Sự kiện

Cung cấp điện khó khăn hơn vào cuối mùa khô

Thứ năm, 12/6/2008 | 10:20 GMT+7

Theo thống kê từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2008 sản lượng điện thương phẩm đạt 26,43 tỷ kWh, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Bước vào những ngày cuối quý I và đầu quý II này, tình hình cung cấp điện vẫn không mấy khả quan. Với nhu cầu sử dụng điện lên đến 240 triệu kWh/ngày - EVN cho hay - hệ thống điện cả nước vẫn phải tiết giảm khoảng từ 1500 – 2000 MW công suất trong các giờ cao điểm (9h30 – 11h).

Nhà máy điện Bà Rịa

Giai đoạn này đang là thời kỳ cuối mùa khô, đồng thời cũng là bắt đầu của mùa nắng nóng và mùa mưa bão. Tình hình vận hành hệ thống điện tháng 6 được đánh giá là rất khó khăn, đặc biệt là việc cung cấp điện cho miền Bắc do chưa có nguồn mới vào vận hành, tiến độ các công trình mới đưa vào chậm. Cụ thể: Nhà máy điện Cà Mau 2 (720 MW) có kế hoạch nhưng chưa chạy thử; Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (450 MW) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới chạy thử một tổ máy chu trình đơn 150 MW; Nhà máy điện Uông Bí mở rộng (công suất 300 MW) bị sự cố chưa đưa vào vận hành được, dự kiến khắc phục trong vòng 2 tháng tới… Bên cạnh đó, một loạt nhà máy điện lại tạm ngừng hoạt động để sửa chữa, nâng cấp: Nhà máy điện Bà Rịa tạm nghỉ từ ngày 10 – 14/6 do nguồn khí Cửu Long ngừng cung cấp để thực hiện sửa chữa đuốc tại giàn công nghệ trung tâm; Nhà máy điện Cà Mau 1 ngưng hoạt động từ ngày 15 – 27/6 để phục vụ công tác của nhà thầu Siemens và đấu nối thiết bị đường ống... Đồng thời, mực nước các hồ thuỷ điện đang ở mức thấp dẫn đến công suất khả dụng của các nhà máy thuỷ điện giảm rất thấp: Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình công suất khả dụng hiện chỉ khoảng 1400 MW, so với công suất định mức thì chỉ đạt hơn 70%; các hồ thuỷ điện Tuyên Quang, Trị An, Ialy cũng đang ngấp nghé mực nước chết nên không phát huy được công suất thiết kế.

Trước tình hình trên, EVN đã huy động tối đa các nguồn điện sẵn có, kể cả các nguồn điện có giá thành cao khi cần thiết; tạo điều kiện và giúp đỡ các nhà máy điện mới thí nghiệm thành công để nhanh chóng đưa vào vận hành chính thức; phát huy nguyên tắc điều độ kinh tế chung cho tất cả các nhà máy trong hệ thống, tận dụng tối đa nguồn nước, giảm khả năng xả thừa khi có lũ về... Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng điện hiện nay khoảng 240 triệu kWh/ngày (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2007) và có thể cao hơn trong những ngày nắng nóng tới thì theo EVN, công suất tại giờ cao điểm sáng (10h30) có những lúc lên đến khoảng 13.000 MW, tăng hơn 2000 MW so với tháng 5/2008, do đó việc tiết giảm từ 1500 – 2000 MW vào giờ cao điểm là không tránh khỏi. Để giảm thiểu tình trạng tiết giảm, ở tình thế hiện nay không có biện pháp nào khác là tiếp tục và liên tục tiết kiệm. Thực hành tiết kiệm điện theo như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm giữ cho hệ thống điện vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.

Được biết, trước tình trạng trên, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN theo sát tình hình thuỷ văn, khai thác và vận hành hợp lý các nguồn điện để giảm tình trạng thiếu điện cho sản xuất; tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; đồng thời yêu cầu từng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện các phương án sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…  Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung cao độ để đảm bảo giữ tiến độ, nhất là các dự án Cà Mau II, Nhơn Trạch 1; yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giao ban dự án để có chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc, đảm bảo thi công đưa các công trình vào vận hành đúng tiến độ đề ra.  

Bảo Ngọc