Sự kiện

Thủy điện Sơn La và những hy sinh thầm lặng

Thứ sáu, 29/2/2008 | 08:27 GMT+7

Chúng tôi đến đại công trường Thủy điện Sơn La, khi ở đây đang bước vào giai đoạn thi đua sôi nổi cho kế hoạch 2008. Thời kì cao điểm, lực lượng lao động lên hơn 6.000 người. Đứng trên nhà điều hành nhìn xuống, thấp thoáng những màu áo của các đơn vị thi công đang làm việc cần mẫn như những đàn kiến. Tất cả những âm thanh sôi động cùng với lòng quyết tâm vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc đã tạo cho công trình thế kỷ thêm xuân, thêm sắc mới.

Để phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010, trong năm nay, toàn công trường phải lắp đặt 6.400 tấn thiết bị cơ khí thủy công, khoan phun gia cố 24.000 mét dài, đổ 1.247.000 m3 bê tông đầm lăn; 568.000 m3 bê tông thường, vận chuyển đến công trường 20.000 tấn tro bay dùng làm phụ gia cho bê tông đầm lăn.

Nơi công việc không có ngày đêm

Mỗi lần đến Thủy điện Sơn La, tôi lại một lần thêm ngạc nhiên trước sức mạnh diệu kỳ của con người, khâm phục những thành quả được tạo ra từ khối óc, bàn tay của những người thợ đang ngày đêm miệt mài lao động trên công trường. Nơi chúng tôi đứng là khu vực đập chính. Hàng ngàn CBNV Cty Sông Đà đang hối hả đổ bê tông đầm lăn. Đây là công việc yêu cầu rất khắt khe về thời gian. Vì loại bê tông này sử dụng một thứ phụ gia đặc biệt là tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại nên có 2 đặc điểm chính là rất bụi và phải làm liên tục. Bụi thì khỏi phải nói, tại khu vực tập kết nguyên vật liệu, bụi mù trời, tất cả những con đường, mái nhà, kể cả khu văn phòng đã đóng kín cửa kính mà bụi vẫn len lỏi vào phủ kín bàn ghế. Bụi như thế nhưng thợ vẫn phải làm việc liên tục để cung cấp kịp thời bê tông nguyên liệu theo băng chuyển đến khu vực đập chính để đổ bê tông. Khu vực đổ bê tông thì dễ chịu hơn vì không phải chịu cảnh bụi bặm nữa.

Tuy nhiên, thợ phải làm liên tục là do kết cấu đặc biệt của loại phụ gia này, nếu để bê tông cứng lại thì đổ mẻ sau sẽ rất phức tạp. Vì vậy, ông Lưu Thế Biểu – Phó Trưởng ban Quản lý dự án cho biết: dù trời mưa hay nắng, kể cả khi gió bão cũng phải căng bạt lên, chia ca kíp để làm việc 24/24h. Công trường đã chuẩn bị sẵn lại bạt cỡ lớn để sử dụng khi cần. Công nhân ở đây không có ngày nghỉ, ngày lễ tết. Theo ông Biểu thì yêu cầu của bê tông đầm lăn so với bê tông thường giống nhau về cường độ kháng nén, về mức độ chống thấm. Tuy nhiên, lợi thế của công nghệ bê tông đầm lăn là có thể đẩy nhanh tiến độ thi công công trình khi đổ bê tông đâp vì có thể đổ cao được từ 20 đến 22 m/tháng (trong khi đổ bê tông thường chỉ lên cao được khoảng 6 m/tháng.

Và những hy sinh thầm lặng

Càng về chiều, công trường Thủy điện Sơn La càng trở nên nhộn nhịp sống động và đẹp lạ thường. Từng đoàn xe tải lặng lẽ nối đuôi nhau, nhưng chiếc máy cẩu, máy khoan, máy xúc cũng những con người cần mẫn làm việc như không biết đến thời gian. Những công nhân làm việc quên ngày giờ, quên cả hạnh phúc riêng tư. Chuyện tìm hiểu yêu đương ở đây thật không khó không chỉ vì thiếu thời gian mà còn cì con gái hiếm như vàng. Hầu hết thanh niên đều phải nhờ bố mẹ “giấm sẵn” ở quê rồi tranh thủ nghỉ phép về  cưới luôn, chẳng khác gì bộ đội thời chiến. Anh Nguyễn Văn Điền (Cty Sông Đà 5) quê tận Gia Viễn (Ninh Bình) lấy vợ cũng trong hoàn cảnh ấy. Đến nay vợ chồng anh đã có cậu con trai rất kháu khỉnh. Dù chưa thuộc lớp “lão làng” nhưng anh cũng đã có gần 10 năm ăn Tết tại các công trường, riêng Thủy điện Sơn La anh cũng đã 2 lần đón Tết. Vì vậy, chuyện ăn Tết xa nhà với anh cũng không có gì đặc biệt, chỉ thương mẹ già và vợ con mong mỏi. anh khoe: Tết được thưởng mấy triệu đồng, anh chia làm 3 phần để gửi về biếu bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ và gửi cho vợ con sắm Tết. Còn anh phải làm cả 30, mùng 1 Tết nên mọi việc vẫn bình thường, chỉ khác là bữa ăn có thêm bánh chưng, giò chả. Anh kể:  Nhiều gia đình đón vợ con lên ăn Tết ở công trường vui lắm. Năm nay con anh còn nhỏ, sang năm nếu tiếp tục trực Tết, anh sẽ đưa vợ con lên đón Tết ở công trình thế kỷ này.

