Sự kiện

Thiếu điện nhưng chưa biết khai thác điện gió

Thứ năm, 24/7/2008 | 10:29 GMT+7
Hiện có rất nhiều công ty nước ngoài vào tìm hiểu thị trường điện gió ở nước ta, chỉ riêng Ninh Thuận đã có 8 công ty, Bình Thuận có 6 công ty...
 

Điện gió ở California, Mỹ.

Điện gió có thể góp thêm cho ngành điện 12% tổng lượng điện tiêu thụ. Hàng chục công ty đã đầu tư vào điện gió ở VN nhưng tất cả đều đang... tắc!

Hai vùng giàu tiềm năng

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá so với một số nước trong vùng Đông Nam Á, tiềm năng gió của VN rất khả quan. Ở độ cao 65 m, tiềm năng điện gió của VN là 513.360 MW, so với Nhà máy Thủy điện Sơn La, có công suất 2.400 MW, con số này gấp hơn 200 lần. Cũng theo WB, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100 m phía Tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Theo GS-TS Lê Danh Liên, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh ở Tây Nguyên và ven biển đồng bằng sông Cửu Long... cũng là những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió.

Với tiềm năng như trên, PGS-TS Nguyễn Bội Khuê, chuyên gia nghiên cứu về điện gió, khẳng định: “Theo kế hoạch phát triển điện gió của thế giới, đến năm 2020 năng lượng gió sẽ chiếm 12% tổng lượng điện tiêu thụ. Ở VN điều này hoàn toàn có thể thực hiện được”. Ông tính toán, để đạt được tỉ lệ 12%, VN cần đầu tư khoảng 82,317 tỉ đồng, chỉ gần gấp đôi so với tổng kinh phí đầu tư cho Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Giá điện gió quá thấp, ai chịu đầu tư!

Các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy tiềm năng này từ lâu. Từ năm 2004, nhà máy điện gió đặt tại huyện đảo Bạch Long Vĩ – TP Hải Phòng đã đi vào hoạt động với công suất 800 KW. Tuy nhiên, từ năm 2007, sau khi các chuyên gia nước ngoài về nước thì nhà máy này cũng ngừng hoạt động.

Và hiện nay, rất nhiều dự án đang gặp trở ngại. Đơn cử như Nhà máy Điện gió Phương Mai ở phía Bắc bán đảo Phương Mai, khu vực ranh giới giữa hai huyện Phù Cát và Tuy Phước, tỉnh Bình Định, được đầu tư nghiên cứu và đặt trạm khảo sát gió từ năm 1998 đến nay nhưng vẫn chưa đi vào khai thác, trong đó có lý do về thủ tục đầu tư và cấp phép chưa hoàn tất. Dự án Nhà máy Điện gió Tu Bông – Khánh Hòa 1 đặt gần chân đèo Cả, thuộc khu vực Tu Bông, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cũng gặp nhiều vướng mắc. Vào tháng 9-1997, dự án được Chính phủ phê duyệt nhưng vấp phải nhiều khó khăn, trong đó có việc EVN không đồng ý mua điện với giá 0,05 USD/KWh, mà chỉ đồng ý mua với giá 0,04 USD/KWh.

Theo PGS-TS Nguyễn Bội Khuê, hiện nay có rất nhiều công ty nước ngoài vào tìm hiểu thị trường điện gió ở nước ta, chỉ riêng Ninh Thuận đã có 8 công ty, Bình Thuận có 6 công ty... nhưng đến nay hầu hết chưa có dấu hiệu khả quan nào. PGS-TS Nguyễn Bội Khuê nhận định nguyên nhân lớn nhất khiến các nhà máy điện gió ở VN chưa ra đời là do giá điện gió 0,04 USD/KWh EVN chấp nhận mua là quá thấp, trong khi giá ở Đan Mạch là 8 xu euro/KWh, ở Đức là 9 xu euro/KWh (gấp 3 lần) khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn. Thêm nữa, các số liệu thông tin về tốc độ gió, năng lượng gió của ta chưa chuẩn xác, theo số liệu của khí tượng thủy văn chỉ có 2-3 m/giây, trong khi số liệu của WB khảo sát lớn hơn nhiều, có nơi lên tới 10 m/giây như ở đảo Phú Quý, Côn Đảo... Ngoài ra, ta chưa đánh giá đúng tiềm năng năng lượng gió ở VN, cụ thể trong kế hoạch phát triển năng lượng chưa hề đề cập tới năng lượng gió. Một nguyên nhân quan trọng khác là chúng ta chưa có trường đào tạo nhân lực về điện gió nên rất thiếu cán bộ am hiểu về lĩnh vực này.

EVN dự báo, đến năm 2020, nhu cầu điện của VN sẽ vào khoảng 200.000 GWh, khả năng từ các nguồn điện truyền thống chỉ đạt mức 165.000 GWh. Tỉ lệ thiếu hụt điện có thể lên tới 20% - 30% mỗi năm. Việc đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, là điều cần phải làm.

Ông Ing. Peter L. A. Henigin, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Tái tạo Altus - Đức: Đầu tư điện gió mau thu hồi vốn

Hiện nay, với một địa điểm có gió tốt như ở VN, giá thành sẽ là 6-8 xu euro/KWh cho điện gió. So với điện mặt trời, kinh phí đầu tư cho điện gió rẻ hơn nhiều vì giá thành nguyên vật liệu để sản xuất điện mặt trời khá đắt. Đối với thủy điện, phải mất đến 50 năm mới thu hồi vốn thì điện gió chỉ cần 20 năm. Trong các loại năng lượng tái tạo hiện có trên thế giới thì năng lượng gió có giá thành rẻ nhất. Hiện nay, nhu cầu này mỗi năm tăng lên 20%, như vậy sau 5 năm, nhu cầu này sẽ tăng gấp đôi. Đây là một thị trường hấp dẫn. Công ty chúng tôi hiện đang thiết kế một công viên gió với công suất 120 KW ở miền Trung VN. Nếu mọi việc thuận lợi thì trong vòng 1-2 năm nữa công viên gió này sẽ đi vào hoạt động.

Theo Người Lao động