Sự kiện

Điện lực Thái Nguyên: Vượt khó

Thứ ba, 10/6/2008 | 10:13 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó giám đốc phụ trách Điện lực Thái Nguyên Đinh Hoàng Dương, cho biết, những khó khăn, thách thức đó là: Đường dây 220kV mua điện từ Trung Quốc để cấp cho tỉnh, kéo dài qua địa hình đồi núi phức tạp nên khả năng cấp điện ổn định không cao.

 

Trạm BA 220kV Thái Nguyên

Tình hình cân đối tài chính cũng bất cập (mua điện giá cao về bán cho khu vực nông thôn, miền núi). Dự báo tình hình cung ứng điện những tháng cuối năm cũng không khả quan bởi mực nước các hồ thủy điện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Các nhà máy phải huy động công suất cao liên tục nên dễ xảy ra sự cố…

Đường dây 220kV mua điện của Trung Quốc chưa thi công xong đoạn Thái Nguyên – Sóc Sơn nên khu vực phía nam của tỉnh Thái Nguyên vẫn phải sử dụng hệ thống điện quốc gia, mà tình hình cung cấp “chập chờn” như hiện nay cũng ảnh hưởng tới việc cấp điện ổn định cho khu vực.Nêu rõ khó khăn như vậy, để nhận biết và quyết tâm vượt lên, hoàn thành nhiệm vụ. Ông Dương khẳng định và chứng minh 4 tháng đầu năm 2008, Điện lực Thái Nguyên đã đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các ngày lễ, các lễ hội trong năm du lịch quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng điện để phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm 2008, sản lượng điện thương phẩm tăng 25,29%, tỷ lệ tổn thất 5,16%, giá bán bình quân (chưa có VAT) đạt 765,14đ/kWh. Mục tiêu thực hiện năm 2008, Điện lực Thái Nguyên phối hợp với Sở Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tiết kiệm điện (TKĐ). Đối với các khách hàng và cộng đồng, ngoài việc dùng các hình thức tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp, điện lực đã đăng thông tin quảng cáo trên đài truyền hình và báo địa phương; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, quảng bá dùng đèn compact cho các khách hàng; tổ chức cuộc họp ngày 16/4/2008 để phổ biến và triển khai tiếp chương trình bán đèn compact cho các chi nhánh điện trực thuộc để bán đèn tới từng khách hàng. Kết quả, đã bán được 2.717 đèn compact. Phối hợp cùng Ban chỉ đạo TKĐ của tỉnh thực hiện triệt để TKĐ tại các văn phòng doanh nghiệp và công sở (nhất là đối với văn phòng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Thực hiện dán áp phích và dán các quy định về thực hiện TKĐ tại các phòng làm việc của các đơn vị. Hạn chế sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, tắt hết các thiết bị khi ra khỏi phòng làm việc như: bóng điện, quạt, máy tính, máy in, máy thông gió, bình đun nước…

Làm việc với cơ quan quản lý đô thị trong tỉnh, cắt giảm 50% số bóng điện chiếu sáng công cộng, đóng điện muộn và cắt sớm 30 phút so với quy định; giảm 50% đèn trang trí trong nhà, ngoài trời và đèn quảng cáo… Hướng dẫn các gia đình và khách hàng sử dụng điện trong sản xuất và trong sinh hoạt một cách hợp lý như: Hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị tiêu thụ nhiều điện (máy điều hòa nhiệt độ, bàn là, bếp điện, bình đun nước nóng, máy bơm…) vào giờ cao điểm (18-22h); hướng dẫn việc sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít điện và có hiệu suất cao. Đã chủ động làm việc trực tiếp với từng khách hàng trọng điểm, khách hàng khu công nghiệp để thỏa thuận và ký bản cam kết thực hiện chương trình TKĐ năm 2008 với mục tiêu TKĐ 2% so với mức sử dụng điện cùng kỳ của năm 2007.

Kết quả đã thỏa thuận và ký bản cam kết thực hiện chương trình TKĐ năm 2008 được 11/tổng số 20 khách hàng trọng điểm. Điện lực Thái Nguyên đã chủ động làm việc với các khách hàng lớn cùng cộng tác, chia sẻ khó khăn cùng ngành điện tăng cường công tác TKĐ, chủ động có nguồn diesel dự phòng, qua đó Điện lực Thái Nguyên đã chủ động thỏa thuận với các khách hàng tự trang bị diesel dự phòng để đưa nguồn này vào khi cần thiết.Kết quả thực hiện TKĐ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2008 của Điện lực Thái Nguyên là: 5.033.241 kWh, đạt 106,5% so với kế hoạch Công ty Điện lực 1 giao.

