Sự kiện

Về việc EVN mua điện của Nhà máy điện Cà Mau: Có hay không việc…thiếu mà không mua

Thứ năm, 29/5/2008 | 11:27 GMT+7

Trong những năm gần đây, theo định hướng của Chính phủ, các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp Nhà nước ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn được khuyến khích tham gia vào kinh doanh điện năng, đặc biết là đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện.

 

Chủ trương này, một phần để giảm bớt gành nặng chủ yếu là về tài chính cho EVN trong công tác đảm bảo cung cấp điện cho xã hội; đồng thời, để khuyến khích hình thành một thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt tính độc quyền của EVN, nâng cao hiệu quả sản xuất điện. Nhà máy nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PV) và nhiều nhà máy điện khác của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản, Tổng Công ty Sông Đà…ra đời trong  điều kiện trên. Song dường như sự ra đời của Nhà máy nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch chưa được chuẩn bị để có một tiếng nói chung trong sự phát triển của ngành Dầu khí và Điện lực.

Gần đây có một số thông tin cho rằng, mặc dù thiếu điện nhưng EVN không huy động hết công suất của Nhà máy điện Cà Mau 1 trong khi mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn. Về việc này, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo kế hoạch sản lượng điện phát đăng ký của Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau (văn bản số 139/ĐLDKCM.3 ngày 4-2-2008), trong tháng 3-2008, Nhà máy điện cà Mau 1 sẽ phát 473 triệu kWh và tháng 4-2008 là 519 triệu kWh. Tuy nhiên, ngày 1-3-2008, bằng văn bản số 200/ĐLDKCM.3, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau thông báo sản lượng điện phát trong tháng 3 là 316 triệu kWh (giảm 157 triệu kWh so với sản lượng đã đăng ký) và tháng 4-2008 là 305,6 triệu kWh (giảm 213,4 triệu kWh so với sản lượng đã đăng ký) vớilý do kế hoạch giao nhận khí thay đổi. Như vậy, vớikế hoạch điều chỉnh, Nhà máy điện Cà Mau 1 đã giảm sản lượng phát là 370,4 triệu kWh so với đăng ký ban đầu, ảnh hưởng đến cân đối kế hoạch cung cấp điện của EVN.

Trên thực tế, trong tháng 3 và 4-2008, Nhà máy điện Cà Mau 1 phát được 629,5 triệu kWh, thấp hơn so với kế hoạch đăng ký ban đầu là 362,5 triệu kWh và cao hơn kế hoạch điều chỉnh là 7,9 triệu kWh. Từ ngày 1-1-2008 đến 18-3-2008, Nhà máy điện Cà Mau 1 chỉ chạy chủ yếu ở chu trình đơn, kết hợp chạy thí nghiệm xông sấy phục vụ thí nghiệm tổ máy đuôi hơi, do vậy, công suất tối đa chỉ phát được cao nhất là 480 MW (thiết kế là 750 MW) và cũng do nhà máy đang trong giai đoạn thí nghiệm hiệu chỉnh nên thường phải ngừng hoặc giảm công suất chạy máy. Nguyên nhân khác dẫn đến sản lượng điện phát không được như mong muốn là do lượng nhiên liệu khí cung cấp cho nhà máy không ổn định. Trong khi đó, từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời kỳ căng thẳng nhất về cung cấp điện do đồng thời phải thực hiện chống hạn cho vụ Đông – Xuân và tích nước các hồ thuỷ điện chuẩn bị cho phát điện mùa khô.

Từ ngày 19-3-2008 đến 27-4-2008, Nhà máy điện Cà Mau 1 vận hành đuôi hơi nhưng sản lượng điện phát không được cao do nhà máy không thu xếp đủ nhiên liệu (khí thiên nhiên) để phát điện, lượng khí chỉ cung cấp khoảng 2/3 năng lực chạy của các tổ máy. Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn này EVN cũng đã huy động tối đa theo Công bố công suất khả dụng do Nhà máy gửi. Từ ngày 27-4-2008 đến 3-5-2008, nhà máy tách tổ máy GT2-L2 (360 MW) để chuyên gia kiểm tra bên trong đường khí thoát; từ ngày 30-4-2008 đến 5-5-2008, nhà máy tách tổ máy GT3 và ST1 để kiểm tra buồng đốt; từ ngày 5-5-2008 đến 7-5-2008, tổ máy ST1 (240 MW) ngừng sự cố do chân không bình ngưng cao.

Theo EVN, trong suốt thời gian cao điểm mùa khô vừa qua, khi hệ thống cần điện nhất thì Nhà máy điện Cà Mau 1 phát điện thấp, gây ảnh hưởng bất lợi cho việc cung cấp điện. Đầu tháng 5-2008, khi nhà máy có khả năng phát đủ công suất (720 MW) thì nhu cầu của hệ thống điện đã bớt căng thẳng, do lưu lượng nước về hồ Hòa Bình và các hồ thuỷ điện khác tăng, vì vậy, công suất huy động của Nhà máy điện Cà Mau 1 phải tuân thủ nguyên tắc tối ưu chung là dựa trên nhu cầu của hệ thống cũng như giá bán điện của Nhà máy điện Cà Mau  so với các nguồn điện khác.

Về giá mua điện của EVN đối với Nhà máy điện Cà Mau 1 và giá mua điện của EVN đối với Trung Quốc, theo số liệu của EVN đã thực hiện trong tháng 4-2008 thì : EVN mua điện của Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau với giá 1.010,73 đ/kWh (chưa có thuế VAT); EVN mua điện của Trung Quốc với giá 736,29 đ/kWh (đã có 1% thuế nhập khẩu và chưa có thuế VAT).

Như vậy, việc Nhà máy điện Cà Mau 1 trong một vài thời điểm không được phát hết công suất điện là có và việc EVN thực hiện phương thức tối ưu chung để đảm bảo cho bài toán kinh tế cũng không sai. Vấn đề là Tập đoàn Dầu khí quốc gia và EVN đều là những doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đều có một mục đích là phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy, nên ngồi lại với nhau để tìm ra một tiếng nói chung không phải chỉ vì quyền lợi doanh nghiệp mà còn vì quyền lợi của nhân dân và quốc gia./ 

Thanh Mai