Sự kiện

Điện về góp phần phát triển cộng đồng người Rục

Thứ sáu, 27/6/2008 | 09:45 GMT+7

Tại thung lũng sâu thẳm giữa dãy Trường Sơn thuộc phía tây xã Thượng Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, từ bao đời nay tộc người Rục sinh sống ở đây. Nơi ở của họ là những túp lều tạm bợ hoặc các hang núi, vách đá, sống bằng nương rẫy, săn bắt và hái lượm. Một thời gian dài chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đã dày công trực tiếp vận động, thuyết phục, giúp đỡ họ lương thực, thực phẩm, áo quần, chăn màn, dựng nhà ở để ổn định cuộc sống cho họ, nhưng do tập tục quá lâu đời ăn sâu với cuộc sống du canh, du cư nên chỉ được một thời gian phần lớn người dân lại lẫn vào rừng tìm cuộc sống riêng của họ.

 

TBA cấp điện bản Mù U, xã Thượng Hoá

Năm 2004-2005 huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư cho mỗi hộ dân một nhà xây, mái ngói để thuyết phục, vận động đồng bào Rục nơi đây định cư làm nương rẫy, ổn định cuộc sống. Cũng từ thời gian này, ngành điện đã đầu tư xây dựng lưới điện 22 kV từ xuất tuyến 473 trung gian Quy Đạt đến bản cuối Mù U với chiều dài trên 32 km, 05 trạm biến áp 22/0,4 kV, dung lượng mỗi trạm 50 kVA và hàng chục tuyến lưới điện hạ thế, 177 công tơ, cáp điện, bóng đèn lắp vào trong từng nhà cho 177 hộ thuộc 04 bản dân tộc Rục gồm: Bản Phú Minh 24 hộ, bản Yên Hợp 39 hộ, bản Ón 57 hộ và bản Mù U 57 hộ.

Từ khi có nhà, có điện với gần 800 người Rục nơi đây đã ổn định cuộc sống với sự tài trợ chính hàng tháng về lương thực, thực phẩm, áo quần, chăn màn của chính quyền địa phương. Trò chuyện với trưởng bản Mù U Cao Văn Đàn ông cho biết: “Toàn bộ người Rục mình sống trong 4 bản đều mang hai họ chính là họ Hồ và họ Cao. Trước đây dân mình chỉ có một số ít định cư trong những ngôi nhà lá vách nứa, phần lớn sống trong các hang núi hoặc trong các túp lều tạm, năm sau lại chuyển đi nơi khác nhưng vẫn ở quanh cái thung lũng này. Từ khi Đảng và Nhà nước cho nhà ở kiên cố, cho điện sáng, cung cấp cho lương thực, thực phẩm, chăn màn, áo quần, thuốc chữa bệnh và đặc biệt con em được đến trường học chữ; mặt khác nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của bộ đội Biên phòng, của cán bộ xã, cán bộ huyện, đồng bào Rục đã biết trồng lúa rẫy, trồng ngô, khoai, sắn và đặc biệt là chăn nuôi được hàng ngàn trâu, bò, lợn và gia súc”…. Suy nghĩ một lát ông cười thoải mái và tâm sự: “Mình kể để cán bộ biết, khi mới có điện dân mình không dám nhìn bóng điện, nó quá sáng, chói cả con mắt, vì dân mình từ bao đời nay họ chỉ quen ánh lửa và đèn dầu. Cán bộ xem đấy, từ khi có nhà để ở, có điện thắp sáng, cuộc sống đồng bào dần được ổn định.”. Khi đoàn chúng tôi vào thăm nhà Trưởng bản Mù U Cao Văn Đàn, thấy ông Trưởng bản còn quá trẻ, mới chỉ trên 30 tuổi nhưng trong nhà ông có trên chục trẻ nhỏ đang say sưa xem ti vi, quá ngạc nhiên tôi hỏi: “Con anh cả đấy ạ?”. Ông nở nụ cười hồn nhiên: “Không, mình năm nay 34 tuổi mới chỉ có 4 con thôi, số còn lại là con hàng xóm đến xem ti vi đó!”. “Thế trên 57 hộ dân bản ta và các bản người Rục ở đây có nhiều ti vi không ạ?” Ông trầm tư: “Dân mình đâu có tiền mua ti vi… Chỉ có mấy nhà Trưởng bản và gia đình chính sách được huyện và xã cấp cho cả đó!”. Tôi hỏi điện thắp sáng như gia đình mỗi tháng dùng bao nhiêu kWh và trả bao nhiêu tiền, ông cho biết: “Dân tộc Rục ở đây cả 4 bản gồm 177 hộ nhưng từ khi được dùng điện đến nay không ai biết dùng bao nhiêu điện và trả bao nhiêu tiền, vì bà con mình không phải trả tiền, nhưng có đòi tiền thì dân mình cũng biết lấy tiền đây để trả?”…

 

Lưới điện và những ngôi nhà của đồng bào người Rục

Chia tay Trưởng bản Mù U, đoàn chúng tôi xuyên rừng vượt đèo dốc quanh co trên 20 km mới về đến trụ sở UBND xã. Rất may chúng tôi gặp được Chủ tịch xã Thượng Hoá Cao Xuân Tạo, ông cho biết: “Theo chủ trương của huyện, của tỉnh, tiền điện ở các gia đình đồng bào Rục thì tỉnh cấp kinh phí chuyển cho Ban dân tộc - tôn giáo tỉnh; Ban dân tộc - tôn giáo tỉnh trực tiếp trả cho ngành điện, hoặc Ban chuyển về cho xã để xã trực tiếp trả cho ngành điện. Từ khi có điện đến nay các bản Rục thuộc xã đang còn nợ Chi nhánh điện Tuyên Minh gần 70 triệu đồng nhưng vẫn chưa có kinh phí để thanh toán”... Ông nói tiếp: “Theo tôi nghĩ, bà con dân tộc Rục nơi đây xây nhà, chu cấp sinh hoạt cho họ, họ mới tạm yên tâm định cư, nên giả sử vì không thanh toán mà cắt điện của họ hoặc buộc họ thanh toán thì hiện nay không một gia đình nào có tiền để chi trả.”. Chia tay xã Thượng Hoá tôi về xuôi. Những suy nghĩ cứ lởn vởn trong đầu… Nếu chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa thì đồng bào Rục các bản thuộc xã Thượng Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình nhanh chóng hồi sinh và phát triển theo nhịp sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Theo: PC3