Sự kiện

Xây dựng trung tâm điện lực- còn nhiều khó khăn

Thứ hai, 9/6/2008 | 11:16 GMT+7

Việc phát triển mô hình trung tâm điện lực (TTĐL) đang là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương hiện nay.

Đây là giải pháp cơ bản giúp các địa phương chủ động nguồn năng lượng, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ. Tuy nhiên, việc phát triển các TTĐL cũng đang gặp không ít trở ngại.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 7 TTĐL gồm: Mông Dương, Nghi Sơn, Vĩnh Tân, Ô Môn, Trà Vinh, Sóc Trăng và Thái Bình. Trong đó, TTĐL Sơn Mỹ (Bình Thuận) bao gồm 2 dự án với tổng công suất 2.400 MW. TTĐL Thái Bình cũng có 2 dự án với tổng công suất 1.800 MW (riêng dự án Thái Bình 1 công suất 600 MW sẽ thay thế dự án công suất 300 MW của nhiệt điện Ninh Bình 2). TTĐL Ô Môn có 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 2.800 MW. Hiện Bộ Công Thương đang phê duyệt dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại tỉnh Kiên Giang (thuộc Tổng sơ đồ VI) với diện tích 600 ha, tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD gồm 3 nhà máy có tổng công suất 4.400 MW. Đây là dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam và lần đầu tiên do doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư. Dự kiến, năm 2009 dự án sẽ khởi động, hoàn thành giai đoạn một vào năm 2013 và sẽ hoạt động toàn bộ vào năm 2018.

Hiện Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN và các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch một số TTĐL mới tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá 2, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Sơn Mỹ (Bình Thuận) để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ sung vào Quy hoạch điện VI. Các quy hoạch này sẽ lần lượt hoàn thành từ nay tới cuối năm.

Được biết, phần lớn các công trình nguồn điện mới được quy hoạch trong Tổng sơ đồ VI sẽ là nhiệt điện chạy than. Theo tính toán, tổng số lượng than cần phải nhập khẩu đến năm 2015 trên cơ sở Quy hoạch điện VI là 39 triệu tấn, năm 2016 tăng lên 55 triệu tấn. Hiện tại việc quy hoạch các TTĐL chạy than phần lớn được tập trung vào khu vực miền Bắc, miền Trung. Còn miền Nam, việc đầu tư các TTĐL sử dụng than sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu vận tải vì phải phụ thuộc vào nguồn than phía Bắc hoặc than nhập. EVN đang lên kế hoạch dự kiến các nhà máy nhiệt điện than từ Vũng áng 2 trở ra phía Bắc sẽ sử dụng than nội địa, còn các nhà máy từ Vũng áng 3 trở vào phía Nam sẽ sử dụng than nhập khẩu. Tuy nhiên, trong khi nguồn than dự trữ đang ngày càng cạn kiệt thì việc nhập khẩu than hiện nay đang gặp nhiều trở ngại do biến động về giá than tăng quá nhanh so với dự kiến. Vì vậy, các nhà nhập khẩu không thể ký được hợp đồng dài hạn- điều kiện quan trọng đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy. Bên cạnh đó, việc xây dựng cảng biển cho nhập khẩu than cũng gặp khó khăn vì những nơi thuận lợi cho xây dựng trung tâm nhiệt điện lại không thuận lợi cho xây dựng cảng. 

Theo Báo Công Thương