Sự kiện

Ðến Pháp thăm nhà máy điện hạt nhân

Thứ năm, 22/5/2008 | 10:13 GMT+7

Mùa xuân năm 2008 này tôi được tham gia một đoàn đại biểu sang Pháp trong một tuần lễ theo lời mời của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp để thăm nhà máy điện hạt nhân và Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ, đồng thời gặp gỡ một số công ty và cơ quan có liên quan đến ngành điện hạt nhân của Pháp.

Thăm nhà máyđiện hạt nhân Nô-gien.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước Pháp EDF-1 công suất 70MW bắt đầu hoạt động vào năm 1956, hai năm sau khi Liên Xô (cũ) xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obinsk công suất 5MW, khánh thành ngày 27-6-1954.

Những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước Pháp xây dựng trong hai thập kỷ 1950 và 1960 đều dùng loại lò phản ứng thế hệ thứ nhất kiểu GCR (gaz cooled reactor - lò phản ứng dùng khí làm lạnh). Loại lò này dùng nhiên liệu là urani tự nhiên (trong ấy nguyên tố phân hạch urani - 235 chỉ chiếm 0,7%, phần còn lại 99,3% là urani - 238 không phân hạch), dùng chất làm chậm nơ-tron là graphit và chất làm lạnh là khí CO2.

Ðến đầu những năm 1970, Pháp chuyển sang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ hai PWR (Pressrized Water Reactor - Lò phản ứng nước áp lực). Các lò phản ứng này sử dụng nhiên liệu là urani giàu 3 - 4% (tức là tỷ lệ nguyên tố phân hạch được đưa từ 0,7% lên 3 - 4%), dùng nước thường (H2O) làm chất làm chậm nơ-tron và làm lạnh. So với các nhà máy thế hệ thứ nhất (GCR), các nhà máy thế hệ thứ hai (PWR) cung cấp điện năng với giá rẻ hơn 20 - 30%, chiếm diện tích ít, thể tích gọn nhẹ hơn.

Hiện nay nước Pháp có 58 lò phản ứng PWR với tổng công suất điện 63.000 MW, phân chia như sau: 34 lò loại 900 MW, 20 lò loại 1.300MW, bốn lò loại 1.500 MW. Sản lượng điện hạt nhân hằng năm là 420 tỷ kWh, chiếm 78% toàn bộ sản lượng điện (538 tỷ kWh, bình quân theo đầu người là gần 8.000 kWh/người/năm, gấp hơn mười lần ở nước ta). Chính nhờ chính sách nhìn xa trông rộng, nhanh chóng và mạnh mẽ phát triển điện hạt nhân mà nước Pháp đã bảo đảm được an ninh và độc lập năng lượng, vượt qua các cuộc khủng hoảng dầu mỏ liên tiếp, không những thỏa mãn nhu cầu năng lượng của nước Pháp với giá rẻ nhất châu Âu, mà còn xuất khẩu điện năng thu về mỗi năm hơn 2,6 tỷ euro (bằng 3,9 tỷ USD).

Ngay ngày thứ hai sau khi đến nước Pháp, chúng tôi đã được đến thăm nhà máy điện hạt nhân Nô-gien trên bờ sông Xen. Nhà máy này nằm cách Pa-ri chừng 150 km về phía đông, có hai lò phản ứng PWR được đưa vào vận hành năm 1987 và 1988, công suất mỗi lò 1.300 MW, tổng cộng là 2.600 MW, gần gấp rưỡi Nhà máy thủy điện Hòa Bình của ta nhưng diện tích chỉ khoảng 100 ha, sản lượng điện hằng năm là 18 tỷ kWh, không những thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một vùng rộng lớn.

Mỗi lò phản ứng có một cái tháp làm lạnh tỏa ra làn hơi nước trắng xóa, bảo đảm cho nước làm lạnh lò lấy từ sông Xen, sau khi sử dụng trong lò nhiệt độ tăng lên lại được làm lạnh trước khi trở lại dòng sông, bảo đảm nước sông không nóng lên, không làm thay đổi môi trường sống của động, thực vật trong dòng sông.

Bên kia bờ sông là một khu bảo tồn thiên nhiên, những đàn vịt trời tung tăng bơi lội, chứng tỏ môi trường sống chung quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn rất trong lành.

Chúng tôi cũng đã được đến thăm Trung tâm cất giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và vừa ở tỉnh Aube, cách Paris chừng 350 km. Trung tâm này bắt đầu hoạt động từ năm 1992, chiếm diện tích 95 ha, có khả năng cất giữ một triệu mét khối chất thải và thời gian hoạt động dự tính là 50 năm. Trung tâm này cùng với Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ ở La Hague cạnh bờ biển Manche miền bắc nước Pháp và Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ Marcoule ở miền nam nước Pháp đều đặt dưới sự điều khiển của Cơ quan quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ.

Vấn đề xử lý chất thải phóng xạ là một vấn đề nhạy cảm được đông đảo công chúng và chính quyền hết sức quan tâm. Ngày 28-6-2006, Quốc hội Pháp đã biểu quyết thông qua đạo luật về quản lý chất thải phóng xạ, trong ấy nêu rõ phương hướng cất giữ các chất thải phóng xạ dài ngày trong các cấu tạo địa chất sâu trong lòng đất cũng như nghiên cứu các phương pháp biến đổi chất đồng vị phóng xạ dài ngày thành đồng vị phóng xạ ngắn ngày hay đồng vị bền không phóng xạ. Ðạo luật cũng quy định kinh phí cấp cho các nghiên cứu này.

Các bạn Pháp đã sắp xếp để chúng tôi đến thăm Tổng Công ty Ðiện lực Pháp (EDF), một trong những công ty điện lực hàng đầu thế giới đang hoạt động ở 23 nước với số nhân viên 156.500 người, thăm Tập đoàn AREVA, tập đoàn công nghiệp hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay, chịu trách nhiệm từ khâu thăm dò quặng phóng xạ đến chế biến, làm giàu urani, chế tạo thanh nhiên liệu, cung cấp lò phản ứng hạt nhân không những cho nước Pháp mà cho nhiều nước khác trên thế giới: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi, Phần Lan, v.v. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ các chuyên gia của Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân, được thấy sự tổ chức chặt chẽ và khoa học, bảo đảm trong mấy chục năm qua chưa hề để xảy ra một tai nạn hay sự cố nghiêm trọng trong ngành hạt nhân của nước Pháp.

Thời gian đến thăm nước Pháp lần này tuy ngắn ngủi, chỉ trong vòng một tuần lễ, nhưng đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc về nền công nghiệp hạt nhân hùng mạnh của nước Pháp cũng như về sự đón tiếp chu đáo đầy tình hữu nghị của các bạn Pháp.

Theo Nhân dân