Thái Ngyên là một tỉnh trung du, miền núi nên đặc biệt được Điện lực quan tâm. đến nay đã có 100% số xã và 97,35% số hộ đã được sử dụng điện. Với 144 hợp tác xã dịch vụ điện và hợp tác xã tổng hợp có kinh doanh điện. Riêng điện lực Thái Nguyên bán lẻ trực tiếp trên địa bàn 36 xã.Trong năm 2007, điện lực Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn và tư vấn cho các HTX dịch vụ điện trong công tác quản lý điện của địa phương như phổ biến hướng dẫn các văn bản pháp luật về lĩnh vực hoạt động điện lực, chuyên môn nghiệp vụ và an toàn kỹ thuật điện nhằm đảm bảo việc hoạt động có hiệu quả của các hợp tác xã dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, điện lực đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Trung tâm dạy nghề thành phố mở 1 lớp đào tạo thợ điện nông thôn 3 tháng cho các HTX dịch vụ điện, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện TKđ và sử dụng điện an toàn nhằm từng bước hoàn thiện, đưa công tác quản lý điện nông thôn đi vào nền nếp, góp phần làm giảm giá bán điện ở nông thôn.Với các chi nhánh điện, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là: Các HTX dịch vụ điện đã được chuyển đổi và đi vào hoạt động được 4 năm nhưng vẫn còn khoảng 20% số HTX chưa có đăng ký kinh doanh, 48% số HTX dịch vụ điện chưa được cấp phép hoạt động điện lực. Còn khoảng 50% số HTX chưa thực hiện được việc bán lẻ điện năng đến hộ sử dụng, vì ở các địa phương này các hộ dân không đồng ý bàn giao lưới điện hạ thế cho HTX quản lý, nếu HTX không trả lại tiền đầu tư xây dựng cho nhân dân. Một số HTX dịch vụ điện chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng tháng cho ngành điện và các cơ quan quản lý nhà nước, sổ sách hóa đơn chứng từ chưa được thực hiện đúng quy định. Các cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý nghiêm đối với các HTX dịch vụ điện chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Hiện nay, điện lực đang phối hợp tích cực với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng và các đơn vị có liên quan chuẩn bị, hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình như: Xây dựng đường dây và trạm biến áp 110 kV Xi măng Thái Nguyên (tại xã Quang Sơn - Đồng Hỷ). Tổng dung lượng của trạm là 2 x 25.000 kVA với tổng mức đầu tư công trình 78 tỷ đồng; Công trình nhằm đảm bảo cấp điện cho Nhà máy Xi măng Thái Nguyên và tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực các huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai. Hiện nay, dự án đã triển khai thực hiện, cơ bản đã hoàn thiện và dự kiến đóng điện đưa công trình vào hoạt động cuối quý II/2008. Điện lực Thái Nguyên đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án RE2, với tổng mức đầu tư 49,2 tỷ đồng, trong đó: vốn vay của WB là 36,2 tỷ đồng và vốn đối ứng của ngành điện là 13 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện đầu tư tại 30 xã trên địa bàn 6 huyện (Phổ Yên, Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hoá), cấp điện cho gần 20.000 hộ dân nông thôn. Đến nay, điện lực đã lựa chọn và ký hợp đồng xây lắp, cung cấp thiết bị với các nhà thầu, đang bàn giao tuyến để các đơn vị triển khai thi công. Dự án IVO; dự án đầu tư đã được phê duyệt và đang trình thiết kế kỹ thuật thi công tổng dự toán của dự án. Để đáp ứng nhu cầu cấp điện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất của một số khu công nghiệp trong tỉnh, Điện lực Thái Nguyên đã lập phương án cấp điện để trình Công ty phê duyệt cấp vốn triển khai một số công trình điện như: Công trình xây dựng đường dây 22kV đáp ứng cấp điện cho khu công nghiệp Sông Công; Công trình cải tạo lưới điện để chống quá tải cho đường dây 972 – trạm trung gian Phố Cò và cấp điện cho khu công nghiệp nam Phổ Yên; Công trình xây dựng đường dây 22kV cấp điện cho khu công nghiệp Đồng Hỷ và Sơn Cẩm – Phú Lương; Công trình đường dây 22 kV cấp điện cho khu công nghiệp Động Đạt - Phú Lương. Dự kiến các công trình trên sẽ được khởi công vào cuối năm 2008 đầu năm 2009.

Trụ sở điện lực Thái Nguyên đang được cải tạo lại, thêm diện tích làm việc cho phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay. Càng phát triển, càng nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân viên của Điện lực Thái Nguyên đang đồng tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Theo Báo Công Thương