Sự kiện

Thị trường hóa tiềm năng tiết kiệm năng lượng: Từ hỗ trợ tiến tới liên kết chia sẽ lợi nhuận từ tiết kiệm

Thứ ba, 27/5/2008 | 14:36 GMT+7

Hai năm sau khi “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng loạt dự án, đề án đã được đồng thời triển khai bằng những nguồn vốn khác nhau, bước đầu góp phần làm giảm mức độ thiếu hụt năng lượng của đất nước, đặc biệt là năng lượng điện…

Tại Diễn đàn chính sách an ninh năng lượng ASEM lần thứ nhất vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hữu Hào khẳng định, an ninh năng lượng đang là vấn đề nổi cộm của Việt Nam, không chỉ năm nay mà còn trong nhiều năm tới, thậm chí thiếu điện có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2020.        

Từ bỏ ngỏ tiềm năng…

Cũng tại Diễn đàn này, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng chính là một trong những giải pháp hiệu quả, nhanh nhất và ít tốn kém nhất, vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài để đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia.

Tại Việt Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã đặt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 3 - 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010, từ 5 - 8% trong giai đoạn 2011 - 2015. Chương trình đã đề ra 6 nhóm nội dung với 11 đề án nhằm biến tiềm năng tiết kiệm năng lượng dần trở thành hiện thực, đặc biệt là thông qua việc hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN thực hiện quản lý sử dụng năng lượng, khuyến khích sản xuất và sử dụng các máy móc, thiết bị tổn hao năng lượng thấp (xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng vào hoạt động thực tế cho 40% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được lựa chọn trong toàn quốc cho giai đoạn 2006 – 2010, 100% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cho giai đoạn 2011 - 2015 và mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng, ban hành 10 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho 10 chủng loại thiết bị được lựa chọn làm cơ sở cho việc dán nhãn công nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm đó; xây dựng và ban hành 05 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các sản phẩm mục tiêu theo danh mục lựa chọn (đèn huỳnh quang; chấn lưu dùng cho đèn huỳnh quang; quạt điện; động cơ điện; điều hoà nhiệt độ; tủ lạnh) trong giai đoạn 2006 - 2010 và 05 bộ tiêu chuẩn cho 05 chủng loại thiết bị được lựa chọn trong giai đoạn 2011 - 2013. Tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn đối thoại với các nhà sản xuất trong nước về các thiết bị tiết kiệm năng lượng; xác định yêu cầu cần thiết áp dụng vào thiết kế sản phẩm và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có hiệu suất cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường, theo sát các thay đổi cập nhật quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng; tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực phân tích kinh tế dự án cho một số doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ được lựa chọn), tính toán chi phí, lợi ích trong việc thiết kế phát triển sản phẩm mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác trong nước và nước ngoài, chi phí lắp đặt, cải tạo dây chuyền sản xuất và mục tiêu thời gian để thực hiện được các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng; áp dụng các biện pháp khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước chuyển đổi công nghệ theo hướng nâng cao hiệu suất năng lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động, áp dụng sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng…).

Những khảo sát gần đây cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các DN Việt Nam còn còn rất lớn, và gần như vẫn còn bỏ ngỏ. Ngân hàng thế giới (WB) khi quyết định tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ môi trường toàn cầu để thực hiện Chương trình tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (CEEP) dự đoán tiềm năng tiết kiệm năng lượng trung bình vào khoảng 10%, nhưng qua điều tra trực tiếp ở một số nhà máy và tòa nhà thương mại, các chuyên gia khẳng định khả năng tiết kiệm có thể đạt từ 25 – 30%, thậm chí nếu quản lý tốt thì có thể lên tới 50% ở một vài lĩnh vực; những khảo sát mới nhất của Trung tâm Tư vấn quốc gia về sáng kiến Hiệu quả năng lượng cho thấy khả năng tiết kiệm của ngành CN xi măng là 50%, CN gốm: 35%, phát điện than: 25%, dệt may: 30%, các tòa nhà thương mại: 25%, CN thép: 20%, nông nghiệp: 50%, chế biến thực phẩm: 20%; điều tra của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM: khả năng tiết kiệm điện của sản xuất gạch ngói là 10 – 30%, chế biến thủy sản: 10 – 25%, 10 – 30%, sản xuất nước đá: 20 – 30% ...

 … Tiến tới “thị trường hóa”

Theo Chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, những DN trọng điểm (có công suất tiêu thụ từ 500 kW trở lên hoặc tiêu thụ trên 3 triệu kWh điện/năm) sẽ được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí khi kiểm toán năng lượng; sau khi thực hiện kiểm toán, nếu DN có kế hoạch cải tiến kỹ thuật sẽ được hỗ trợ 30% vốn... Đến nay đã có 86 Dự án được duyệt đủ tiêu chuẩn tham gia CEEP (trong đó 64 Dự án được hỗ trợ đầu tư và kiểm toán năng lượng với tổng số tiền 270.000 USD); khoảng 200 DN có dự án triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ tiếp tục được hỗ trợ không hoàn lại từ 25 – 40% vốn đầu tư, với tổng kinh phí lên tới 1,15 triệu USD.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều DN chưa sẵn sàng thực hiện kiểm toán năng lượng, và cũng chỉ có 70,9% DN là có dự tính cải thiện công nghệ sau khi kiểm toán. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm cho biết, nhiều DN đã thấy rõ lợi ích thiết thực từ việc đầu tư áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng (với thời gian hoàn vốn chỉ là 2-3 năm) và đã được hỗ trợ tới 30% tổng giá trị đầu tư, nhưng ưu tiên trước hết của họ vẫn là tập trung vốn để mở rộng sản xuất; nhiều DN rơi vào thế “lực bất tòng tâm” – muốn thực hiện tiết kiệm nhưng lại thiếu vốn đầu tư, cải tiến máy móc, thiết bị...

Chính vì vậy, ngoài việc sẽ xác định lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn, quy định để DN có đủ thời gian đầu tư đổi mới sản xuất; trong Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội vào năm 2009 tới, dự kiến sẽ thành lập Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (được hình thành từ phụ phí sử dụng năng lượng, nguồn kinh phí từ ngân sách, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) để hỗ trợ, cho vay ưu đãi các DN đủ tiêu chuẩn đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực quản lý năng lượng...

“Chi phí đầu tư ban đầu không lớn lắm, chỉ vào khoảng 16.000 USD đối với một doanh nghiệp nhỏ, khoảng 100.000 USD với doanh nghiệp lớn, nếu tiết kiệm trung bình từ 25 - 30%, thì thời gian thu hồi vốn đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp chỉ từ một năm rưỡi đến hai năm”, một chuyên gia điều phối Chương trình sáng kiến hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định.

Để giải quyết vấn đề khó khăn về vốn đầu tư, các chuyên gia của ADB đã đề xuất các DN nên áp dụng hình thức chia sẻ lợi ích tiết kiệm năng lượng với các nhà đầu tư khác - một ngành kinh doanh mới đang được nhiều nước thực hiện. Theo phương thức này, các nhà đầu tư sẽ đảm nhận chi phí đầu tư ban đầu và thỏa thuận việc phân chia lợi nhuận thu được từ hiệu quả tiết kiệm năng lượng với các chủ doanh nghiệp. Gánh nặng về chi phí đầu tư của các DN vừa và nhỏ được gỡ bỏ, trong khi hiệu suất sử dụng năng lượng được nâng cao. 

Minh Đức