Sự kiện

Kỷ niệm 79 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2008: Công đoàn ngành Điện Việt Nam – Những mốc son lịch sử

Thứ hai, 18/8/2008 | 10:39 GMT+7
Công đoàn Việt Nam – lúc đầu gọi là Công Hội Đỏ - chính thức ra đời, hoạt động đã được 79 năm (28/7/1929 – 28/7/2008). Với ngành Điện Việt Nam, Công Hội Đỏ được khởi xướng và ra đời hoạt động từ đầu những năm 20 của thế kỷ 20 ở Sài Gòn - Chợ Lớn do một thợ máy Nhà Đèn Chợ Quán là Tôn Đức Thắng làm Chi hội trưởng (sau này Bác là vị Chủ tịch nước kính yêu của chúng ta).

 

Toàn thể BCH Công đoàn Nhà máy Đèn Bờ Hồ khóa I (1958-1960)

Sau khi có những cuộc vận động đấu tranh cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ, nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú của ta đã đi “vô sản hóa”, vào làm thợ tại các vùng mỏ, đồn điền và các nhà máy điện (hồi đó thường gọi là Nhà Đèn)  và đã gây dựng nên đội ngũ cốt cán trung kiên, tiền bối của cách mạng Việt Nam. Các vị: Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái đã từng làm thợ tại Nhà máy điện Vinh – Nghệ An; Nguyễn Đức Cảnh – vị Chủ tịch Công Hội Đỏ đầu tiên của nước ta cùng với ông Lương Khánh Thiện hoạt động tại Nhà Đèn Thượng Lý (Hải Phòng) và Nhà máy Điện Yên Phụ; Phan Kết (Điện Cọc 5); Hoàng Văn Đoài (Điện Cửa Cấm – Hải Phòng); Trần Bảo, Trần Văn Lan (Điện Nam Định); Lê Thanh Tửu – tức “Sáu Đen” ở Huế (sau này là Phó Giám đốc Sở Cung cấp điện Hà Nội); Lê Thanh Nghị - sau này là Ủy viên Bộ Chính trị  - Phó Thủ tướng Chính phủ;…
 

Ở các vùng mỏ hay các nhà máy điện trên miền Bắc, các hoạt động công đoàn rất cam go, gay cấn vì hằng ngày phải đương đầu với bộ máy cầm quyền độc tài, phản động thân Pháp. Ở đó, có hệ thống gián điệp, phòng nhì khét tiếng, nên các đồng chí có thể phải vào tù, ra tội, bị thủ tiêu… Nhưng những cán bộ cách mạng nói trên vẫn lặn lội tìm cách vào làm thợ tại các nhà máy điện để từng bước dắt dẫn phong trào, vận động quần chúng công nhân nổi dậy đánh đổ phong kiến, đế quốc, làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước thông qua các cuộc đấu tranh cụ thể ở các xưởng thợ đòi quyền lợi cho người lao động. Từ những hoạt động bí mật ban đầu đến những hoạt động bán công khai, rồi công khai sau này là một quá trình hàng chục năm đầy gian nan, thử thách. Mãi cho đến năm 1945, mới thực sự có những cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945.

 

Từ năm 1930 đến 1945, tại các cơ sở điện lực từ Bắc vào Nam, đã có hàng trăm cuộc đấu tranh lớn, nhỏ đòi các quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống, chống đánh đập, rãn đuổi thợ thuyền… Trong đó, có những sự kiện nổi bật, điển hình như: Ngày 1-5-1938, tổ chức rải truyền đơn, cắm cờ đỏ trên nóc lò hơi của Nhà máy Điện Yên Phụ và tham gia biểu tình tại Nhà Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị). Khi Nhật đảo chính thay chân Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), Công đoàn đã vận động công nhân ở các nhà máy điện kháng Nhật, chống Pháp. Đến 19-8-1945 đã tham gia biểu tình, tổng khởi nghĩa đánh chiếm Phủ Khâm sai. Tiếp đó, đoàn biểu tình của các nhà máy điện ở Hà Nội đã trở về xí nghiệp tước khí giới của quân đội Nhật – một sỹ quan cấp cao của quân đội Nhật đã tự sát. Quân Nhật đã chấp thuận đầu hàng, trao trả nhà máy điện cho công nhân tự quản. Hồi 20h ngày 19-12-946, Công đoàn Nhà máy Điện Yên Phụ đã bí mật nhận lệnh của cấp trên, chỉ định một số công nhân cốt cán: Cắt cầu dao điện, đặt mìn phá máy làm tín hiệu (mất điện) để pháo đài Láng nổ súng, nã vào các đồn binh của quân đội Pháp, mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc (1). Ngay sau đó, nhiều cán bộ Công đoàn của ngành Điện đã tự nguyện ở lại chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội và đã gia nhập Trung đoàn Thủ đô, tham gia kháng chiến chống Pháp (một ví dụ điển hình là ông Nguyễn Đức Tính, nguyên là Chủ tịch Công đoàn Hậu cần Việt Nam trước đây cũng là một trong những cán bộ công đoàn của Nhà máy điện Yên Phụ).

