Sự kiện

Giảm tổn thất, chống lãng phí là cách tiết kiệm hiệu quả nhất!

Thứ tư, 17/9/2008 | 16:49 GMT+7
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hiện nay cả nước có 8774 xã sử dụng điện lưới quốc gia (chiếm 96.75% số xã), trong đó EVN chỉ thực hiện bán điện trực tiếp đến 3414 xã (tương đuơng 38,91%),  hơn 50% địa bàn xã nông thôn còn lại (khoảng 4733 xã) chủ yếu mua điện gián tiếp thông qua các Hợp tác xã kinh doanh điện hoặc HTX kinh doanh tổng hợp (gọi chung là HTX). Các HTX này quản lý hệ thống điện tại thôn xã và quyết định mức giá bán điện cho dân cư ở đây.

Như vậy, giá bán điện (dùng cho ánh sáng sinh hoạt 390 đồng/kWh) mà Chính phủ ưu đãi cho nhân dân nông thôn thì chính các HTX kinh doanh điện năng được hưởng. Sau đó từ công tơ tổng, HTX bán điện đến các hộ dân với những cái giá cao hơn nhiều giá 390 đồng! Không chỉ vậy, hàng tháng người dân nông thôn muốn có điện còn phải đóng thêm nhiều khoản phí, tự đầu tư công tơ… do đó tiền họ trả cho 1 kW có thể đội lên con số hàng nghìn! Vô hình chung, một số tổ chức cá nhân cai thầu đã thu được khoản chênh  lệch giá điện mà đáng nhẽ ưu đãi giá điện này phải dành cho người dân nông thôn và chệnh lệch nếu có phải để tái đầu tư lưới điện, nâng cao chất lượng điện.

Tổn thất cao-lãng phí lớn!

Cũng chính vì hiện nay ngành điện bán điện qua công tơ tổng đến các đơn vị kinh doanh điện năng, phần điện năng từ công tơ tổng đến các hộ dân do HTX quản lý nên xảy ra tình trạng: Tổn thất điện năng khu vực nông thôn vô cùng lớn. Thực tế cho thấy lưới điện hạ áp nông thôn tại hầu hết các xã (trừ những xã do điện lực quản lý) được sử dụng đã lâu, không được sửa chữa nâng cấp, dẫn đến không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, tiết diện dẫn bé, sử dụng các cột rẽ nhánh tạm bợ, không an toàn, bán kính cấp điện quá lớn (có nơi đến 2-4 km), nhu cầu sử dụng ngày càng tăng gây quá tải, dẫn đến chất lượng điện năng thấp và tổn thất điện cao. Hệ thống lưới điện trong thời gian vận hành tuy đã được cải tạo, sửa chữa nhưng chưa đảm bảo chất lượng so quy định: các trạm điện còn thiếu, chưa đủ công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân;  cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thông điện kém chất lượng, nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện; mặt khác, đa số do các đơn vị kinh doanh tự sửa chữa và chưa thực hiện đúng quy định nên chất lượng không đảm bảo; Hộp công tơ chủ yếu do các đơn vị tự làm bằng tôn, gỗ,... công tơ do người dân tự mua, tự lắp với nhiều chủng loại khác nhau, không đảm bảo kỹ thuật, không được kiểm định thường xuyên, nên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đo đếm điện không chính xác. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tổn thất điện năng rất lớn.

Trong tháng 3 và 4 năm 2007, đoàn công tác khảo sát thực tế tại các địa phương bao gồm đại diện Cục Công nghiệp địa phương, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Năng lượng Dầu khí, Liên minh Hợp Tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công nghiệp, Điện lực tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại 47 đơn vị quản lý và kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn 17 tỉnh Bắc- Trung- Nam tiêu biểu cho kết quả: Tổn thất điện năng trung bình khu vực này khoảng 22-25%, rất ít xã có tổn thất dưới 20%. Tại nhiều xã do bán kính cấp điện quá xa công tơ được lắp đặt tại đường trục hạ áp đến vị trí bán cho cụm, tổ công tơ (thực hiện cơ chế khoán thu tại công tơ cụm, tổ) nên nếu tính tổn thất cả trên các nhánh tiếp theo thì sẽ còn cao hơn nhiều, có những nhánh tổn thất lên đến trên 40%! Đây mới chỉ là tổn thất kỹ thuật, chưa tính đến tổn thất do trình độ quản lý. Trong khi đó, lưới điện tại khu vực nông thôn do điện lực thuộc EVN quản lý thì mức độ tổn thất chỉ từ 5-7%/năm.

