Sự kiện

Công đoàn Điện lực Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ hai, 30/6/2008 | 10:31 GMT+7

Nhìn lại thời gian qua, nhất là 5 năm gần đây, CBCNVC – đoàn viên công đoàn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự hào với thành quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với mức tăng trưởng bình quân từ 13,4% đến 15,1% năm, đạt và vượt mức kế hoạch Nhà nước giao hàng năm với tổng sản lượng điện thương phẩm của 5 năm (2003 – 2007) là 229,3 tỷ kWh. Tổng vốn đầu tư cho phát triển là 127.725 tỷ đồng.

Hoạt động SXKD có lãi với tổng lợi nhuận đạt 12.639 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 13.339 tỷ đồng. Tỷ lệ tổn thất điện giảm từ 12,7% năm 2003 xuống mức 10,5% năm 2007. Công tác điện nông thôn và miền núi luôn được quan tâm, từ năm 2003 đến 31/12/2007, số xã có điện đã tăng từ 92,9% lên 96,91%; số hộ dân nông thôn có điện sử dụng đã tăng từ 83,3% lên 93,38%; số xã có giá bán điện cao hơn giá trần do Chính phủ quy định giảm từ 2,4% xuống còn 0,7%. Năm 2004 chế tạo thành công MBA 220 KV – 125 MVA đưa vào vận hành an toàn. Năm 2007 sửa chữa thành công các MBA 500 KV của Công ty Thuỷ điện Ialy bị hư hỏng do sự cố sau thời gian vận hành dài. Công tác kinh doanh viễn thông công cộng không ngừng phát triển với mức tăng trưởng rõ rệt năm 2007 nâng tổng số khách hàng đạt mức 2,45 triệu, tổng doanh thu năm 2007 đạt 2.688 tỷ đồng, vùng phủ sóng viễn thông điện lực được mở rộng và chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện. Công tác cổ phần hoá trong Tập đoàn đã thực hiện được 30 đơn vị. Điều kiện làm việc và sức khoẻ của người lao động (NLĐ) được quan tâm đúng mức. Thu nhập và đời sống của CBCNVC trong Tập đoàn ổn định và từng bước được cải thiện. Công tác xã hội từ thiện của các đơn vị và của Tập đoàn được các địa phương và Chính phủ đánh giá cao. Những thành tích đã đạt được khẳng định năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của tập thể CB,CNVC thời gian qua dưới sự điều hành, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo chuyên môn các cấp. Thành tích đó đồng thời cũng khẳng định hiệu quả công tác phối hợp hoạt động của các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) với lãnh đạo chuyên môn đồng cấp trong việc tổ chức phong trào CNVC tại các đơn vị. Nhiều phong trào thi đua ngành nghề, thi đua liên kết, thi đua mũi nhọn như phong trào thi đua “Ca vận hành an toàn – kinh tế” trong nhà máy điện, “TBA và ĐZ kiểu mẫu” trong các Công ty Truyền tải điện và các Công ty Điện lực... do Công đoàn ĐLVN khởi xướng và phối hợp với Tập đoàn chỉ đạo tổ chức thực hiện đã được duy trì trong những năm qua và đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giảm suất sự cố, đảm bảo ổn định vận hành và cung cấp điện; giảm tỷ lệ điện tự dùng và suất tiêu hao nhiên liệu cho sản xuất điện; giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối điện. Phong trào thi đua đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc và tạo điều kiện để NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của mỗi công ty, đơn vị và của Tập đoàn.Thực tế hoạt động của các cấp Công đoàn ĐLVN đã cho thấy hoạt động công đoàn đã góp phần tích cực vào việc nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, ý thức chấp hành kỷ luật và nội quy lao động của NLĐ, động viên NLĐ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngăn ngừa và hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ đúng quy định của Nhà nước, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng mối quan hệ LĐ hài hoà, ổn định tại các đơn vị. Với thành tích đạt được, Công đoàn ĐLVN đã được Nhà nước tặng thưởng HCLĐ hạng Nhì, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Tổng Liên đoàn LĐVN tặng cờ thi đua xuất sắc nhiều năm liền. Đó là niềm cổ vũ động viên to lớn đối với đội ngũ cán bộ, đoàn viên và tổ chức Công đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, với những nội dung hoạt động và hiệu quả đạt được trong thời gian qua, bằng việc tích cực và chủ động phối hợp với Tập đoàn nâng cao hiệu quả phong trào công nhân viên chức, với nhiều biện pháp và hình thức thiết thực, phù hợp với đặc điểm ngành nghề để tổ chức và động viên đội ngũ NLĐ tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của Tập đoàn, nên có thể nói rằng Công đoàn ĐLVN đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của EVN.

