Sự kiện

Viễn thông Điện lực tiếp tục phát triển như thế nào?

Thứ ba, 3/6/2008 | 10:53 GMT+7

Trong năm 2007, HTMoble - một “lính mới” của mạng CDMA nhập cuộc đầy khí thế chỉ trong thời gian quá ngắn ngủi đã bất ngờ tuyên bố chuyển mạng. Dư luận đặt ra những câu hỏi liên tiếp: Liệu CDMA có “trụ” lại? Liệu EVNTelecom có đi theo vết xe đổ của HTMoble?... 

 

E-Com là lợi thế lớn nhất của Viễn thông Điện lực

Hơn hai năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song viễn thông điện lực (VTĐL) – EVNTelecom non trẻ đã có những bứt phá ngoạn mục, vượt qua Sphone, trở thành nhà cung cấp viễn thông đứng thứ 3 ở Việt Nam (Sau VNPT và Viettel). Năm 2007, việc huy động toàn lực lượng các công ty điện lực tham gia kinh doanh viễn thông công cộng (VTCC) đã tiếp tục phát huy tác dụng. Tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ CDMA đạt 2,4 triệu, với con số tăng bình quân là 6.000 khách hàng/ngày. Tổng doanh thu VTCC cả năm 2007 đạt trên 2.401 tỉ đồng, trong đó doanh thu các dịch vụ CDMA đạt hơn 1.737 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 65% tổng doanh thu viễn thông).

Tuy nhiên, trong hành trình hơn 2 năm bước chân vào kinh doanh VTCC cạnh tranh đầy khốc liệt, bản thân EVNTelecom và các đơn vị ngành Điện vẫn chưa vượt qua giai đoạn “khởi đầu nan”. Vào 3 tháng cuối năm 2007, một hiện tượng đáng báo động đối với dịch vụ viễn thông của EVNTelecom là số lượng thuê bao tạm ngừng dịch vụ và thanh lý hợp đồng có xu hướng tăng cao. Theo điều tra, những vấn đề liên quan đến cước, đặc biệt là thu cước chiếm 37% tổng số trường hợp rời mạng. 

Sử dụng lực lượng nhân viên thu tiền điện sẵn có để thu cước viễn thông được xem là một lợi thế quan trọng của ngành Điện. Nhưng thực tế, rất nhiều điện lực đã thuê lao động ngoài thu cước viễn thông, nhân viên thu cước không chuyên nghiệp, cách ăn mặc và giao tiếp gây phản cảm đối với khách hàng. Việc EVNTelecom không tính được cước giá trị gia tăng trong hóa đơn hàng tháng, mà lại thực hiện ghép dồn, ghép muộn, khiến cho khách hàng bức xúc. Gần đây, khi Tập đoàn chỉ đạo quyết liệt về công tác thu nợ, một số điện lực đã cắt luôn cả hai chiều gọi đến và gọi đi của thuê bao chưa thu được cước, mà không tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp giải quyết tích cực.

Trong năm 2006-2007, chương trình khuyến mại cho gói cước doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh số lượng thuê bao. Tuy nhiên, do một số điện lực chạy theo thành tích, đặt máy vào các đối tượng không có nhu cầu thực sự, nên hết thời gian khuyến mại, các khách hàng này lại rời mạng..  

Việc phát triển nóng số lượng thuê bao được thực hiện đồng thời với đầu tư mở rộng mạng lưới, bên cạnh đó, EVNTelecom cũng chậm tối ưu hóa sau khi lắp đặt BTS, nên chất lượng mạng cũng chưa được đảm bảo. Trong công tác vận hành và phối hợp xử lý sự cố, do sự phối hợp giữa EVNTelecom và các công ty điện lực chưa tốt, có nhiều sự cố đơn giản, nhưng xử lý kéo dài và ảnh hưởng trên diện rộng, trở thành sự cố lớn.

