Sự kiện

Điện lực Quảng Nam: Chuẩn bị Đề án tiếp nhận lưới điện và tổ chức bán lẻ đến hộ dân nông thôn giai đoạn 2008-2010

Thứ năm, 18/9/2008 | 10:09 GMT+7
Nhiều người định kiến với sự “độc quyền” của ngành điện, nhưng ở nông thôn, miền núi Quảng Nam không ít người muốn được mua điện trực tiếp từ các chi nhánh điện thay vì mua điện qua các tổ chức bán điện trung gian khác! Đó là một nghịch lý tồn tại thực tế, bởi đa số khách hàng lại muốn mua điện trực tiếp từ một đơn vị được coi là “độc quyền”?

Các tổ chức "bán tổng" không chịu bàn giao cho ngành điện quản lý nên mới có chuyện "hai cột điện cùng đứng một chỗ"!

Nghịch lý của sự “độc quyền” ở nông thôn

Lý giải vấn đề này không khó. Điện nông thôn, miền núi được Nhà nước quan tâm đặc biệt từ chính sách đầu tư đến giá bán điện. Lâu nay, Điện lực thường bán điện sinh hoạt nông thôn cho 100 chữ đầu với giá thấp hơn 1/3 so với giá bán lẻ bình quân toàn tỉnh, và thấp hơn gần một nửa so với giá thành của ngành điện. Mặt khác, khách hàng mua điện trực tiếp từ Điện lực thường rẻ hơn 15-20% so với mua qua trung gian, lại được chăm sóc tốt hơn, phục vụ kịp thời, chu đáo và đảm bảo chất lượng, an toàn. Hiện tại, Điện lực bán điện cho các tổ chức trung gian 360đ/kWh tại công tơ tổng, bán lẻ 550 đ/kWh đến hộ dân, trong khi người dân nông thôn phải gánh 700 đ/kWh, thậm chí nhiều nơi còn phải mua cao hơn mức giá này đến 30-40% vì tính thêm phần hao hụt. Người dân thường quan tâm đến cái lợi, chính vì vậy đa số muốn được mua điện trực tiếp từ Điện lực Quảng Nam là điều hiển nhiên.

Như thế mới thấy độc quyền của ngành điện là sự “độc quyền về mặt nhà nước”, độc quyền không có thực lực, bởi ngành điện không hoàn toàn chủ động trong kinh doanh, mà phải hoạt động trong một “cái khuôn” định sẵn về giá, về phương cách phục vụ và phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Vì vậy nên đa số người tiêu dùng cảm thấy quan hệ mua điện trực tiếp với Điện lực còn “dễ chịu” hơn nhiều so với mua qua các tổ chức trung gian còn nhiều rắc rối và phức tạp như hiện nay.

Vẫn còn 74% số hộ dân nông thôn Quảng Nam mua điện qua trung gian

Khu vực nông thôn, miền núi Quảng Nam hiện nay có 96,43% số hộ có điện (trên 267.827 hộ). Mặc dù điện đã góp phần chuyển biến rõ nét đời sống của người dân nông thôn, miền núi, song cơ chế tổ chức quản lý điện nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập: Giá bán điện cao, chất lượng và kỹ thuật an toàn điện chưa đảm bảo, không trích khấu hao cơ bản…Về quản lý mỗi nơi làm theo một kiểu, nhưng về kỹ thuật, an toàn điện, hầu hết đều có chung một nhược điểm là duy trì lưới điện lâu ngày trong tình trạng không đầu tư sửa chữa, cải tạo nên lưới điện vừa bùng nhùng, tạm bợ, vừa xuống cấp nhanh.

Nhằm rút ngắn khoảng cách lợi ích giữa người tiêu dùng điện ở thành phố và nông thôn, từ nhiều năm qua, UBND tỉnh và PC3 đã phối hợp chỉ đạo triển khai quyết liệt chủ trương bàn giao lưới điện trung áp nông thôn cho Điện lực Quảng Nam quản lý, vận hành và để thực hiện xoá bán tổng, chuyển sang bán lẻ đến hộ dân (theo tinh thần Quyết định số 255/2003/QĐ-TTg ngày 1-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của dân nên được đa số ủng hộ. Vì vậy, đến nay, gần như toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn đã được bàn giao, và ngành điện đã đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp hệ thống lưới điện này đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn điện ở nông thôn, miền núi.