 

  Cuộc họp BCH Công đoàn Nhà máy Đèn Bờ Hồ khóa I (1958-1960) tại trụ sở Công đoàn, 30 Lý Thái Tổ (Hà Nội)
 

Từ năm 1946 đến 1954, các hoạt động Công đoàn ở giai đoạn này có nhiều khó khăn, phức tạp hơn. Lúc đầu có những cơ sở “trắng”, không có nổi 1 cán bộ công đoàn vì bọn Việt gian, phòng nhì tìm diệt các cơ sở có bóng dáng Việt Minh hoạt động. Đầu năm 1947, nguồn điện ở Hà Nội đã được khôi phục, bọn chủ Nhà Đèn rất cần các thợ điện lành nghề, nhất là thợ vận hành và sửa chữa các thiết bị điện… Lợi dụng tình hình này, một số cán bộ công đoàn được biệt phái, điều động bí mật “về thành” (vào Hà Nội) đã tìm cách xin vào làm thợ tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ và Nhà máy Điện Yên Phụ (2), “bắt mối” với những công nhân cốt cán và một vài cán bộ công đoàn “nằm vùng” (bên trong xí nghiệp), bí mật liên lạc với đường dây công vận nội thành, tổ chức dắt dẫn, chỉ đạo phong trào công nhân từng bước đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, dân quyền – tiến tới các cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi về kinh tế, chính trị, chống lại bọn “Nghiệp Đoàn Vàng”, bọn phản động đội lốt công giáo nhằm chống vận động công nhân di cư và di chuyển máy móc, thiết bị mang đi Nam sau khi ký kết Hiệp định Giơ – ne – vơ (tháng 7-1954). Các cuộc đấu tranh ở giai đoạn này rất gay cấn, quyết liệt, dễ bị đàn áp nhưng cuối cùng đã đạt được các mục tiêu quan trọng là: Giữ được các nhà máy điện trên miền Bắc – đặc biệt là nhà máy điện ở Hà Nội an toàn; đón mừng Đại quân của ta vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954.

 

Sau khi tiếp quản các nhà máy điện ổn định, mọi hoạt động của Công đoàn đi vào nền nếp. Các ban Cán sự Công đoàn đã sắp xếp lại tổ chức, chỉ định thành lập các ban chấp hành (BCH) Công đoàn lâm thời, chuẩn bị cho việc ra đời chính thức các công đoàn cơ sở để phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức vận động quần chúng tham gia khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh (chống Pháp), góp phần xây dựng và phát triển kinh tế  - văn hóa, củng cố quốc phòng, phục vụ đời sống dân sinh, tích cực tham gia công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Hơn nửa thế kỷ đã qua (1954-2008), các hoạt động của Công đoàn ngành Điện nước ta từ những bước đi sơ khai ban đầu, từ chỗ chỉ có vài ba công đoàn cơ sở nhỏ bé, sinh hoạt chung với các công đoàn bạn trong Liên hiệp công đoàn địa phương, tiến tới thành lập Công đoàn ngành nghề Trung ương là Công đoàn Điện – Than Việt Nam, rồi Công đoàn Năng lượng Việt Nam và hiện nay là Công đoàn Điện lực Việt Nam với hàng chục ngàn cán bộ, đoàn viên công đoàn ngày một trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, chuyên sâu vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển Điện lực của đất nước, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH đất nước ta.

 

Ghi chú:

 

(1) Công việc trên do ông Nguyễn Giang – tức Nguyễn Quí – cán bộ công vận Hà Nội (năm 1946) đặc trách. Bên trong Nhà máy có các ông: Nguyễn Văn Thắng, Vũ Văn Dung, Nguyễn Văn Thư – tức “Cai Thư” làm nòng cốt và giám sát, thực thi cụ thể. Sau vụ này, ông Cai Thư bị bắt cầm tù. Ông bị tra tấn rất dã man và chết tại trại giam Nhà Tiền (Hà Nội) năm 1948.

(2) Ông Lê Quang Minh, nguyên là Thư ký Công đoàn Xưởng Phát điện Yên Phụ ( năm 1956-1958). Sau này, ông là Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (năm 1983-1985). Ông Trấn Nam sau nhiều năm hoạt động Công đoàn, về làm Trưởng ban Thi đua của Thành phố Hà Nội.

Theo TCĐL số 7/2008