Sự kiện

Tự hào danh hiệu người thợ điện Thủ đô

Thứ sáu, 13/6/2008 | 13:16 GMT+7

Với nhiệm vụ cung câp điện an toàn ổn định chất lượng cho Thủ đô, nhiều năm qua, CBCNV toàn Công ty Điện lực Hà Nội (PCHN) đã thực hiện tốt các phương án đảm bảo điện cho Thủ đô, đồng thời đảm bảo tiết giảm điện theo phương thức điều tần của EVN, cải thiện mối quan hệ với khách hàng, coi khách hàng là người bạn đồng hành, là động lực để phát triển.

 

Bảo dưỡng lưới điện Hà Nội

Khi thiếu điện, thợ điện cũng khổ

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó phòng Thông tin tuyên truyền PCHN – cho biết, vào mùa khô, điện không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên thợ điện vô cùng vất vả. Nếu như lúc đủ điện, thợ chỉ việc đóng cầu dao tổng là xong, chỉ khi có sự cố mới phải đi xử lý thì khi thiếu điện, anh em phải tỏa đi cắt điện ở từng nhánh để đảm bảo tiêu chí: đối tượng ưu tiên luôn có điện, các đối tượng khác được cấp điện công bằng nhưng không để mất điện trên diện rộng. Trong khi cắt điện phải tranh thủ bảo dưỡng đường dây, rồi buổi tối lại phải đi từng nhà vận động bà con dùng điện tiết kiệm. Thợ điện phải luôn sẵn sàng, nghe báo sự cố là nhanh chóng đến tận nơi để kiểm tra sửa chữa trong thời gian ngắn nhất. Phòng điều độ thì căng như dây đàn để điều tiết điện sao cho công bằng ở từng khu vực, lại không bị sử dụng điện vượt định mức EVN giao nhưng cũng không được tiết giảm “quá tay” sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Tổng đài thì ù cả tai vì có ngày tiếp hàng nghìn cuộc điện. Nhân viên thu tiền thì bị mát mẻ “điện thì nay cắt mai cắt, chỉ thu tiền điện là đều đặn”. Thậm chí, ngay cả ban thành tra nhiều khi còn bị các “thượng đế” đi cả xe lăn đến để hỏi tại sao tháng này tiền điện nhà họ tăng như vậy, liệu có phải mấy ông đọc số ăn gian không? …

Tự hào người thợ điện Thủ đô

Ngoài mục tiêu doanh thu, người thợ điện Hà Nội luôn phải là những người thợ “trách nhiệm, trí tuệ, thanh lịch”. Điều này được thể hiện qua từng lời nói, trang phục đúng với nghề nghiệp, cách xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Đến mấy ông hưu trí nổi tiếng là hay bắt bẻ cũng phải thừa nhận: Kinh tế thị trường có khác, thợ điện cũng nói năng lễ phép nhãn nhặn hẳn lên. Ông Nguyễn Ngọc Huấn – Chủ tịch Công đoàn PCHN – cho biết, Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo kiến thức chuyên môn, tập huấn văn hóa ứng xử giao tiếp với khách hàng cho CBCNV. Phương châm của thợ điện là: Không bao giờ được trả lời khách hàng “Cái này tôi không biết hoặc vấn đề này không phải trách nhiệm của tôi: mà phải kiên nhẫn, tìm cách trả lời sao cho vừa lòng “thượng đế” nhất. Anh Cường Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Ba Đình, cho biết, ngoài nhiệm vụ đọc số điện hàng tháng, nhân viên đọc số còn phải thường xuyên đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực của hành động ăn cắp điện. Tìm ra “tội phạm” đã khó, làm sao cho họ tâm phục, khẩu phục chịu sửa lỗi còn khó gấp bội. Để làm được như vậy, các anh không chỉ cần sự nhiệt tình mà còn cần cả sự nhẫn nại, công tâm và bình tĩnh theo phương châm “đối thoại hơn đối đầu”. Nhân viên thu ngân thường bắt đầu công việc từ 10 giờ đến 22 giờ đêm. Mỗi ngày các chị đi bộ tới khoảng 200 nhà trong các ngõ ngách để thu tiền, không kể ngày tạnh ráo hay mưa rét. Có hộ dân phải đi ba bốn lần mới thu được tiền. Khó khăn là ở chỗ, thu nhập của anh em dựa trên kết quả bán điện thương phẩm nhưng anh em phải đi vận động bà con dùng điện tiết kiệm. Làm thế nào để vừa đạt chỉ tiêu kinh doanh, tăng giá bán điện bình quân nhưng vẫn phải đạt chỉ tiêu tiết kiệm điện, nhất là trong giờ cao điểm là vô cùng khó. Vượt kW nào sẽ phải chịu phạt với giá gấp 4-5 lần. Nếu các anh vận động tốt, người dân dùng điện ít đi có nghĩa là doanh thu của các anh sẽ giảm và thu nhập cũng giảm theo. Thế nhưng các anh vẫn phải “thi đua” vận động bà con dùng ít điện. Nhiều khi bị phản ứng dữ dội vì “mua điện thì phải trả tiền, cớ sao lại bắt tiết kiệm”, các anh phải tùy vào tình hình cụ thể và thái độ gia chủ mà vận dụng cách thuyết phục khác nhau để mọi người thông cảm với ngành điện.

Không chỉ lo làm tốt chuyên môn, người thợ điện Thủ đô luôn luôn trân trọng và tự hào về công việc của mình, luôn tự học hỏi nâng cao kiến thức. Đó là những người có óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới, có khả năng thích nghi rất nhanh, khá năng động, luôn tìm tòi, cải tiến, sáng tạo. 5 năm qua, PCHN có 1.576 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với 1.186 sáng kiến cấp tiểu ban, 390 sáng kiến cấp hội động với tổng số tiền thưởng là 740,1 triệu đồng. Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2008-2013 của PCHN là: Các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng 10%/năm; thực hiện tốt các phong trào thi đua xây dựng phong cách người thợ điện Thủ đô “trách nhiệm, trí tuệ, thanh lịch” và “Gia đình thợ điện văn hóa”; trên 90% số CĐCS, bộ phận đạt vững mạnh.

Theo Báo Công Thương-12/6