Tình hình chung của đất nước và của EVN hiện nay và các năm tiếp theo sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động của Công đoàn ĐLVN trong nhiệm kỳ mới. Năm 2008 là năm thứ 2 Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước sẽ tác động đến tổ chức và hoạt động công đoàn, nhất là cơ cấu, thành phần và quan hệ lao động. Năm 2008 cũng là là năm bản lề có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) phát triển kinh tế – xã hội đất nước theo Nghị quyết ĐH lần thứ X của Đảng, đồng thời là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”, đòi hỏi tổ chức công đoàn tích cực phối hợp với các bên liên quan để đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống của CNVC - LĐ và đoàn viên công đoàn. Đặc biệt, năm 2008 là năm đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI) theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ với dự báo nhu cầu điện tăng ở mức 17% năm ở phương án cơ sở, 20% năm ở phương án cao trong giai đoạn 2006 – 2015, trong đó Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn ĐLVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 163/2007/QĐ-TTg ngày 22/10/2007, Tập đoàn phải tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản lý theo hướng đa sở hữu, đa dạng hóa lĩnh vực SXKD và xây dựng chiến lược phát triển đến năn 2015, định hướng đến năm 2025. Đây thật sự là thách thức to lớn đối với EVN do nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn cho xây dựng nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VI là rất lớn trong khi giá điện chậm được điều chỉnh, nguồn cung cấp than khó khăn, số lượng dự án lớn và tiến độ đòi hỏi rất khẩn trương. Vấn đề huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất khó khăn, trong khi để thực hiện hiện vụ được giao theo Quy hoạch điện VI, EVN cần tới số vốn dự kiến khoảng 780.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay còn thiếu khoảng 480.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, việc nhận thức đầy đủ và rõ ràng khó khăn thách thức là rất cần thiết, để từ đó có các giải pháp phù hợp, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát huy thành tích đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là thành tích vượt qua khó khăn thách thức và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ KH năm 2007, nêu cao ý thức trách nhiệm, Tập đoàn ĐLVN đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ KH hàng năm theo từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ sau đây:

 * Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện đang xây dựng, nhất là các dự án đưa vào vận hành năm 2008; Tập trung nguồn lực chuẩn bị đầu tư và triển khai các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư; Đáp ứng cơ bản nhu cầu điện năng cho phát triển KT - XH với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm từ 15-16% trở lên, đảm bảo điện cho SX, triệt để tiết kiệm điện; SXKD có lãi, cân đối tài chính lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn, thực hành tiết kiệm.

* Nâng cao hiệu quả quản lý; Tiếp tục triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị trong Tập đoàn; Hoàn thiện cơ chế quản lý và phân cấp hoạt động trong Tập đoàn; Tiếp tục thực hiện CPH các doanh nghiệp theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt trên nguyên tắc tiến hành chặt chẽ, có bước đi thích hợp; Tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực theo hai hướng đào tạo đại trà và chuyên sâu, tập trung vào việc bồi dưỡng các kỹ năng quản trị cho cán bộ quản lý các cấp và trình độ chuyên môn sâu cho các cán bộ kỹ thuật.

* Đảm bảo huy động đủ vốn cho đầu tư; Tiếp tục phát triển kinh doanh đa ngành trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư; Đẩy mạnh kinh doanh viễn thông công cộng, Internet; Tiếp tục phát triển năng lực cơ khí chế tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các công ty cơ khí điện lực.

* Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí và Luật phòng, chống tham nhũng; Từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc thù của Tập đoàn Điện lực Quốc gia VN; Xây dựng thương hiệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam.* Tiếp tục nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên.

Trong điều kiện đó, lãnh đạo EVN mong muốn hoạt động Công đoàn ĐLVN trong nhiệm kỳ mới có bước chuyển biến mạnh mẽ, kế thừa và phát huy hiệu quả hoạt động trong những năm qua, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, phối hợp có hiệu quả với chuyên môn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của Tập đoàn, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực; Đồng thời, chỉ đạo Công đoàn các Công ty, cơ sở trực thuộc chủ động phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức đại hội CNVC, hội nghị NLĐ theo nghị định của Chính phủ đảm bảo chất lượng nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp và trí tuệ của đội ngũ NLĐ, đề xuất được nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD của đơn vị, đảm bảo AT – VSLĐ, tăng thu nhập cho NLĐ và tạo điều kiện để NLĐ gắn bó với doanh nghiệp; Đó chính là mục đích thiết thực của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với mỗi loại hình doanh nghiệp.

Cùng với đó, từ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn ĐLVN cần đề ra những biện pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế và yếu kém đó và để hoàn thành các chỉ tiêu đã được biểu quyết thông qua tại đại hội này. Đồng thời, cần bám sát các chỉ tiêu kế hoạch SXKD, ĐTXD hàng năm của Tập đoàn, nhất là chỉ tiêu về tổn thất điện năng hàng năm (năm 2010 còn 8%), các chỉ tiêu về tăng NSLĐ, tăng giá bán điện bình quân, tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, kinh doanh viễn thông công cộng hàng năm của Tập đoàn để từ đó đề ra nội dung và hình thức thích hợp trong việc tham gia với chuyên môn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và của EVN, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Bài của ông Phạm Lê Thanh- TGĐ EVN 

Theo Bản tin CĐ T6/08