Sự kiện

Vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn Hà Nội còn nhiều phức tạp

Thứ năm, 26/6/2008 | 11:24 GMT+7

Theo báo cáo của Thanh tra Điện lực Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng ngàn trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) với nhiều hình thức, ở nhiều cấp điện áp khác nhau. Phổ biến nhất là các vi phạm về xây dựng nhà cửa, các công trình trong hành lang bảo vệ mà không tuân thủ khoảng cách an toàn lưới điện, sử dụng mái nhà làm bằng vật liệu dễ cháy, không đóng dây tiếp đất, thậm chí phơi quần áo ngay trên đường dây điện, hoặc gần cột điện cao áp. Nhiều trường hợp, mặc dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm có thể xảy ra nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí có trường hợp đã bị xử lý nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm.

Vi phạm gây cháy nổ: Còn diễn biến phức tạp

Nguy hiểm nhất vẫn là những khu nhà dân nằm xem lẫn với đường dây điện trung áp cạnh những bó dây điện lằng nhằng mà nếu chỉ cần một dây bị chập cháy là tai họa khôn lường. Ngoài ra, những vụ vi phạm bất ngờ gây nên sự cố điện còn do tình trạng bắn pháo giấy trang kim, thả diều, bắn súng cao su vào đường dây, đào đường vào cáp, ô tô cần cẩu va vào đường dây … dẫn đến chập cháy nổ gây mất điện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cung cấp điện của thủ đô. Trong đó, nguy hiểm nhất là việc bắn pháo giấy vào dịp Tết hoặc mùa cưới. Loại pháo giấy này có nhiều giấy trang kim được tráng lớp thiếc mỏng là chất dẫn điện, trong pháp giấy còn nhồi nhét rất nhiều sợi kim tuyến hoặc sợi kim loại dài gây ra chập điện, cháy nổ đường dây truyền tải điện, trạm biến áp. Những vụ cháy nổ kiểu này thường làm mất điện trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân và sản xuất của các doanh nghiệp. Đường dây 110kV khu vực Đông Anh – Sóc Sơn đã có lần bị trẻ con dùng súng cao su bắn vào gây vỡ sứ, làm mất điện trong 2 giờ, ngành điện bị thiệt hại 176.400 kWh, đó là chưa kể những thiệt hại của các hộ dân và sản xuất của các doanh nghiệp do mất điện. Tính đến nay toàn thành phố đã có hàng nghìn vụ vi phạm, làm thiệt hại cho ngành điện trên chụ triệu kWh. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Điện lực Hà Nội và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương nên tình hình vi phạm đã giảm nhiều. Năm 2004, pháo giấy đã gây nên 40 vụ chập điện, trong đó vụ chập ở phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, đã làm hỏng thiết bị dẫn tới hậu quả 50 trạm trong hệ thống bị mất điện. Năm 2005, Hà Nội còn 32 vụ (giảm 8 vụ). Sang năm 2006, chỉ còn 6 vụ (giảm 26 vụ). Năm 2007 không xảy ra sự cố nào mất an toàn lưới điện do sử dụng pháo giấy bất cẩn gây ra.

Vi phạm hàng lang: Khó giải quyết

 

Một ngôi nhà được xây dựng sát đường điện

Từ khi Nghị định 54/1999 được ban hành có bổ sung thêm quy định về hành lang lưới điện 500kV cho phép nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang lưới điện  cao áp nếu đảm bảo được các điều kiện về an toàn thì việc xây dựng mới lưới điện cao áp đã thuận lợi hơn. Nhiều vướng mắc được tháo gỡ, nhân dân tiết kiệm được quỹ đất đai, hạn chế việc chặt cây, phát quang tuyến. Nhà điện giảm chi phí đền bù di dời, tái định cư, góp phần gìn giữ môi trường cây xanh. Mặc dù vậy, tình hình vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp (ATHLLĐCA). Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ dân tự cơi nới, xây nhà trong hành lang lưới điện cao áp. Một số cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang lưới điện cao áp nhưng không thỏa thuận với đơn vị quản lý điện. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, nhiều dạng khác nhau và rất phức tạp. Nhiều công trình giao thông, cầu đường khi mở rộng đã làm giảm khoảng cách an toàn từ dây điện đến mặt đất, là nguyên nhân gây tai nạn cho người và phương tiện giao thông, gây mất điện khu vực rộng lớn. Để khắc phục, ngành điện phải phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra phát hiện những hộ vi phạm để kịp thời giải quyết. Những hộ mới vi phạm do khởi công đào móng nhà, cải tạo nhà vi phạm vào hành lang an toàn lưới điện cao áp thì được giải thích, ngăn chặn kịp thời. Những trường hợp vi phạm do bất khả kháng hoặc do lịch sử để lại thì được hướng dẫn, điều đình và đền bù hợp lý. Khó khăn là ở chỗ có nhiều trường hợp do vướng cơ chế nên khi xảy ra tranh chấp không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Phía Điện lực thì hồ sơ, tài liệu xây dựng các tuyến đường dây bị thất lạc hoặc không được lưu trữ đầy đủ. Phía người dân khi xây dựng nhà ở cũng không có giấy phép xây dựng … dẫn đến khiếu kiện tranh chấp, nhưng không có cơ sở pháp lý để giải quyết, dẫn đến tồn đọng. Có lần giải phóng hành lang an toàn lưới điện ở xã Kim Sơn (Gia Lâm), Điện lực Gia Lâm đã gặp trường hợp gia đình ông Nguyễn Đức Lăng thuộc diện vi phạm ATHLLĐCA vì trồng rặng tre dài 50m nằm dưới đường điện. Tuy nhiên, đây là đất đã được cấp sổ đỏ nên ông Lăng đòi đền bù 20 triệu đồng để phá rặng tre xây tường bao. Vấn đề là ngành điện không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để làm thủ tục đền bù. Cuối cùng phải nhờ chính quyền xã tham gia giải quyết thấu tình đạt lý.

Quan trọng nhất là tuyên truyền giáo dục

Để làm tốt công tác an toàn lưới điện , đại diện thanh tra điện lực Hà Nội cho rằng, biện pháp tốt nhất là sử dụng các biện pháp tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ ATHLLĐCA, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Phối hợp với địa phương ngăn chặn việc cấp đất, cấp phép xây dựng, cải tạo các công trình, nhà ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Được biết, thời gian qua Điện lực Hà Nội đã cải tạo lưới điện, hạ ngầm một số tuyến đường dây để giải phóng hàng lang, chủ động đưa nhiều hộ dân ra khỏi tình trạng vi phạm ATHLLĐCA. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có sự phối hợp tốt giữa ngành điện với địa phương thì nơi đó công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thực hiện tốt, làm giảm tai nạn điện trong nhân dân. Các Điện lực cần củng cố hồ sơ quản lý kỹ thuật các công trình điện, trong đó có các hồ sơ liên quan đến phê duyệt mặt bằng tuyến đường dây cao áp, vị trí biến áp và hồ sơ đền bù giải pháp mặt bằng. Tổ chức tập huấn kỹ cho lực lượng chuyên môn làm công tác quản lý hành lang lưới điện áp hiểu đúng và cận dụng tốt các văn bản pháp luật liên quan trong việc bản bảo an toàn lưới điện.                                                

Theo Tchí Đ&ĐS T5/08