Sự kiện

Dòng điện không tắt trên quê hương Xô Viết

Thứ năm, 20/12/2007 | 10:23 GMT+7

Năm 2007, sau 50 năm, tính từ khi tổ máy phát điện số 1 chạy thử thành công, Nhà máy Điện Vinh đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Đây là di tích Lịch sử  cấp quốc gia đầu tiên mà ngành Điện Việt Nam có được và niềm vinh dự ấy ngành Điện đã đón nhận vào dịp kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống của ngành (21/12/1954-21/12/2007). Ngoài những ý nghĩa giá trị về bảo tồn bảo tàng, chứng tích ghi nhớ tội ác của đế quốc Mỹ, trong thời kỳ chúng leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân và pháo hạm, di tích Lịch sử Nhà máy Điện Vinh còn có giá trị giáo dục truyền thống về tinh thần lao động sáng tạo, lòng dũng cảm, tình hữu nghị Việt-Xô.

              

 

                Bác Hồ nói chuyện với CBCNV Nhà máy điện Vinh

Năm 1955, Nhà máy điện Vinh là một trong số những công trình được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Liên Xô (cũ) cho Việt Nam. Ngày 1/6/1956, công trình được khởi công với lực lượng xây dựng chủ yếu là bộ đội, công nhân kỹ thuật được đào tạo ở nước ngoài về, lực lượng của Bộ Kiến trúc, Cục Lắp máy Bộ Công  nghiệp và công nhân nhà máy điện SIFA  (Cty Lâm Sản và Diêm Đông Dương của thực dân Pháp).

Ngày 15/6/1957, trong không khí lao động khẩn trương nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, cán bộ công nhân công trường được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Sau hơn 50 năm xa quê hương đi tìm đường cứu nước, đây là lần đầu tiền Bác Hồ về thăm quê. Bác đi thăm toàn bộ công trường, nơi ăn ở của công nhân và dặn dò: “...Các cô các chú đã chịu đựng gian khổ thi đua lao động sản xuất đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục công trình...Các cô các chú phải nhắc nhau giữ gìn an toàn lao động, phải tích cực học tập các chuyên gia Liên Xô, để sau này quản lý nhà máy cho tốt. bác mong các cô, các chú hãy ra sức thi đua làm nhanh, làm tốt để Nghệ Tĩnh sớm có điện”. Rồi Bác bắt nhịp cho mọi người hát bài “Kết Đoàn” trong không khí vui mừng và cảm động để tạm biệt công trường.

Được Bác đến thăm, động viên, công trường xây dựng như được tiếp thêm sức mạnh, phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, nên chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 6/1956 đến tháng 7/1957, nhiều hạng mục quan trọng trên công trường đã được hoàn thành. Tháng 12/1957, nồi hơi số 1 máy phát điện số 1 đã được lắp xong, chạy thử thành công, liên tiếp đến tổ máy số 2, số 3 đi vào vận hành. Đến tháng 6/1958, nhà máy đã hoàn thành với công suất 8.000KW, bắt đầu cung cấp điện phục vụ sản xuất công nghiệp, thuỷ nông, cấp nước, liên lạc, truyền thanh, giao thông, anh sáng công cộng và sinh hoạt cho nhân dân.

Từ năm 1963 trở đi, nhà máy Điện Vinh phục vụ cho nhiều đơn vị quân sự. Nét nổi bật của thời kỳ này là phong trào thi đua giành danh hiệu tổ đội lao động XHCN phát triển mạnh mẽ. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBCNV được áp dụng như: cải tiến phễu than đẻ giảm 2.000 ngày công mỗi năm, giảm nhẹ cường độ lao động và giữ gìn sức khỏe cho công nhân; đốt than cám thay cho than Don (để dành than xuất khẩu), thay rơle cho hệ thống chiếu sáng thành phố....

