Sự kiện

Giải quyết thiếu điện mùa khô : Riêng EVN không “kham” nổi

Thứ hai, 28/4/2008 | 11:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cung cấp điện và những giải pháp khắc phục trong mùa khô năm nay

Điện- vẫn phải “nhờ” trời

Theo báo cáo của EVN, mặc dù đã xây dựng kế hoạch phát điện tăng 15,82% so với năm 2007 (riêng các tháng mùa khô tăng trưởng 18,11%), đồng thời, lập kế hoạch huy động tất cả các nguồn, kết hợp với các biện pháp tiết kiệm điện nghiêm ngặt nhưng vấn đề cung cấp điện mùa khô năm 2008 vẫn vô cùng căng thẳng. Nguyên nhân là nhu cầu điện thương phẩm tăng 19,09% (riêng điện cho công nghiệp tăng 20,95%). Một số sự cố về nguồn điện năm 2007 vẫn chưa khắc phục xong. Mực nước các hồ thủy điện miền Bắc và miền Trung thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các nguồn điện mới vào gần như hoạt động chưa đạt yêu cầu. Nhiệt điện Cà Mau 1 chỉ cung cấp được 576 triệu/1.385 triệu kWh theo kế hoạch, gây thiếu hụt 810 triệu kWh. Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 chỉ cung cấp được 305/630 triệu kWh (hụt 325 triệu kWh). Sự cố tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang phải dừng từ 5/2 - 14/3 gây thiếu hụt 80 triệu kWh. Các nguồn khí Cửu Long, nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định làm giảm sản lượng của các tổ máy tua bin khí khoảng 650 triệu kWh so kế hoạch. Nhiệt điện Cà Mau 2 (750 MW) và Nhơn Trạch chậm tiến độ khó có thể vận hành trước cuối tháng 5/2008. EVN đã huy động các nguồn Hiệp Phước, Amata, Formosa, Cà Mau, Cái Lân với giá rất cao (1.014 đồng – 2.254 đồng/kWh). Huy động các nguồn chạy dầu DO và diesel với giá thành trên 4.600 đồng/kWh để truyền tải điện ra miền Bắc. Mặc dù vậy, tổng sản lượng các nguồn chỉ đáp ứng được 48 triệu kWh/ngày (tháng 4) và 55,5 triệu kWh/ngày (tháng 5). Hơn nữa, hiện nay đường dây 500 kV phải tải từ Nam ra Bắc 27-28 triệu kWh/ngày (đạt tới 90% công suất). Theo EVN, nếu cứ tải với công suất lớn như vậy, không may xảy ra sự cố trên thì 1 trong 2 đường dây 500 kV có nguy cơ rã lưới ở miền Bắc là rất lớn. Mặc dù hiện nay, tình hình thủy văn tương đối khả quan, lưu lượng nước về các hồ cao hơn 30- 40% so cùng kỳ mọi năm. Tập đoàn Than khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí cam kết sẽ đảm bảo cung cấp lượng khí, than cho điện. Các Nhà máy Cà Mau 2 và Nhơn Trạch cam kết sẽ đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 12/6 và vận hành toàn bộ vào tháng 9 tới. Điều đáng lo ngại nhất là việc đảm bảo sản lượng điện và an toàn cho đường dây 500 kV để truyền tải điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, những giải pháp đột phá cứu điện trong mùa khô năm nay là khó có thể xảy ra. Mọi điều chỉ còn hy vọng lũ tiểu mãn sẽ về sớm để cải thiện tình hình.

Khắc phục thiếu điện, mình EVN không làm nổi

Để khắc phục tình hình, EVN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: Hoàn thành sửa chữa bảo dưỡng các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, diesel, đảm bảo sẵn sàng huy động cao trong mùa khô. Đàm phán với Trung Quốc mua thêm 50 triệu kWh trong tháng 4, 5. Xử lý nhanh chóng sự cố Phú Mỹ, Uông Bí mở rộng 1. Phối hợp với PetroVietnam và Lilama đẩy nhanh tiến độ Cà Mau 1. Tăng lượng điện huy động ngoài ngành giá cao dù phải bù lỗ. Tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, tăng chỉ tiêu bán đèn compăct từ 1,5 triệu lên 3 triệu bóng trong năm 2008…Tuy nhiên, tất cả những giải pháp trên cũng không giải quyết được vấn đề nếu không có sự đồng thuận của các ban ngành, địa phương và người dân sử dụng điện. Một quan chức của EVN cho biết, khác với mọi năm biểu đồ phụ tải chỉ tăng vào giờ cao điểm, năm nay biểu đồ phụ tải (kể cả phụ tải sinh hoạt) luôn giữ ở mức cao vào cả ban đêm. Ngoài lý do các DN chuyển sản xuất về đêm, các hộ dân cũng chuyển sang sử dụng điện nhiều hơn thay cho các nguồn nhiên liệu khác (nhất là hiện nay giá xăng dầu, giá gas tăng quá cao). Bản thân các cơ sở có máy phát điện cũng ngần ngại vì giá nhiên liệu quá đắt. Để khắc phục khó khăn, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp kiểm soát chi phí điện năng. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo đăng ký chỉ tiêu tiết kiệm điện ở các cơ sở sản xuất, đẩy mạnh kiểm toán năng lượng bắt buộc, đồng thời bổ sung nội dung tiết kiệm điện vào Chương trình hành động năm 2008 của ngành. Đề nghị Chính phủ có biện pháp bù lỗ giá điện để hỗ trợ EVN vì EVN đang phải mua điện ở bên ngoài với giá cao nhưng chỉ được bán theo giá Nhà nước quy định nên khả năng năm 2008 sẽ lỗ trên 6.100 tỷ đồng.Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: Dù khó khăn đến đâu EVN cũng phải thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là chung sức cùng cả nước chống lạm phát, bình ổn giá. Riêng ngành điện vẫn phải đẩy mạnh tăng trưởng, đảm bảo cung cấp điện tối đa cho xã hội. Bộ trưởng giao cho EVN chủ động quan hệ với các đối tác để có nguồn điện, vận hành hợp lý đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu kinh tế. Kiểm tra thúc đẩy tiến độ các công trình điện do EVN làm chủ đầu tư, cố gắng từ nay đến cuối năm phải đưa vào hoạt động 6 dự án với tổng công suất 1.400 MW. Xây dựng hệ thống truyền tải và các trạm biến áp đến các nhà máy sắp đi vào hoạt động để có thể nối lưới ngay. Yêu cầu EVN tính toán lại vấn đề tài chính để kiến nghị với Chính phủ về việc bù lỗ. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Năng lượng phối hợp với các vụ liên quan và các bộ, ngành có giải pháp đồng bộ về giá giữa các loại năng lượng như gas, xăng dầu, than, điện một cách hợp lý để giảm áp lực cho ngành điện.

Theo Báo Công Thương