Sự kiện

“ Công tác tài chính, kế toán năm 2008 và các năm tiếp theo: Sẽ rất khó khăn ”

Thứ năm, 5/6/2008 | 10:44 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN tại Hội nghị kiểm điểm công tác tài chính kế toán năm 2007 và kế hoạch 2008 của EVN vừa diễn ra tại Hà Nội.

2007: Chồng chất khó khăn

Đánh giá về công tác tài chính kế toán (TCKT) năm 2007, ông Tri cho biết: Năm tài chính 2007 là một năm với chồng chất những khó khăn thách thức: Nhu cầu điện tăng mạnh trong khi giá cả nguyên vật liệu, vật tư leo thang, diễn biến thời tiết bất lợi, các nguồn điện mới vào chậm chạp khiến tỷ lệ điện mua ngoài tăng cao. Tuy nhiên, nhờ tích cực triển khai hàng loại các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí sản xuất, tập trung giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động, tăng giá bán điện bình quân nên doanh thu từ sản xuất điện năm 2007 của EVN đã đạt trên 50.460 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2006), tổng lợi nhuận sau thuế của EVN đạt trên 3.100 tỷ đồng. Hoạt động TCKT của EVN trong năm 2007 cơ bản đạt yêu cầu đề ra: Các đơn vị trực thuộc EVN hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lãi; EVN đã chủ động thu xếp nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư xây dựng (ĐTXD), nhất là đối với các dự án đầu tư trọng điểm như Thuỷ điện Sơn La, Sông Tranh 2... Đối với các công trình có kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu, Tập đoàn đã chủ động huy động các nguồn vốn khác ứng trước nhằm đảm bảo vốn để thanh toán theo kế hoạch, sau đó mới tiến hành phát hành trái phiếu để hoàn trả nợ, nhờ đó đã giảm chi phí lãi vay cho công trình. Công tác cổ phần hoá được tập trung triển khai nên đã huy động được một nguồn vốn đáng kể. Tình hình thực hiện vốn đầu tư, quyết toán vốn cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch... Bên cạnh những mặt được, thì vẫn còn không ít những tồn tại. Cụ thể là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ và toàn Tập đoàn còn rất thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 3,6%, hợp nhất toàn Tập đoàn cũng chỉ đạt 7%). Công tác quyết toán vốn đầu tư tại một số dự án còn chậm chạp. Số vật tư thiết bị, tài sản cố định không cần dùng, ứ đọng còn lớn. Đặc biệt là công tác đôn đốc, phối hợp tháo gỡ vướng mắc chưa hiệu quả khiến một số dự án đầu tư như Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhà máy Thuỷ điện Quảng Trị chậm tiến độ đã làm thiệt hại lớn về kinh tế cho Tập Đoàn.

 

CTH. EVN nỗ lực thu xếp các nguồn vốn đầu tư

2008: Thêm nhiều bất lợi

Bước sang năm 2008, công tác TCKT đang tiếp tục gặp phải những bất lợi lớn hơn. Cụ thể, do phải huy động các nguồn thuỷ điện cao trong tháng 12/2007 vì sự cố các nguồn Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, các nhà máy điện Uông Bí, Cà Mau vào chậm tiến độ nên tất cả các hồ chứa chính của hệ thống như Hoà Bình, Trị An, Yaly, Hàm Thuận, Thác Mơ đến thời điểm đầu tháng 1/2007 đều không đạt mức nước dâng bình thường. Do đó, trong năm 2008 và đặc biệt vào mùa khô,  EVN dự kiến sẽ phải huy động các nguồn điện giá mua cao hơn giá bán điện như: Phải mua của các nhà sản xuất điện ngoài EVN 24,110 tỷ kWh; nhiệt điện chạy dầu của EVN phải huy động khoảng 930 triệu kWh, tua bin khí dầu + diesel phải huy động 309 triệu kWh. Với lượng điện mua ngoài và huy động các nguồn điện có giá thành cao như vậy, EVN dự kiến sẽ lỗ gần 9.000 tỷ đồng. Việc Bộ Tài chính quyết định cho phép thả nổi giá dầu DO từ ngày 25/2/2008 cũng làm tăng chi phí sản xuất điện của EVN lên khoảng 580 tỷ đồng. Với dự kiến kế hoạch 2008, bình quân giá thành đến khách hàng là 916,2 đ/kWh so với giá bán bình quân hiện nay sẽ khiến EVN lỗ khoảng 3.238 tỷ đồng. Đặc biệt, một số công ty điện lực có giá bán bình quân thấp như Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 3, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, Ninh Bình sẽ khiến Tập đoàn phải bù lỗ 6.895 tỷ đồng.

