Sự kiện

Công đoàn Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại: Những bài học đầu tiên sau cổ phần hóa

Thứ sáu, 25/7/2008 | 09:05 GMT+7
Thực hiện Quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là bộ Công thương) từ tháng 1 năm 2005 Công ty Nhiệt điện Phả Lại là một trong số ít đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bắt đầu tiến hành cổ phần hóa.

Đây là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển đi lên của Công ty trong tổ chức và quản lý, đồng thời cũng đặt ra cho tổ chức Công đoàn ở đây những thách thức lớn tưởng chừng khó có thể hoàn thành tốt được. Song, phát huy truyền thống 23 năm của một Công đoàn cơ sở lá cờ đầu của Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương và Công đoàn Điện lực Việt Nam, sự kết hợp chặt chẽ hài hoà giữa chuyên môn và Công đoàn và sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ Công đoàn, phong trào công nhân viên chức và hoạt Công đoàn của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại không những được duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ.

1. Những bước đi và kết quả đạt được:

Cổ phần hóa doanh nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới, vì vậy cả cán bộ và công nhân lao động đều phải tìm hiểu thấu đáo về ý nghĩa, mục đích, nội dung và kết quả mang lại. Để làm quen với vấn đề này, từ năm 2004 Công đoàn Công ty đã tổ chức và vận động 100% CNLĐ tham gia viết bài thi tìm hiểu về “Cổ phần hóa, mua, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước” do tỉnh Hải Dương tổ chức. Năm 2005 Công đoàn đã cùng với chuyên môn, nghiên cứu, tổ chức tập huấn, quán triệt các văn bản chỉ đạo, Quyết định của Bộ Công nghiệp và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) về cổ phần hóa Công ty Nhiệt điện Phả Lại từ lãnh đạo cấp Công ty, đơn vị đến toàn thể CNLĐ. Riêng tổ chức Công đoàn đã triểnkhai phổ biến, cung cấp tài liệu và hướng dẫn thực hiện từ Ban chấp hành cơ sở, đến bộ phận, tổ Công đoàn rồi đến toàn thể đoàn viên.

Trước khi cổ phần hóa:

Vấn đề thiết yếu nhất là sắp xếp lại lao động, xét lao động dôi dư. Để khuyến khích những lao động về nghỉ hưu trước tuổi, Công đoàn đã cùng với chuyên môn thành lập “Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư” cấp Công ty do 100% CNVC, LĐ đóng góp và khuyến khích các đơn vị thành lập quỹ này. Chủ tịch Công đoàn Công ty đã tham gia tổ giúp việc của Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ tịch Công đoàn bộ phận, thậm chí là tổ trưởng Công đoàn đã tham gia lập danh sách phân loại lao động từ cấp tổ trở lên. Thực tế cho thấy, khi có tiêu chí phân loại lao động rõ ràng, minh bạch, có sự phối hợp hài hoà giữa chuyên môn và Công đoàn trong việc vận động và đãi ngộ hợp lý đối với NLĐ thì việc xét lao động dôi dư sẽ đạt kết quả tốt, ngược lại sẽ là hết sức phức tạp và còn ảnh hưởng lớn đến quá trình tổ chức sản xuất và đời sống của người lao động sau này.

Trong quá trình cổ phần hóa:

Công đoàn đã chủ động tham gia với chuyên môn tổ chức Đại hội CNVC bất thường để quyết định các vấn đề thiết yếu như: Chốt danh sách lao động dôi dư, danh sách NLĐ chính thức của Công ty cổ phần, nguyên tắc và hình thức phân phối quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và quyền lợi về mua cổ phần ưu đãi. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn Công ty phải tìm hiểu cặn kẽ chính sách của Nhà nước và thực tế để kịp thời tham gia giải quyết cho thấu tình đạt lý. Cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện để NLĐ mua cổ phần ưu đãi và tham gia đấu giá cổ phần lần đầu và có thể sử dụng quỹ tự có của Công đoàn tham gia mua cổ phần để vừa góp phần xây dựng Công ty vừa tạo nguồn quỹ cho tổ chức Công đoàn.

Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức cho NLĐ uỷ quyền cho người có điều kiện và năng lực đại diện cho mình tham gia Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty, từ đó nắm được tình hình NLĐ tham gia đầu tư và phát huy trí tuệ trong Đại hội đồng cổ đông.

Sau khi cổ phần hóa:

Trước một cơ chế quản lý mới, không ít người, thậm chí có cán bộ quan niệm cổ phần hóa rồi thì mọi hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của các nhà đầu tư lớn, của Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị và ban điều hành Công ty. Tuy khó khăn, nhưng Công đoàn Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã bắt đầu bằng việc soạn thảo, ban hành và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa chuyên môn và Công đoàn, xây dựng và thương lượng ký Thoả ước lao động tập thể trong điều kiện mới. Từ những quy định khung của hai văn bản này, Công đoàn đã tham gia xây dựng và hoàn thiện hầu hết các Nội quy, Quy chế, Quy định liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Chủ động phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị NLĐ. Công đoàn Công ty đã đặc biệt quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua: “Ca vận hành an toàn kinh tế”, “Xanh- Sạch- Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, “Xây dựng Gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu tập thể văn minh”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động sáng tạo” góp phần đắc lực vào thành tích sản xuất điện với công suất cao, giá thành hạ, ổn định và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ, tạo thương hiệu cho Công ty.

2. Những bài học đầu tiên:

Nhìn lại khoảng thời gian hơn 3 năm trước, trong và sau khi cổ phần hóa, Công đoàn Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại rút ra một số kinh nghiệm hoạt động trong Công ty cổ phần như sau:

Một là: Công tác tuyên truyền giáo dục phải đi trước một bước và là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Công đoàn các cấp. Tuyền truyền giáo dục tốt sẽ giúp cán bộ, đoàn viên, NLĐ hiểu rõ vấn đề, xác định đúng quyền và trách nhiệm, tự giác thực hiện, nhân diện cái tốt và giảm thiểu cái xấu. Trong điều kiện cần thiết có khả năng tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Hai là: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn theo hướng thiết thực với sản xuất và đáp ứng tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Hệ thống Quy chế, Quy định, Chương trình, Kế hoạch công tác và các tiêu chuẩn thi đua của Công đoàn phải được sửa đổi bổ sung phù hợp với điều kiện mới; Việc tổ chức họp, sinh hoạt phải đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp tránh rườm rà, lãng phí thời gian. 

Ba là: Cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn chủ chốt phải tâm huyết, nắm vững chế độ chính sách và nghiệp vụ hoạt động, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng tổ chức và vận động quần chúng thực hiện; có uy tín và phương pháp làm việc với cán bộ chuyên môn.

Bốn là: Mọi hoạt động của Công đoàn phải xuất phát từ thực tế, nhằm thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của NLĐ.

Năm là: Trong từng bước đi, từng nội dung hoạt động mới, ngoài việc tổ chức trao đổi thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành, cần tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng uỷ cơ sở và sự quan tâm tạo điều kiện của Công đoàn cấp trên. Thường xuyên đảm bảo thông tin hai chiều từ trên xuống, từ dưới lên đối với các cấp Công đoàn.

Tuy đã đạt được một số thành quả bước đầu, nhưng thời gian hoạt động trong điều kiện Công ty cổ phần  chưa nhiều. Vì vậy, để đạt được những mục tiêu cơ bản giai đoạn 2009- 2012 đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty năm 2008 thông qua là: Sản xuất điện ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng/ người/tháng vào năm 2009 lên 7.100.000 đồng/người/tháng vào năm 2012 trước những biến động khôn lường của thị trường và nền kinh tế xã hội nước ta. Công đoàn Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để thực hiện mục tiêu cuối cùng là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngành Điện Việt Nam nói riêng và giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.

Theo Bản tin CĐT6/2008