Hệ thống điện Yên Khánh trước cải tạo Hệ thống điện Yên Khánh sau khi Cty TNHH 1 thành viên Điện lực Ninh Bình tiếp nhận

Theo EVN, thử tính toán với mức tổn thất trung bình là 25% và sản lượng điện do các mô hình sản xuất kinh doanh điện nông thôn sử dụng hàng năm là 6.273 triệu kWh , thì sản lượng tổn thất hàng năm lên tới 1.254 triệu kWh. Sản lượng này nhân với giá bán buôn điện 390 đồng/kWh thì mỗi năm lãng phí gần 500 tỷ đồng của Nhà nước! Trong thực tế, người dân nông thôn phải mua điện cao hơn giá này rất nhiều, cá biệt có những nơi như huyện Anh Sơn (Nghệ An) giá bán điện sau công tơ cụm đến tận hộ dân lên đến 1200đ/kWh do tổn thất điện năng cao và sai số của công tơ đo đếm; Một số xã như Thủy Nguyên, Tiên Lãng (Hải Phòng), Cẩm Giàng, Tứ Kỳ (Hải Dương),…giá điện dân phải mua dao động trong khoảng 1000-2000 đồng/kWh.  Do vậy, nếu giảm mức tổn thất từ 25% xuống khoảng 15% sẽ tiết kiệm được 502 triệu kWh, tương đương sản lượng điện cả nước phấn đấu tiết kiệm trong năm 2007, chống lãng phí được hàng trăm tỷ đồng tiền của Nhà nước và nhân dân.

Chất lượng điện kém + sử dụng thiết bị tiết kiệm điện = Thiệt hại kinh tế

Với những chiến dịch tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đang được Chính phủ, Bộ Công thương và EVN thực hiện sâu rộng, người dân nông thôn đã dần ý thức được lợi ích của việc trang bị và sử dụng thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, chấn lưu điện tử… Tuy nhiên, hiện tại các tổ chức quản lý điện của địa phương không đủ năng lực về chuyên môn quản lý kỹ thuật và kinh doanh, lưới điện không được cải tạo, nâng cấp thường xuyên nên chất lượng điện kém, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do đó, nhiều nơi, người dân muốn sử dụng đèn compact hay túyp gầy cùng chấn lưu điện tử nhưng điện yếu, đèn không đủ sáng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị, gây lãng phí tiền của cho gia đình họ. Bởi thế thay vì tiết kiệm điện khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện người dân lại bị lãng phí tiền khi đầu tư mua sắm các thiết bị này. Chất lượng điện kém, các thiết bị tiết kiệm điện không đủ điều kiện phát huy tác dụng nên vô tình đã gây tổn hại kinh tế cho các hộ dân và lãng phí năng lượng của đất nước.

Xóa bán điện qua tổng: Việc cần làm ngay!

Trụ điện rối rắm sau UBND xã Hòa Nhơn (Hòa Vang-Đà Nẵng)

Người nông dân đã phải trả tiền điện cao hơn so với giá Chính phủ dành cho họ, nhưng họ lại "được" sử dụng chất lượng điện quá yếu kém. Câu hỏi được đặt ra và có nhiều cách lý giải cho tình trạng chất lượng điện năng khu vực nông thôn do HTX quản lý như: Bộ máy quản lý HTX là do tư nhân thầu để hưởng chênh lệch giá điện  nên càng ít cải tạo càng nhiều lợi nhuận; HTX không đủ năng lực về tài chính nên không đủ điều kiện để Ngân hàng cho vay đầu tư phát triển lưới điện địa phương; Lưới điện nông thôn đã tồn tại lâu đời, nhiều nơi còn bị thiên tai, bão lũ tàn phá làm hư hỏng nặng nề nên nếu không có tiền hỗ trợ và góp vốn của nhân dân thì các tổ chức quản lý điện nông thôn cũng không khôi phục và nâng cấp lưới điện được  v…v… Tuy nhiên, dù là nguyên nhân chủ quan hay quan thì cũng thẳng thắn thấy rằng việc bán điện qua tổng tại khu vực dân cư nông thôn bộc lộ quá nhiều hạn chế, cần phải xóa bỏ càng sớm càng tốt. Ngành điện tiếp nhận lưới điện nông thôn sớm ngày nào thì người dân sớm được hưởng chính sách ưu đãi về giá điện của Nhà nước ngày đó cũng như được sử dụng nguồn điện đảm bảo chất lượng.

 Trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm điện, thì mô hình xóa bán điện qua tổng tại nông thôn được coi là phương thức tiết kiệm điện hiệu quả. Người nông dân sẽ được hưởng những quyền lợi chính đáng về giá điện ưu đãi mà trước kia họ chưa được hưởng. Nhà nước cũng sẽ không bị thất thoát tài nguyên quốc gia. Lợi cả đôi đường nên thiết nghĩ việc tiếp nhận lưới điện về ngành điện quản lý và thực hiện bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ ở nông thôn là những việc cần được chính quyền địa phuơng và người dân ủng hộ và thực hiện triệt để, góp phẩn đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn./
Trần Phương