Thực tế, sự phối hợp giữa EVNTelecom và các công ty điện lực trên toàn quốc đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, là thế mạnh rất lớn của mạng VTĐL, song nếu xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì chỉ làm suy yếu khả năng cạnh tranh. Bản thân EVNTelecom và nhiều đơn vị vẫn còn đổ lỗi cho yếu tố khách quan. Đơn cử, một số công ty điện lực đề nghị EVNTelecom phải thực hiện các chương trình khuyến mại một cách bài bản hơn, không để xảy ra tình trạng đến thời hạn bắt đầu của chương trình mà tờ rơi, thiết bị khuyến mại… vẫn chưa có. Còn EVNTelecom lại phàn nàn về kênh thực hiện kế hoạch của các công ty điện lực quá chậm chạp. Một văn bản từ công ty điện lực đến các đơn vị cấp dưới có khi mất đến 10 ngày…

Vì thế, giải pháp được đặt lên hàng đầu của VTĐL là hoàn thiện mô hình tổ chức và bộ máy kinh doanh. EVNTelecom sẽ tiếp tục bố trí lại công việc và nhân lực phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa EVNTelecom và các công ty điện lực, phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Theo ông Nguyễn Mạnh Bằng - Giám đốc EVNTelecom: Cuối năm 2008, EVNTelecom sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Vì thế, hoạt động của bộ phận kinh doanh viễn thông tại các công ty điện lực cũng cần thay đổi nhất định để phù hợp với những đổi mới của EVNTelecom.  

Bên cạnh đó, các quy chế, cơ chế kinh tế và quy định trong kinh doanh VTCC sẽ được xây dựng và chỉnh sửa lại linh hoạt theo hướng thị trường, đảm bảo cho các đơn vị chủ động hơn. Về đầu tư xây dựng, chăm sóc khách hàng, EVNTelecom và các công ty điện lực phải thực hiện phân cấp triệt để, đúng quy định. Theo chỉ đạo của Tập đoàn thì Giám đốc EVNTelecom, giám đốc các công ty điện lực và các điện lực phải coi kinh doanh VTCC là ngành kinh doanh chính, song song với kinh doanh điện, không được khoán trắng cho các phó giám đốc phụ trách viễn thông.  

Chắc chắn rằng, thời gian tới, khi EVNTelecom và các đơn vị ngành Điện bắt tay nhau, quyết liệt vươn lên, khắc phục tồn tại, hoàn thiện, khẳng định vị trí “thương hiệu mạnh Việt Nam” của VTĐL thì sẽ không khó để năm 2008 đạt con số doanh thu từ VTCC đầy tham vọng là 5000 tỉ đồng và còn tiếp tục tăng cao vào những năm tiếp theo.  

Chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN Đào Văn Hưng về công tác kinh doanh viễn thông: 

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác viễn thông năm 2008 là giữ được khách hàng hiện có, hạn chế thuê bao rời mạng và phát triển tăng thêm khách hàng. Vì vậy, các đơn vị phải quán triệt nhiệm vụ, tập trung thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện bộ máy quản lý, tổ chức tốt hệ thống phát triển, chăm sóc khách hàng. Các đơn vị phải chủ động, quyết liệt. Các tiêu chí đánh giá đơn vị trong công tác kinh doanh VTCC  phải được xây dựng chặt chẽ, trong đó trách nhiệm người đứng đầu sẽ được xem xét rất nghiêm khắc theo đúng quy chế mà HĐQT EVN ban hành.  

Với cơ sở hạ tầng hiện đại, mạng cáp viễn thông mạnh nhất VN hiện nay, với đội ngũ CBCNV có trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt tình và đã làm được những thành quả rất tự hào, thì chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Công đoàn ĐLVN giữ vai trò phát động các cuộc thi đua giữa các đơn vị, từ đó kêu gọi toàn thể CBCNV ngành Điện mở một chiến dịch mới, toàn ngành Điện phải quyết tâm giành được thắng lợi to lớn trong công tác kinh doanh viễn thông. 

(PV lược trích)

- Ngày 29/3/2008, EVNTelecom đã được nhận giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trao tặng.

- Tính đến ngày 27/3/2008, EVNTelecom đã đạt trên 2,75 triệu thuê bao. 

-  Dịch vụ E-com là lợi thế lớn nhất của công nghệ CDMA, đạt trên 1,6 triệu thuê bao.

- Hiện có gần 1.700 cửa hàng giao dịch của EVNTelecom trên toàn quốc. Trong đó, 90% là các cửa hàng do các công ty điện lực phát triển. 

- Năm 2007, tổng doanh thu VTCC điện lực đạt trên 2.401 tỉ đồng, tăng 265% so với năm 2006. Lợi nhuận đạt 108,9 tỉ đồng.  

Theo Tchi Đluc T4/2008