Trong năm 2008, kế hoạch vốn đầu tư của EVN dự kiến trên 43.130 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVN chỉ có thể thu xếp được 8.529 tỷ đồng, còn lại phải huy động từ nguồn vốn bán cổ phần, nguồn vốn vay và các nguồn khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động như hiện nay, thì việc cổ phần hoá cũng như huy động vốn vay và phát hành trái phiếu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ thiếu vốn đầu tư cho năm 2008 và trong những năm tới là rất lớn, bởi theo Quy hoạch điện VI, trong giai đoạn 2006 - 2015, với tổng công suất nguồn điện EVN phải đầu tư lên đến 33.200 MW, nhu cầu vốn đầu tư và trả nợ của Tập đoàn khoảng 780.000 tỷ đồng, trong khi đó EVN còn thiếu đến 480.000 tỷ đồng. Sự cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn như viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... ngày càng khốc liệt cũng tác động nhất định đến công tác TCKT của EVN.

Chung tay tháo gỡ

Trước những khó khăn lớn đó, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã chỉ thị cho các đơn vị trực thuộc EVN tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN phải có lãi trong năm 2008. Để đảm bảo mục tiêu này, TGĐ yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành các chỉ tiêu: Điều độ hệ thống theo phương thức hợp lý nhất, giảm tối đa các nguồn điện giá thành cao; thực hiện triệt để tiết kiệm điện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch điện thương phẩm giao, phấn đấu tiết kiệm điện đạt 1, 034 tỷ kWh; phấn đấu tăng giá bán điện bình quân thêm 5 - 7đ/kWh thông qua việc tăng cường kiểm tra áp giá bán điện, đảm bảo áp giá đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng điện, không để thất thu về giá; giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 9,6%; các đơn vị chủ động rà soát lại các khoản chi phí, kiên quyết cắt giảm các chi phí không cần thiết (chi phí hội nghị, tiếp khách...); tiết kiệm chi phí sửa chữa lớn 10% so với định mức. Các BQLDA tiết kiệm 5% chi phí khác để chi lương, Tập đoàn không cấp bù lương từ lợi nhuận của Tập đoàn; tiết kiệm trong công tác mua sắm ô tô. Đối với hoạt động kinh doanh viễn thông: Tích cực nâng cao chất lượng mạng và dịch vụ, tăng cường công tác đối soát cước kịp thời, thu hồi cước kịp thời, đẩy mạnh doanh thu bình quân, đôn đốc công tác thu hồi công nợ, phấn đấu thu hồi cước đạt tối thiểu 95% cước phát sinh trong tháng. Các bộ phận chức năng phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực để nghiên cứu trình Bộ Công Thương và Chính phủ cơ chế giá điện theo thị trường điện để áp dụng từ năm 2009-2010.

Để đảm bảo đủ vốn cho hoạt động SXKD và đầu tư xây dựng, TGĐ yêu cầu điều hành các chỉ tiêu tài chính của EVN và các công ty con đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn như WB, ADB... Đó là tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 25%, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 70:30, hệ số trả nợ vốn vay lớn hơn 1, 5 lần.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải tập trung nâng cao việc quản lý sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư xây dựng đạt hiệu quả cao nhất; tích cực xử lý những vướng mắc về công tác TCKT trong quá trình cổ phần hoá. Tiếp tục thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành theo đúng quy định của Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, kế toán; tăng cường tự kiểm tra về công tác TCKT trong hoạt động SXKD và đầu tư xây dựng theo đúng quy định, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ TCKT thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

Từ việc xác định năm 2008 là một năm đặc biệt khó khăn với EVN trong hoạt động SXKD cũng như đầu tư xây dựng, vừa đảm bảo cung cấp điện vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, TGĐ EVN Phạm Lê Thanh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc  phải quán triệt tinh thần của Chỉ thị và phổ biến đến tận cán bộ, nhân viên, công nhân trong đơn vị cùng triển khai, chung tay với Tập đoàn tháo gỡ khó khăn.    

Theo TCĐL số 4/2008