạng Nhì (1998)

- Danh hiệu Anh hùng Lao động (2000) có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1989-1990, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc. 

Theo: TẠP CHÍ ĐIỆN LỰC SỐ 1+2/2008