Sự kiện

Phát triển các trung tâm điện lực

Thứ hai, 2/6/2008 | 10:15 GMT+7

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện đang tập trung triển khai kế hoạch quy hoạch, phát triển các trung tâm điện lực (TTĐL) trên toàn quốc.

Phát triển các mô hình trung tâm điện lực giúp địa phương tránh được thiếu điện cục bộ

Việc phát triển các mô hình TTĐL là giải pháp căn cơ, một mặt giúp các địa phương, vùng miền tránh được tình trạng thiếu điện cục bộ; mặt khác phát huy được hiệu quả về kinh tế kỹ thuật cao so với nguồn điện phân tán.

Tập trung nguồn năng lượng

Theo EVN, đến nay Bộ Công Thương đã phê duyệt 7 TTĐL gồm Mông Dương, Nghi Sơn, Vĩnh Tân, Ô Môn, Trà Vinh, Sóc Trăng và Thái Bình. TTĐL Thái Bình gồm 2 dự án với  tổng công suất 1.800 MW.

Trong đó, dự án 600 MW sẽ thay thế dự án 300 MW của dự án điện Ninh Bình 2. EVN đang tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc đầu tư. TTĐL Sơn Mỹ (Bình Thuận) cũng bao gồm 2 dự án với tổng công suất 2.400 MW. Đây là TTĐL sử dụng nguyên liệu than thứ hai tại tỉnh Bình Thuận.

Theo Bộ Công Thương, việc chuẩn bị các địa điểm mới xây dựng các TTĐL chạy than đang được các nhà đầu tư rất quan tâm. Hiện tại việc quy hoạch các TTĐL chạy than phần lớn được tập trung vào khu vực miền Bắc, miền Trung. Riêng ở miền Nam, việc đầu tư các TTĐL sử dụng than có những khó khăn nhất định, nhất là trong khâu vận tải vì phải phụ thuộc vào nguồn than phía Bắc hoặc than nhập.

Mặc dù vậy, theo EVN việc lập quy hoạch các TTĐL đang được gấp rút triển khai. Ngoài 7 TTĐL đã được phê duyệt, EVN đang nghiên cứu bổ sung vào Tổng sơ đồ quy hoạch điện 6 một số TTĐL mới tại các tỉnh như Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá 2, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bình Thuận.

Dự kiến, việc quy hoạch này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008. Hiện Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các địa phương, đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn thực hiện đúng các quy định hiện hành liên quan tới việc hướng dẫn các nhà đầu tư các dự án điện. Tránh tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư các dự án chưa có trong quy hoạch được duyệt

Phát triển nguồn điện ở ĐBSCL

Suốt một thời gian dài, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn rơi vào tình trạng khan hiếm điện trầm trọng vì thiếu nguồn điện tại chỗ. Hiện tại, “cơn khát điện” tại vùng này dần được giải tỏa nhờ những nguồn điện mới đã và đang hình thành. 

Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau (gồm đường ống dẫn khí PM3 dài 325 km từ ngoài khơi có năng lực vận chuyển 2 tỷ m3 khí/năm; hai Nhà máy điện tổng công suất 1.500 MW và nhà máy đạm 800.000 tấn/năm) đang dần được hoàn thành và phát huy tác dụng. Hiện tại, cả hai nhà máy nhiệt điện Cà Mau đã hoàn thành và một đã vận hành và hòa vào lưới quốc gia, một còn lại đang chuẩn bị vận hành.

Ngoài Cà Mau, nhiều TTĐL khác cũng đang được hình thành tại khu vực ĐBSCL. Trung tâm Điện lực Ô Môn là một trong số đó. Trung tâm này gồm 4 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất 2.640 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 có công suất 600 MW dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện vào đầu năm 2009. Các nhà máy còn lại sẽ lần lượt đưa vào vận hành vào các năm 2011, 2013 và 2015.

Ngoài ra, một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than tổng công suất 600 MW cùng hệ thống kho bãi, bến cảng đáp ứng cho tàu 10.000 tấn ra vào cũng đang được triển khai. Tại Trà Vinh, một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 1.000 MW cũng đang được xem xét.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cũng đã khảo sát tại tỉnh Hậu Giang và đã có những thỏa thuận để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than với công suất khoảng 3.600 MW. Tại Kiên Giang, hai nhà máy điện than với tổng công suất 5.200 MW cũng đã được đưa vào danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010. 

Theo các chuyên gia, phần lớn các công trình nguồn điện mới cần triển khai trong Tổng sơ đồ 6 của cả nước sẽ là nhiệt điện chạy than. Theo tính toán, tổng số lượng than cần phải nhập khẩu đến năm 2015 (trên cơ sở Tổng sơ đồ quy hoạch điện 6) khoảng 49 triệu tấn và tăng lên gần 55 triệu tấn vào năm 2016. Để giải quyết vấn đề này, EVN dự kiến các nhà máy nhiệt điện than từ Vũng Áng 2 trở ra phía Bắc, sẽ sử dụng than nội địa, còn các nhà máy từ Vũng Áng 3 trở vào phía Nam sẽ sử dụng than nhập khẩu.  

Theo Tiền Phong