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa máy bay đánh phá vùng Vinh- bến Thuỷ. Từ đây, miền Bắc bắt đầu bước vào thời kỳ vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Trong 30 ngày đếm đầu năm 1965, nhà máy đã huy động hơn 2 vạn ngày lao động ngoài giờ để đào hầm, đắp ụ; vận chuyển hàng ngàn tấn thiết bị vật tư, vật liệu cho sản xuất ra ngoài thành phố Vinh. Ngày 4/6/1965, đế quốc Mỹ huy động nhiều tốp máy bay từ nhiều hướng tập trung bắn phá ném bom nhà máy làm tổn thất thất lớn về người (8 cán bộ công nhân hy sinh) và hư hỏng nghiêm trọng máy móc. Những ngày sau đó, máy bay Mỹ liên tiếp ngày đêm tập trung bắn phá vào nhà máy. Thành phố Vinh chìm trong đêm tối và để giữ vững tinh thần cho nhân dân và chiến sĩ thành phố Vinh, nhà máy đã sáng tạo bằng cách huy động 1 máy phát điện 30KVA đặt trên ô tô để phát điện lưu động, nguồn điện được ưu tiên cho đài phát thanh, bệnh viên, các đài chỉ huy tác chiến của tỉnh, thành phố...

Song, để bám trụ sản xuất lâu dài, nhà máy chủ trương củng cố nơi ăn ở thật vững chắc bằng việc làm lắn trại sát vách núi, đục sâu vào lòng núi Quyết làm hầm ở được khoảng 400 người và đặt một số thiết bị máy móc.

Ngày 2/9/1965, sau 45 ngày khẩn trương phục hồi dưới làm mưa bom bão đạn của kẻ thù, nhà máy Điện Vinh trở lại hoạt động.

Năm 1966, mức độ leo thang bắn phá của không quân Hoa Kỳ càng ác liệt hơn, tinh thần bám trụ của anh em cán bộ công nhân nhà máy Điện Vinh lại càng kiên cường hơn. Hai năm gian khổ ác liệt giành giật với kẻ thù để sản xuất ra từng KW điện, dòng điện nhà máy vẫn được phát đi, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất sản xuất và chiến đấu cho Nghệ -Tĩnh, với sản lượng gần 12 triệu kWh bằng tinh thần “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi, bám trụ kiên cường, thề quyết tử cho dòng điện quyết sinh, ống khói chính đổ, ta làm ống khói bằng tôn, ống khói bằng tôn đổ ta làm ống khói ngầm”.

Như vậy, trong suốt thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tập thể cán bộ công nhân nhà máy Điện Vinh trong khói lửa khốc liệt của cuộc chiến tranh đã viết lên khúc tráng ca, niềm tự hào không chỉ của công nhân nhà máy Điện Vinh, mà còn là niềm tự hào công nhân ngành Điện Việt Nam.

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, nhà máy Điện Vinh bước vào thời kỳ phát triển mới. Nhằm giải quyết kịp thời sự mất cân đối về cung cầu, nhà máy Điện Vinh đã lắp đặt, tăng cường nhiều máy phát điện bằng máy Diezel nâng tổng công suất nguồn điện từ 8.000KW lên 20.000KW: năm 1983 phát được 33 triệu kWh, năm 1984 phát được 53 triệu kWh.

Tháng 8/1984, nhà máy Điện Vinh được đổi thành Sở Điện lực Nghệ Tĩnh. Lịch sử nhà máy Điện Vinh đã bước sang một rang mới. từ đây, chức năng nhiệm vụ cũng thay đổi. Từ sản xuất điện để phục vụ nay chuyển sang nhận điện lưới quốc gia để kinh doanh phục vụ nhu cầu của xã hội.

Tháng 10/1985, nhà máy Điện Vinh ngừng hoạt động do nguồn điện phía Bắc được tăng cường từ nhiệt điện Phả Lại, thuỷ điện Hòa Bình...Sau 27 năm hoạt động (12/1957-10/1985), nhà máy Điện Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử. Nhà máy là chứng tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà tên tuổi đã đi vào lịch sử quê hương đất nước như biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh- đó chính là dòng điện không bao giờ tắt trên quê hương Xô Viết./

Thanh Mai