Tuy vậy, đối với lưới điện hạ áp, việc bàn giao lại diễn ra không mấy thuận lợi. Để xóa bán điện qua công tơ tổng, triển khai bán lẻ thì nhất thiết lưới điện hạ áp cũng phải được bàn giao cho Điện lực quản lý. Nhiệm vụ này đòi hỏi đầu tư công sức, tiền của rất lớn nên phải có thời gian chuẩn bị đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, lắp đặt công tơ đến hộ dân và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng. Giai đoạn đầu việc giao nhận tài sản ở các nông, lâm trường và các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư của Nhà nước diễn ra tương đối thuận lợi do việc xác lập hồ sơ dễ dàng. Về sau, công tác này chậm dần tiến độ, hằng năm không hoàn thành kế hoạch PC3 giao do các công trình còn nhiều vướng mắc về hồ sơ đất đai, xác định vốn, định giá tài sản, giải quyết vấn đề nhân sự…Nhưng cao hơn hết là các ban quản lý điện có tâm lý lừng khừng, không muốn bàn giao do mất nguồn lợi từ kinh doanh bán điện, tâm lý ấy đã bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm này, việc bán lẻ điện ở nông thôn Quảng Nam do 157 tổ chức thực hiện. Điện lực Quảng Nam là nhà phân phối duy nhất và bán lẻ cho 75.500 hộ dân qua 630 trạm biến áp, với tổn thất điện năng bình quân 7,5%; Công ty Xây dựng & phát triển hạ tầng Quảng Nam bán lẻ cho 85.800 hộ dân trên địa bàn 107 xã, qua 210 trạm biến áp, với 55.100 công tơ điện, tổn thất trung bình 13,5%; Các tổ chức khác gồm 155 đơn vị bán điện cho 165 nghìn hộ dân trên địa bàn 115 xã, qua 240 trạm biến áp, với 130.150 công tơ điện, tổn thất trung bình 25%. Như vậy, toàn tỉnh hiện còn 74% hộ dân nông thôn mua điện từ các tổ chức khác, phải chịu giá cao, hao tổn điện năng lớn, chất lượng điện kém.

Cần quan tâm đến lợi ích của khách hàng

Hiện trạng lưới điện nông thôn của các chủ sở hữu ngoài Điện lực và Cty XD&PT hạ tầng, hầu hết không đảm bảo về kỹ thuật an toàn, chưa đủ tiêu chuẩn để vận hành bán điện. Người dân phải chịu chi phí toàn bộ để có điện và trả giá điện còn cao hơn ở thành phố (thường cao hơn 200 đ/kWh).

Việc bàn giao lưới điện hạ áp cho Điện lực Quảng Nam quản lý nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân nông thôn đã có sự thống nhất về chủ trương giữa UBND tỉnh, Bộ Công thương và EVN. Mới đây, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương phối hợp với Điện lực Quảng Nam hoàn thiện Đề án tiếp nhận và tổ chức bán lẻ đến hộ tiêu thụ điện nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008-2010, để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong thời gian đến. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, hỗ trợ Điện lực và các địa phương thực hiện tốt chủ trương này.

Lưới điện được các đơn vị ngành điện cải tạo sau khi tiếp nhận - vừa an toàn, vừa đẹp mắt

Phạm vi tiếp nhận theo dự kiến, và nếu có sự thống nhất, thoả thuận của ngành điện và địa phương, sẽ là toàn bộ lưới điện trung, hạ áp của 155 tổ chức kinh doanh điện nông thôn; toàn bộ lưới điện hạ áp thuộc dự án RE2, OPEC 3 do UBND tỉnh đầu tư ngay sau khi hoàn thành đưa vào vận hành. Riêng đối với lưới điện hạ thế thuộc dự án OPEC 1, OPEC 2 do Công ty XD&PT hạ tầng quản lý và kinh doanh bán điện sẽ có sự thoả thuận của đôi bên, và nếu thống nhất sẽ báo cáo UBND tỉnh và PC3 để thực hiện.

Nhận bàn giao lưới điện trung, hạ áp và mở rộng bán lẻ đến khách hàng ở nông thôn Quảng Nam, sẽ đảm bảo được lợi ích của hàng vạn khách hàng nhưng về lâu, về dài sẽ có nhiều khó khăn cho Điện lực Quảng Nam, nhất là trong công tác bố trí nhân sự, vay vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện và đầu tư đưa điện đến từng hộ dân. Tuy nhiên, vì cái lợi lớn toàn cục, dù khó khăn, các đơn vị ngành điện và địa phương phải cùng quyết tâm đồng lòng thực hiện.

Theo PC3