Sự kiện

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cần tập trung giải quyết vướng mắc

Thứ sáu, 6/6/2008 | 09:35 GMT+7

Để xây dựng các công trình điện, ngoài các vấn đề về kỹ thuật, vốn, thi công... thì công tác đền bù không thể xem nhẹ. Một số dự án, mặc dầu có vốn đầu tư nhiều tỉ đồng, nhưng do chưa làm tốt công tác đền bù nên thi công bị đình trệ, hàng trăm công nhân phải nghỉ chờ việc, gây lãng phí thời gian, tiền của, nhân công…

 

Trong xây dựng các công trình điện, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư luôn là công tác gặp nhiều khó khăn

Đền bù GPMB vốn đã khó khăn, phức tạp, nhất là đối với ngành Điện, công tác này lại càng khó khăn hơn. Hầu như, chỉ có các công trình nguồn điện, trạm biến áp khi triển khai xây dựng mới tiến hành đền bù giải tỏa trên một diện tích rộng. Còn lại đối với các công trình lưới điện, hầu hết chỉ đền bù đất chiếm vĩnh viễn để xây dựng móng trụ điện và đền bù tài sản có trên đất đó. Cái khó ở chỗ: Nếu đền bù giải tỏa hết thì người bị thiệt hại có cơ hội được đền bù thỏa đáng, có nhiều khoản hỗ trợ do phải di dời nhà, có đất để tái định cư, được chuyển đổi nghề nghiệp và cải thiện cuộc sống, sinh hoạt. Còn đền bù móng trụ điện lại khác hẳn. Móng trụ điện rất nhiều, kích thước mỗi móng trụ không lớn và nằm rải rác. Nhiều trường hợp móng trụ nằm trên đất khuôn viên, đất ở, chỉ được đền bù đất và tài sản tại vị trí móng trụ điện, giá trị đền bù không lớn, nhưng thực tế vị trí đó ảnh hưởng không nhỏ đến cả khu đất. Phức tạp nhất là khi đường dây cắt qua các lô đất ở có giá trị lớn (đất không thu hồi nhưng hạn chế khả năng sử dụng hoặc làm thay đổi mục đích sử dụng đất), chủ hộ không được làm nhà trên lô đất đó, đất bán không ai dám mua, người dân thiệt thòi nhiều. Đến khi Nghị định 197/2004/NĐCP ngày 03/12/2004 của Chính phủ ra đời, trường hợp này mới được hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thường không tương xứng với thực tế bị thiệt hại. Mục 2, điều 48 quy định: “Kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án”. Quy định này phù hợp với những dự án có giá trị bồi thường lớn. Còn những dự án có giá trị bồi thường nhỏ (trong khi những vướng mắc trong việc triển khai những dự án này không phải ít) thì kinh phí trên không đủ để thực hiện.

Ngày 25/5/2007, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 84/2007/NĐ-CP về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư), song trình tự thực hiện quy định quá chi tiết, phải triển khai 13 bước. Nếu thực hiện đúng trình tự tổng thời gian sẽ kéo dài trong khi các dự án điện từ khi giao nhiệm vụ đến khi thi công hoàn thành đưa vào vận hành thời gian không dài. Nghị định này cũng quy định tất cả các dự án khi triển khai đều phải thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong khi các Nghị định trước đây thoáng hơn, vận dụng hiệu quả hơn khi cho phép các tổ chức, chủ dự án được tự thoả thuận với người bị thu hồi đất về mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định thì thực hiện theo thoả thuận đó, Nhà nước không tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ. 

Từ thực tế thời gian và trình tự thủ tục đền bù GPMB bị kéo dài đã nảy sinh những tồn tại khác. Cụ thể, đơn giá đền bù do UBND cấp tỉnh ban hành phải qua nhiều cấp, do vậy không theo kịp thị trường và chậm được sửa đổi. Việc triển khai đền bù quy định phải thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư . Hội đồng thì đông, hầu hết lại kiêm nhiệm do vậy số người thực sự làm việc không nhiều. Một số cán bộ của Hội đồng ngại va chạm khi tiếp xúc với người dân, khả năng vận động, thuyết phục còn hạn chế, những vướng mắc chậm được giải quyết, do vậy thời gian thực hiện đền bù GPMB kéo dài.

Đặc biệt là đối với lưới điện tại các thành phố, thị xã, người dân không mấy quan tâm đến việc cải tạo vì hiện tại họ đã có điện dùng. Ở những nơi này “tấc đất tấc vàng”, do vậy việc đền bù không hề đơn giản. Không ít trường hợp cột điện chôn trên vỉa hè nhưng người dân vẫn cố tình ngăn cản một cách quyết liệt với lý do: Cột điện chôn trước mặt nhà, ảnh hưởng đến mỹ quan, kinh doanh, phong thuỷ… Đó là chưa kể đến địa bàn thi công ở đô thị chật hẹp, việc đào móng trụ, cáp điện ngầm vướng cáp điện thoại, cáp quang, ống dẫn nước, thoát nước; Việc thi công vướng quy hoạch treo phải chờ đợi thời gian dài.

Riêng việc thực hiện đền bù  ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ, nhận thức của người dân cho nên việc triển khai tưởng dễ mà lại khó. Có những hộ bị thiệt hại ít cây ăn quả nhỏ nhưng cứ khăng khăng đòi được đền bù bằng cây có giá cao nhất. Lập luận của họ là cây nhỏ sau sẽ lớn, tương tự như khi bị thiệt hại một con gà mái thì bắt bồi thường hàng chục con (gà đẻ ra nhiều trứng, trứng nở ra nhiều gà con, gà con lớn lên…). Những trường hợp này phải dựa vào già làng, trưởng bản, những người có uy tín tại buôn làng tác động thì vướng mắc may ra mới được giải quyết.

Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện có hiệu quả việc đền bù GPMB, trước hết công tác khảo sát thiết kế phải đặc biệt coi trọng. Đó là việc thiết kế dự án điện hạn chế cắt qua khu dân cư, chùa chiền, trường học, hạn chế ảnh hưởng đến mồ mả và đất ở. Trong những trường hợp đặc biệt, không nhất thiết đường dây phải đi theo một đường thẳng, có thể vòng một ít nhưng hiệu quả kinh tế và tính khả thi cao. Kế đến là phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, phải công bằng, dân chủ, công khai và minh bạch. Đơn giá đền bù do UBND cấp tỉnh ban hành phải theo sát thị trường, đảm bảo lợi ích cho người bị thiệt hại. Chủ đầu tư phải rốt ráo, quyết liệt và chủ động trong triển khai đền bù GPMB, không quá trông chờ, ỷ lại vào địa phương. Chủ đầu tư có chế tài để đơn vị thi công hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản khi kéo cột, dựng trụ, kéo dây…

Các chính sách ban hành cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho ngày càng phù hợp hơn, các cơ quan hữu quan cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc triển khai công tác đền bù GPMB để tạo thuận lợi cho các công trình điện sớm đưa vào vận hành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.  

Theo TCĐL số 4/2008