Tại cửa một đường hầm ngầm dưới lòng sông gần đập chính, chúng tôi gặp anh Trần Văn Chương (Cty Sông Đà 10) vừa tan ca. Đón chúng tôi bằng một nụ cười trên khuôn mặt còn lấm lem bụi, khói, anh cho biết, quê anh ỏ Hưng Yên, quê vợ ở Hòa Bình. Hiện nay vợ con anh đang sinh sống ở Gia Lai, còn anh đang “ngao du”  ở tận vùng Sơn La cực Bắc này, anh nói thêm, học xong cấp 3, anh đi học lớp công nhân xây dựng, anh đi học lớp công nhân xây dựng rồi xung phong lên Thủy điện Hòa Bình. Anh chị gặp nhau và lên đôi lứa tại đây. Xong công trình, vợ chồng anh và câuk cpn trai đầu lòng vào xây dựng Thủy điện Yali, sinh thêm cậu con trai thứ hai, mua một căn nhà ở thành phố Gia Lai và đón bà ngoại vào với các cháu. Xong Thủy điện Yali, anh lại đi Thủy điện Tuyên Quang, Quảng Trị, Sê San, Sơn La … Hầu hết các công trình thủy điện lớn của đất nước anh đều có mặt. Vợ anh thì làm ở Cty Sông Đà 4 nên cũng đi công tác quanh năm. May mà có bà ngoại giúp chứ không thì vợ chồng anh chẳng biết xoay xở ra sao. Nghe anh kể về công việc, gia đình mình bằng một giọng nhẹ tênh, tôi thực sự khâm phục ý chí của anh. Công việc của anh là khoan đúc bê tông trong đường hầm, một công việc không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cả sức khỏe và sự kiên trì, chịu đựng. Khói bụi, hoa  lửa khét lẹt từ máy cắt, máy hàn, khói xăng từ những chiếc xe tải vào chở cát đá; khói nổ mìn, rồi bụi bê tông, cát đá khi khoan phun … tất cả cứ quyện vào nhau, quẩn đi, quẩn lại tròn đường hầm, dù đã có quạt thông gió nhưng cũng chẳng ăn thua. Nhiều khi hết ca làm việc anh em phải dìu nhau đi vì không mở được mắt. Điều lo lắng nhất của anh không phải là công việc mà là cậu con trai thứ 2 bị bệnh tắc ruột bẩm sinh nên lớn lên quặt quẹo. Anh lại đi xa biền biệt n ên mọi việc nuôi dạy con cái gần như khoán trắng cho vợ và … mẹ vợ. Mỗi năm 2 lần nghỉ phép, nghỉ Tết anh lại phải tính toán thời gian đi lại sao cho hiệu quả nhất để thăm được cả bố mẹ ở Hưng Yên và vợ con ở Gia Lai. Bởi lẽ, riêng thời gian ngồi trên ô tô đã mất đứt 5 ngày. Mua vé máy bay thì không có điều kiện. Thôi thì ở với vợ con 1-2 nhày là quý lắm rồi. Điều lo lắng thứ 2 của anh là tiến độ công trình. Anh là Đội trưởng, tiến độ công việc là bát cơm manh áo của anh em. Trong thời kinh tế thị trường, nếu không làm nhanh, đảm bảo chất lượng thì công việc sẽ chuyển sang đơn vị khác. Vì vậy, anh em không chỉ chăm làm mà còn phải tranh thủ học hỏi, nếu thấy đơn vị bạn có sáng kiến hay phải tìm cách “ăn cắp”công nghệ về áp dụng ngay. Vất vả như thế nhưng khi tôi hỏi: Nếu cho chọn lại thì anh có chọn nghề này nữa không? Anh cười chắc nịch: Vẫn thế thôi, bây giờ nếu không làm nghề này thì sẽ chẳng biết làm nghề gì khác. Anh nói vậy nhưng tôi nghĩ rằng một đội trưởng kỹ sư giỏi như anh không phải là không biết làm gì khác mà vì tình yêu các công trình thủy điện đã ngấm vào máu thịt anh rồi.

Theo báo CNVN Số 9