Sự kiện

An toàn cao cho lưới điện cao áp

Thứ hai, 16/6/2008 | 11:10 GMT+7

Bộ Công Thương vừa gửi tới Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp để các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài nghiên cứu, đóng góp ý kiến...

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải trong những năm gần đây luôn ở mức gần gấp đôi GDP, bên cạnh việc xây dựng và đưa vào vận hành các nguồn điện mới, ngành điện Việt Nam cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào củng cố và phát triển lưới điện ở các cấp điện áp.  Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng độ dài của đường dây điện 110 kV, 220 kV và 500 kV tính đến hết năm 2006 là 18.340 km (10.209 km, 4.695 km và 3.255 km). Dự kiến đến 2015, tổng độ dài của đường dây 110 kV, 220 kV và 500 kV sẽ là 25.429 km – tức là gấp khoảng 1,38 lần so với năm 2006.

Để bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng của nhân dân những vùng có đường điện cao áp đi qua, Việt Nam đã có nhiều quy định cụ thể, trong đó có Nghị định 106/2005/NĐ-CP quy định điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (bao gồm lưới điện cao áp và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) đến 220 kV là: mái và tường bao phải bằng vật liệu không cháy, nếu mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại phải được nối đất; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất phải đảm bảo không nhỏ hơn 3 mét đối với đường điện cao áp đến 35 kV, 4 mét đối với đường điện từ 66 - 110 kV, 6 mét đối với đường điện 220 kV; cường độ điện trường ngoài nhà phải nhỏ hơn hoặc bằng 5 kV/m cách mặt đất 1m, trong nhà phải nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m…

Tuy nhiên, khi khối lượng các công trình lưới điện cao áp ngày càng tăng cũng là giai đoạn mà ngành điện đối mặt với thách thức ngày càng lớn không những từ đền bù giải phóng mặt bằng để thi công, mà còn là những trường hợp vi phạm hành lang an toàn, những đơn thư khiếu nại về ảnh hưởng của điện từ trường đối với sức khỏe của người dân (điển hình nhất là trường hợp tuyến đường dây 220 kV từ Tuyên Quang về Thái Nguyên được đưa vào sử dụng, 37 hộ dân (phần nhiều là ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã có đơn thư khiếu kiện với nội dung sức khỏe bị giảm sút, hay đau đầu chóng mặt, lo sợ bị nhiễm bệnh, mất an toàn khi phải sống dưới đường dây, kiến nghị được đền bù để di dời ra khỏi hành lang an toàn).

Với định hướng tăng tính an toàn cho công trình lưới điện cao áp và những khu dân cư dưới lưới điện, Dự thảo đề xuất Khoản 2 Điều 2 Nghị định 106 sẽ được sửa đổi, bổ sung bằng việc yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp phải tuân thủ quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 49, Khoản 6 Điều 55 của Luật Điện lực và các quy định của pháp luật về xây dựng. Trong trường hợp xây dựng, cải tạo đường dây dẫn điện trên không qua nhà ở, nơi công cộng tập trung đông người, các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng, phải đảm bảo các điều kiện: đoạn đường dây dẫn điện trên không vượt qua các công trình và các địa điểm trên phải được tăng cường các biện pháp an toàn về điện và xây dựng; khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất tự nhiên không được nhỏ hơn 14 m đối với cấp điện áp đến 35 kV, 15 m ở cấp điện áp 66 – 110 kV, 17 m đối với cấp điện áp 220 kV.           

Trong khi đó, Điểm c Khoản 1 Điều 5 sẽ được bổ sung quy định đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái tĩnh không nhỏ hơn khoảng cách quy định là 0,7 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần ở cấp điện áp đến 35 kV, 3 m ở cấp điện áp 66 – 110 kV, 4 m ở cấp điện áp 220 kV, 6 m ở cấp điện áp 500 kV. Đối với đường dây vượt qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất thì khi thiết kế, chủ đầu tư công trình lưới điện phải tính đến chu kỳ phát triển của cây đảm bảo khoảng cách theo quy định trên. Dự thảo cũng sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 6 bằng yêu cầu: các kết cấu kim loại phải nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất; đồng thời bổ sung Điều 6a như sau: nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt ở ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, giữa hai đường dây dẫn điện trên không được di dời khi không đảm bảo một trong các điều kiện: cường độ điện trường lớn hơn giới hạn quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 6 (cường độ điện trường ≤ 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một mét và ≤ 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một mét); khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhau nhất của hai đường dây 500kV nhỏ hơn hoặc bằng 60 m…

Dự kiến sau ý lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo, Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét ban hành, các dự án đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp mới hoặc cải tạo chưa được phê duyệt thì thực hiện theo quy định tại Nghị định mới. Các dự án đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp đã được phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự án, nhưng phải thực hiện theo quy định mới. Các công trình đường dây cao áp hiện có, chủ công trình phải xây dựng lộ trình và kế hoạch cải tạo để đáp ứng được các điều kiện về khoảng cách an toàn quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định.

Minh Đức