Sự kiện

Tiết kiệm năng lượng khu vực hành chính công:Đi đầu làm gương cho dân

Thứ tư, 20/8/2008 | 09:45 GMT+7
Khu vực hành chính công là nơi được sử dụng năng lượng (NL) công, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu. Tuy nhiên, tiết kiệm của công bao giờ cũng khó, không chỉ riêng có NL. Chính phủ đã nhiều lần đưa ra các biện pháp mạnh siết lại việc sử dụng lãng phí nguồn NL công này nhưng hiệu quả còn cách xa mục tiêu.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, lúc này khi mà nguồn NL trở nên cực kỳ khan hiếm và đắt đỏ, khu vực hành chính công phải gương mẫu đi đầu làm gương nếu muốn kêu gọi toàn dân tiết kiệm.

"Nghịch lý là các nước giàu thực hiện thành công chiến lược tiết kiệm năng lượng (TKNL), trong khi các nước nghèo - trong đó có VN - lại chưa thực hiện hoặc TKNL không hiệu quả. Vì thế các nước nghèo không chỉ tiêu tốn NL, hiệu quả kinh tế kém, mà còn không thúc đẩy cải thiện công nghệ. Nói như vậy để thấy TKNL không chỉ là việc hạn chế tiêu dùng từ người dân, mà còn phải là chính sách, chiến lược của nhà nước với cả hệ thống. Đây là điều mà VN chưa làm được" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ quan điểm khi trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 23.7.

Theo bà thì đâu là nguyên nhân?

- VN mải theo đuổi tăng trưởng kinh tế, mà chưa quan tâm đúng mức chiến lược TKNL. Thậm chí, VN còn chủ quan vào tiềm năng NL của mình. Cụ thể, VN cho rằng có nguồn nước dồi dào để phát triển thuỷ điện; có than, có dầu để phát triển nhiệt điện. Nhưng đến nay tiềm năng chưa thành hiện thực, còn điện thì thiếu nghiêm trọng.

Sự chủ quan và ỷ lại này cũng thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế. Lâu nay, các ngành công nghiệp chỉ quan tâm đến việc cần bao nhiêu thép, ximăng...; song lại quên mất điều vô cùng quan trọng là để có được thép, ximăng... thì cần bao nhiêu NL. Rõ ràng VN chưa đưa vấn đề NL vào chiến lược phát triển chung của đất nước; chưa chọn lọc nên đầu tư, phát triển cái gì để TKNL mà vẫn đạt hiệu quả... Những bất cập trên đã khiến ý thức về phát triển NL, TKNL không được quan tâm đầy đủ; thậm chí là chưa thấy được cần phải TKNL từ Nhà nước đến người dân.

Nhưng thực tế VN đã có nhiều chỉ thị (3 chỉ thị về TK xăng dầu, 1 chỉ thị về TK điện), nhiều đợt vận động TKNL, thưa bà?

- Những chỉ thị, lời kêu gọi, vận động không thể hiệu quả nếu như chính những người có trách nhiệm không gương mẫu thực hiện. Trước đây và vừa qua vẫn có hiện tượng hàng loạt quan chức bộ, ngành, địa phương sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn, lãng phí. Cấp trên không gương mẫu thì cấp dưới khó lòng nghiêm túc thực hiện.

Vậy theo bà thì cần thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả như mong muốn? Theo bà, việc cắt giảm 10% chi tiêu hành chính đã đủ mạnh chưa?

- Trong số 10% này có cả cắt giảm công tác nước ngoài, hội nghị... Con số này chưa đủ và quá chung chung. Việc chỗ này chỗ kia đăng ký và con số cắt giảm vài ba ngàn tỉ là chưa thuyết phục. Tôi còn nhớ Bộ Tài chính đã nói chỉ riêng cắt giảm và thực hiện khoán xe công đã có thể TK 2.000 tỉ đồng. Vậy sao không thực hiện luôn mà còn chần chừ? Tôi cho rằng cần cắt luôn, không bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) nữa. Chừng nào còn bố trí NSNN cho những chi tiêu này thì còn lãng phí.

Vì thế, theo tôi, ngay từ tháng 8.2008, cần cắt giảm trực tiếp 10% NSNN riêng cho xăng dầu và điện chứ không chờ đợi vào sự tự nguyện. Với 4 tháng thực hiện, kết quả TK sẽ là rất đáng quý, bởi nó cho thấy Nhà nước gương mẫu đi trước, nhân dân theo đó mà thực hiện chứ không nên hô hào, nói suông. Đặc biệt, việc này sẽ tạo điều kiện để việc TK đi vào nền nếp.

Vậy còn bước đi dài hạn thì sao, thưa bà?

- Việc khoán xe công không chỉ giúp NSNN mà còn giúp xã hội giảm thiểu gánh nặng. Trước mắt đã làm thì dài hạn nên thực hiện đồng loạt. Cụ thể từ năm 2009, Chính phủ nên trình và Quốc hội nên phê duyệt chế độ khoán xe công. Theo tôi, ít nhất từ cấp thứ trưởng trở xuống nên áp dụng cơ chế này.

Đối với hệ thống hành chính thì cũng từ năm 2009 cần tập trung hệ thống trụ sở để bớt chi phí và làm việc có hiệu quả. Thời gian qua cho thấy, dù nhiều nơi thực hiện "1 cửa", nhưng đằng sau nó lại còn nhiều cửa khác. Việc tập trung này giúp hệ thống hành chính liên thông, bớt chi tiêu đi lại cho hệ thống hành chính và cho người dân. Vừa rồi báo chí có nêu việc cơ quan chỉ có 2 người mà dùng cả trụ sở 3 tầng. Lãng phí đây chứ đâu. Vì thế, mệnh lệnh hành chính không giải quyết được mà phải bằng cơ chế quyết liệt hơn như thu hồi trụ sở lãng phí, sắp xếp lại để đưa vào sử dụng các mục đích có ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt là cần chấm dứt tình trạng xây trụ sở quá to, chướng mắt, trong khi thực tế kinh tế còn khó khăn...

Đối với cắt giảm đầu tư công cũng cần công khai, minh bạch, xem cắt giảm dự án nào, bao nhiêu tiền và tiền đó dùng việc gì. Tránh trường hợp cắt chỗ này, nhưng lại đổ sang chỗ khác vẫn kém hiệu quả... Những điều này chúng ta có thể thực hiện được.

Nhưng người đứng đầu có vi phạm thì cũng khó xử lý và thực tế đang là như vậy. Đây có phải là điều nhạy cảm không, thưa bà?

- Đấy là do chúng ta chưa quyết liệt. Chính phủ và Bộ Tài chính cần xác định việc xử lý là nhân danh hơn 80 triệu dân để thực hiện công quyền. Nếu ai đó vi phạm thì xử lý, thậm chí ở một địa phương nếu cả "bộ tứ" vi phạm thì cả "bộ tứ" phải chịu trách nhiệm. Như vậy sẽ được người dân ủng hộ và đồng tình.

 

- Xin cảm ơn bà!

Theo Lao Động số 168